+ Aa-
    Zalo

    Những lễ chào cờ mãi trong ký ức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Vút cao lên giữa mây mù/ Và gió/ Có bông hoa nở đỏ tim mình/ Hồn Tổ quốc khắc nên hình Đất nước”.

    “Vút cao lên giữa mây mù/ Và gió/ Có bông hoa nở đỏ tim mình/ Hồn Tổ quốc khắc nên hình Đất nước”.

    Tôi cố căng mắt lọc tìm giữa mịt mùng sương giăng. Không gian hoàn toàn bưng kín nhưng thẳm sâu trong tâm thức hiển hiện lên màu đỏ của lá cờ với ngôi sao vàng năm cánh. Lá cờ Tổ quốc đang kiêu hùng tung bay trong nhịp đập của những trái tim bừng bừng sức trẻ.

    Mùa xuân trên đỉnh Lũng Cú.

    Năm đó tôi vừa mười chín tuổi. Ấy là tháng 12 năm 1976. Anh lính binh nhất là tôi vừa có một đêm ngủ lại ở một nơi vô cùng đặc biệt và cũng vô cùng ấn tượng. Chiều hôm trước (hôm trước là Chủ nhật) đội chiếu bóng lưu động của chúng tôi sau chặng đường xe xóc nẩy tung người cuối cùng cũng tới được doanh trại của đại đội 8. Một khu lán tạm mới được dựng lên trên bãi đất cũng mới được phát quang ngay dưới tán lá xum xuê của cây đa nơi đầu bản Khe Tiền (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Khu lán tạm nằm bên con suối chảy ngang mặt, mùa đông nên nước cạn, có thể lội bộ để tới bờ bên kia.

    Theo như giới thiệu của anh Đỉnh, chính trị viên đại đội 8, con suối này chính là thượng nguồn của sông Đồng Văn (một nhánh của sông Tiên Yên). Anh cho biết thêm “bên kia suối là đất Trung Quốc”.

    Tôi ồ lên kinh ngạc bởi đây là lần đầu tiên trong đời tôi không chỉ được lên biên giới mà còn được đứng ngay sát đường biên. Một cảm giác hơi là lạ, hơi ngài ngại, hơi lo lắng nhưng cũng đỗi tự hào. Thử hỏi đã có mấy ai được một lần đến một nơi xa xôi và có nhiều trắc trở như vậy.

    Mùa đông biên giới khá lạnh. Gió bấc hun hun thổi tông tốc qua con suối rồi ào ào dội từng đợt vào khu lán tạm. Có cảm tưởng như khu lán sắp bị gió cuốn tung. Sáu giờ ba mươi phút sáng, đứng cách nhau hơn mét chỉ nghe được tiếng thở chứ không thấy mặt, tiếng còi tập hợp vang lên báo hiệu lễ chào cờ sáng Thứ Hai hàng tuần bắt đầu. Tôi chạy ào ra sân nhập vào đội hình bởi đã là người chiến sĩ thì dù đi công tác cũng phải thực hiện điều lệnh quân đội. Tiếng chính trị viên Đỉnh hô to dõng dạc “Chào cờ. Chào”.

    Buổi lễ chào cờ tưởng như bình thường như mọi lẽ vậy mà cho tới hôm nay khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn chưa nguôi tim mình đập mạnh. Không thể nhìn rõ lá cờ nhưng tất cả chúng tôi vẫn thẳng người, ngẩng đầu, hướng mắt về phía trước. Lá cờ Tổ quốc đang tung bay. Tung bay và tung bay như một niềm tự hào, như một lời khẳng định: Ở nơi biên viễn này màu đỏ từng thấm bao máu anh hùng liệt sĩ đang hiển hiện bất chấp khó nguy.

    “Khắc nên hình hài từ những mảnh ốc, mảnh sò/ từ những thân đước, thân tre, thân dừa/ từ thanh gươm và cây súng lửa/ bởi Đất nước chính là Tổ quốc/ Khắc nên hình hài từ những chuyện ngày xưa/ rào nhà cho chặt/ đã nhượng nhìn, thì nhìn nhượng nghĩa nhân”.

    Tôi đã nhớ và tôi đã nhớ. Mạch cảm xúc tuôn trào nên những câu thơ. Những câu thơ mà tôi đã viết bằng một ý thức từ trong tiềm thức. Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước của cha ông ta cũng là lịch sử của mấy ngàn năm giữ nước. Bài ca giữ nước cứ thúc giục cứ thầm nhắc nhở “Đất nước của ca dao/ của chuyện nỏ thần/ lấy cảnh giác từ những gì đơn sơ nhất”.

    ***

    Sáng ngày mùng 2 tháng 4 năm 2007. Đoàn công tác của Thủ đô Hà Nội cập cảng Trường Sa lớn. Mùa này biển khá phóng túng. Nắng sớm đang tỏa ra khắp mặt biển màu hồng phơn phớt. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên khiến chúng tôi, những người lần đầu đặt chân lên đảo cứ nao nao. Quần đảo Trường Sa xa xôi giữa muôn trùng sóng gió sao chợt thấy gần gũi đến lạ thường, sao thấy thân thương đến chưa xa đã nhung nhớ.

    Ngay trên cầu cảng, anh em cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn ùa ra chào đón. Họ là những người thay mặt cán bộ chiến sĩ ở các đảo nổi đảo chìm trong quần đảo Trường Sa thiêng liêng chào đón những người con của Thủ đô Hà Nội yêu dấu lần đầu ra thăm đảo. Sự muộn mằn này làm chúng tôi day dứt.

    Tác giả bên mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn, tháng 4 năm 2007.

    Sự day dứt dâng đến đỉnh cao khi màn đêm trùm lên biển. Theo quy định, không thành viên nào của đoàn công tác được ngủ lại trên đảo. Tất cả phải về lại tàu trước hai mươi hai giờ. Cảm giác chia xa khiến con tim bịn rịn. Cảm giác chia xa khiến chúng tôi xao xuyến. Chợt không biết là ý kiến của ai nhưng ước nguyện “Được chào cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa” nhanh chóng được tất cả thành viên đoàn công tác hưởng ứng. Thượng tá Nguyễn Đại Dương, đảo trưởng và Trung tá Tạ Trung Đức, chính trị viên đảo, hội ý chớp nhoáng và cũng rất nhanh chóng ước nguyện của đoàn công tác được chấp nhận.

    Đó là một đêm trăng tuyệt vời nhất mà tôi được biết. Trăng rằm tháng Hai vằng vặc. Không gian như được dệt nên bởi một màu vàng soi sáng. Biển vàng. Cây trên đảo cũng vàng. Tất cả chúng tôi cũng nhuốm ánh vàng dẫn lối.

    Lá cờ Tổ quốc được kéo lên trên cột cờ đảo Trường Sa lớn. Bộ đội quân phục trang nghiêm sắp hàng ngay ngắn. Đoàn công tác dù đã có một ngày “bận rộn” với những cuộc chuyện trò, những cuộc ghé thăm, những câu hát quên mệt và những cử chỉ thân tình với cán bộ chiến sĩ nhưng cũng gắng đứng kề bên những người chiến sĩ.

    Tiếng hô “Chào cờ. Chào” dõng dạc vang lên. Tiếng hát cũng vang lên. Mọi ánh mắt ngước nhìn lá cờ Tổ quốc phần phật bay dưới trăng. Một đêm chào cờ dưới ánh trăng Rằm có lẽ là đầu tiên và duy nhất. Bất chợt ai đó trong hàng khe khẽ cất lên tiếng nấc. Tiếng nấc nghẹn ngào xúc động. Tiếng nấc trào dâng. Bài Quốc ca đã dứt nhưng dường như không ai muốn mình là người đầu tiên dừng lại.

    “Tôi lắng nghe câu hát của con tim/ rằng no đói cũng biết nhường biết sẻ/ lấy bọc lấy đùm, làm chuyện dạy cháu con/ Tôi lắng nghe lời nhắc từ tim/ rằng Tổ quốc, là những gì yêu quý nhất/ một ngọn cỏ, bờ tre, vuông trời tấc biển. Đâu đâu cũng Đất nước ông bà”

    Nguyễn Trọng Văn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-le-chao-co-mai-trong-ky-uc-a260525.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan