+Aa-
    Zalo

    Sử dụng dược liệu trôi nổi, tự đưa chất độc vào người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng vừa phát hiện một kho dược liệu, tân dược hết hạn, không rõ nguồn gốc...

    Cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng vừa phát hiện một kho dược liệu, tân dược hết hạn, không rõ nguồn gốc... Trong khi đó, theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, tại các khu chợ trên địa bàn, dược liệu được bán tràn lan, không đảm bảo chất lượng, đe dọa sức khỏe người dùng.

    Dược liệu để càng lâu càng quý?

    Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, sau thời gian trinh sát, lực lượng nghiệp vụ phòng theo dõi kiểm tra, phát hiện một kho chứa nhiều loại dược liệu và thuốc tân dược, thực phẩm chức năng đã hết hạn.

    Cụ thể, lực lượng chức năng đã kiểm tra kho chứa dược liệu của cơ sở kinh doanh thuốc Y học cổ truyền Cẩm Sơn, nằm trong hẻm ở đường Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, do bà Trần Mỹ Phấn, 47 tuổi làm chủ. Khi kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của những lô hàng này. Kiểm tra thông tin trên bao bì, phát hiện nhiều sản phẩm thuốc đã quá hạn sử dụng. Nhiều sản phẩm tên, thành phần và các thông tin liên quan không ghi rõ nội dung bằng tiếng Việt mà sử dụng bằng tiếng nước ngoài. Tổng giá trị lô hàng khoảng 500 triệu đồng.

    Công an kiểm tra kho hàng cơ sở kinh doanh thuốc Y học cổ truyền Cẩm Sơn. Ảnh: VTV

    Có mặt tại các khu chợ ở TP.Đà Nẵng, PV ghi nhận không ít điểm bán dược liệu từ các loại thuốc đông y đến các dược liệu ngâm rượu bán tràn lan. Phía trước chợ Mới Hoàng Diệu, nhiều cửa hàng bày bán các loại lá thuốc được cất giữ trong các bao ni lon. Theo quan sát, nhiều dược liệu loại lá đã mục, nát. Trong một số bao, có loại còn bị nổi mốc. Khi PV thắc mắc, một chủ cửa hàng nói: “Có lẽ, mấy bữa nay trời hay mưa nên bị ẩm thôi. Nắng lên, nó sẽ hết mốc”.

    Tại đây, các loại rễ, củ, người dân mua về ngâm rượu được tiêu thụ tốt. Điều đáng nói, khi giới thiệu, người bán luôn miệng quảng cáo chúng rất tốt. Nhưng, khi khách hỏi về nguồn gốc thì họ lại bảo là “đào trên núi” một cách mơ hồ. Và, tất cả các loại dược liệu được bày bán tràn lan tại những khu chợ đều có cùng một điểm chung là không ghi hạn sử dụng. Hỏi thì chủ các cửa hàng khẳng định: “Mấy loại này để càng lâu càng quý chứ hạn sử dụng gì”.

    Lương y lâu năm cũng khó phân biệt thật - giả

    Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị H., quận Hải Châu, một người có tiếng trong giới cung cấp dược liệu tại TP.Đà Nẵng cho biết, dược liệu ở TP.Đà Nẵng được bày bán chỉ khoảng 20% là hàng được khai thác tại Quảng Nam, Đà Nẵng. 80% còn lại nhập từ Trung Quốc. “Em thấy đấy, thuốc nam, thuốc bắc được bày bán khắp nơi. Mọi người tiêu thụ nhiều đến thế thì hàng trong nước sao mà đủ được”. Chị này cũng nhận định, phần lớn, các cửa hàng thuốc đông y cũng phải nhập hàng từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hoặc mua lại từ các kho hàng của những nhà thuốc lớn.

    Theo lương y Nguyễn Đình Khánh, Chủ tịch hội Đông y quận Thanh Khê, thuốc đông y không phải là thần dược. Mỗi thang thuốc, chỉ có thể chữa được một loại bệnh, không thể chữa hết tất cả các bệnh. Do đó, trong trường hợp nghe quảng cáo, dược liệu tốt, có thể chữa được bách bệnh thì không nên tin. Đồng thời, ông cho hay, mỗi thang thuốc chữa bệnh phải đủ vị, số lượng và cách điều chế đúng, khắt khe. Trong trường hợp thang thuốc nếu chỉ sai hay gặp 1 hay 2 vị giả, tác dụng rất khó đảm bảo.

    Ông dẫn chứng, hà thủ ô có công hiệu bổ thận, tóc đen nhưng phải được bào chế kỹ lưỡng, bài bản theo từng công đoạn, qua 9 lần phơi, nấu với đậu đen. Tuy nhiên, trên thị trường, hà thủ ô được bán tràn lan, giá rẻ, hiển nhiên chất lượng không được tốt và việc bào chế thiếu quy trình nên người dân mua về uống, tóc không thể đen được.

    Ông Khánh chia sẻ thêm, trong dân gian, mọi người thường cho rằng, dược liệu đông y càng để lâu càng tốt là sai lầm. Dược liệu đông y cũng như tân dược đều có hạn sử dụng. Nếu, hết hạn sử dụng mà vẫn dùng thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn. Do đó, ông khuyến cáo, người dân muốn mua hay khám bệnh thì nên đến các cơ sở đông y uy tín để được tư vấn, mua thuốc đúng, chữa trị mới hiệu quả.

    Bên cạnh đó, lương y Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch Hội dược liệu TP.Đà Nẵng nhận định, chưa tới 20% nguồn dược liệu trong đông y trên địa bàn được khai thác ở tự nhiên như núi Bà Nà, Hòa Phong, Hòa Bắc... Phần còn lại được nhập khẩu, trong đó chủ yếu là đường tiểu ngạch từ Trung Quốc. Do dược liệu nhập qua đường tiểu ngạch nên khó kiểm soát chất lượng. Đây chính là lý do dược liệu trên thị trường hỗn độn, thật giả lẫn lộn.

    Ông còn cho hay, việc xác định dược liệu thật, giả trên thị trường là rất khó. Ngay những người hành nghề lâu năm cũng không ai dám khẳng định mình đủ khả năng thẩm định, phân biệt chính xác được tất cả dược liệu thật giả.

    Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết, nhìn cảm quan từ bên ngoài rất khó xác định được các loại thuốc là còn hay hết hạn sử dụng. Khi mua thuốc, người dân nên xem thời gian sản xuất, hạn sử dụng ghi trên bao bì. Thuốc hết hạn không còn giữ được các tinh chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng. Thậm chí, khi hết hạn, các tinh chất có thể chuyển hóa, tạo thành chất độc. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên dùng các loại thuốc quá hạn. Riêng việc mua bán thuốc hết hạn là bất hợp pháp.

    Huy Cường

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 152

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-dung-duoc-lieu-troi-noi-tu-dua-chat-doc-vao-nguoi-a294676.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan