+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/10/2018: Phát hiện thêm 8 người dương tính HIV ở Phú Thọ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/10/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 11/10/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/10/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 11/10/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Phát hiện thêm 8 người dương tính HIV ở Phú Thọ

    Liên quan đến sự việc nhiều người dân ở xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) dương tính với HIV khiến dư luận xôn xao cách đây 2 tháng, ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, vừa cho hay sau khi xét nghiệm, tiếp tục phát hiện thêm 8 trường hợp nhiễm HIV cũng ở xã này. Theo ông Cảnh, đây là một điểm dịch tích lũy đã lâu, việc xét nghiệm HIV rộng rãi đã phát hiện thêm nhiều người mắc.

    Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác. Về việc có hay không việc y sĩ chính là người đã gây ra sự việc khi dùng chung bơm tiêm cho nhiều người, ông Cảnh nói: “Do chưa có kết luận cuối cùng nên không thể khẳng định y sĩ này có liên quan đến sự việc. Vì vậy, hiện y sĩ này vẫn đi làm việc bình thường”.

    Trước đó, trên địa bàn xã Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ rộ thông tin nhiều người phải đi xét nghiệm máu vì nghi nhiễm HIV. Kết quả sơ bộ khi kiểm tra nhanh có 42/490 mẫu dương tính với HIV ở xã Kim Thượng. Trong số đó, bệnh nhân nhỏ nhất là bé gái 18 tháng tuổi và lớn nhất 80 tuổi.

    Bé nhỏ nhất 18 tháng tuổi cũng mắc HIV tại Kim Thượng. Ảnh: Zing.

    Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho rằng 42 người mắc HIV chỉ trong một xã có dân số 6.600 người là cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình dịch bệnh HIV ở xã này còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

    Trước tính chất nghiêm trọng của dịch HIV tại Kim Thượng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Phú Thọ mở rộng xét nghiệm HIV miễn phí cho người dân trong vùng và các khu vực khác của tỉnh nếu có nhu cầu. Đồng thời, cán bộ y tế cần tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh bằng các biện pháp như tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, sử dụng bơm kim tiêm sạch... Khi nhiễm HIV, người bệnh phải được điều trị ARV ngay để đảm bảo sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.

    Bé 2 tuổi bị chó becgie nhà nuôi cắn rách mặt

    Ngày 10/10, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhi 2 tuổi bị chó becgie nhà cắn đa vết thương trên mặt.

    Theo lời kể của gia đình, để giữ nhà nên có nuôi 1 con chó becgie. Khi bé H. đang chơi đùa, ăn bim bim, con chó chạy theo đùa nghịch. Bé H. đưa tay đuổi thì bị con chó lao vào cắn khiến H. bị thương ở cổ, mặt và mắt, mất máu rất nhiều.

    Gia đình cháu bé nhanh chóng đưa H. tới bệnh viện huyện cấp cứu, cầm máu trước khi được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

    Theo bác sĩ Hoàng Thị Thúy Vân - Khoa Răng Hàm Mặt - Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bệnh nhi có nhiều tổn thương ở cằm, má phải, cánh mũi phải. Đặc biệt mi trên và mi dưới mắt phải có nhiều vết rách rất phức tạp, nguy hiểm. Bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cắt lọc, rửa vết thương, phẫu thuật khâu vết thương và tạo hình vùng đầu mặt mắt cho bé.

    Sau mổ, bé đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Răng Hàm Mặt - Mắt.

    Bé 2 tuổi có nhiều vết thương trên mặt do bị chó becgie cắn.

    Theo các bác sĩ, thời gian qua, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đến chính từ những vật nuôi như chó mèo trong gia đình đối với trẻ nhỏ. Thậm chí nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc đã phải trả giá bằng cả tính mạng do bị chó mèo cắn hoặc lây các bệnh truyền nhiễm từ vật nuôi trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn thờ ơ, mất cảnh giác đối với con trẻ…

    Các bác sĩ khuyến cáo, gia đình cần hết sức chú ý trông chừng trẻ, không được lơ là, chủ quan để trẻ chơi gần chó. Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu trong trường hợp chảy máu, rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

    Những gia đình có nuôi chó cần nuôi nhốt kỹ, rọ mõm để tránh gây hại đáng tiếc cho mọi người. Cần tiêm phòng dại đầy đủ cho chó nuôi, trong trường hợp bị chó cắn cần tiêm phòng đầy đủ cho người.

    Hạt sapôchê kẹt trong phổi người phụ nữ 4 năm

    Mới đây, Bệnh viện quận Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận bệnh nhân là chị D.T.M.L (48 tuổi) với triệu chứng ho nhiều, sốt, ở đáy phổi xuất hiện một đám mờ.

    Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định chụp CT ngực để truy tìm nguyên nhân. Kết quả ghi nhận trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải có một dị vật không rõ bản chất, kèm thương tổn viêm thùy giữa và thùy dưới phổi phải.

    Tiếp tục tiến hành nội soi phế quản bằng ống nội soi mềm thì phát hiện dị vật có màu đen, kích thước khoảng 2cm, trông giống hạt sapôchê. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật ra. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định.

    Hạt sapôchê mắc kẹt trong đường thở người phụ nữ suốt 4 năm.

    Theo chị L., khi nghe tin có dị vật lạ trong phổi, không những chị mà cả gia đình chị đều suy sụp vì lo sợ dị vật đó là khối u, chỉ đến khi được nội soi và gắp dị vật ra thì chị mới ngỡ ngàng đó là hạt sapôchê.

    Chị L. cho biết, cách đây khoảng 4 năm, khi chị ăn quả sapôchê thì không may hạt  vướng vào cổ họng. Chị đã dùng tay móc nhưng hạt không ra,  chị lấy cơm và nước để nuốt nhằm đẩy hạt xuống bao tử, một lúc sau thấy bình thường lại.

    Sau lần đó, khoảng 3 tháng sau chị L. bắt đầu có triệu chứng ho liên tục, có đàm… Lúc này, chị mua uống thuốc, triệu chứng có giảm nhưng khi ngưng thuốc lại ho tiếp. Bệnh nhân cũng đã đi khám và điều trị bệnh ở nhiều nơi, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại tái phát.

    BS Lê Hoàng Hải - Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện quận Thủ Đức,  người trực tiếp nội soi và thực hiện gắp dị vật cho biết, đây là trường hợp hóc dị vật không mới, thậm chí đã có trường hợp dị vật là vỏ thuốc, mảnh xương hay tăm tre…. gây tổn thương đường tiêu hóa. Tuy nhiên, dị vật cũng có thể lọt vào đường thở nếu bệnh nhân gặp phải cơn ho, hoặc cười đùa khi ăn uống...

    Theo bác sĩ, với trường hợp này, nếu không phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như viêm phổi liên tục, nặng có thể gây xẹp phổi hoặc áp xe phổi.

    Bác thông tin virus gây bệnh tay chân miệng đã biến chủng

    Trước thông tin cho rằng dịch tay chân miệng năm nay bùng phát mạnh do virus đã bị biến đổi gene để tạo thành virus mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus nào biến đổi gene.

    Ông Phu cho hay, trong số các chủng virus gây bệnh, EV71 chiếm chủ yếu, với 21%, các EV khác chiếm 20%, Coxsackie A10 (6%), Coxsackia A6 (3%)... Trong đó EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

    Giải thích thêm, PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, cũng giống như sốt xuất huyết có 4 chủng hoán đổi qua từng năm, virus EV71 với 11 chủng gen cũng luân phiên như vậy, có năm trội chủng này, có năm trội chủng khác.

    “Qua theo dõi dịch tễ tại Việt Nam, giai đoạn trước 2010, chủng gene phổ biến của EV71 là C5, đến năm 2011, dịch chuyển sang C4, khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch với C4 nên bùng phát dịch lớn trong năm nay. Các năm sau đó, chủng gene B5 của EV71 lại xuất hiện nhiều và đến 2018 lại gia tăng C4 trở lại”, PGS Lân thông tin.

    Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, qua đánh giá chứng minh, những năm có dịch C4 thì tỉ lệ mắc và tỉ lệ biến chứng cao hơn hẳn.

    Mặc dù bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc mới nhưng theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, bệnh mới đang vào giai đoạn đầu mùa, vẫn được kiểm soát chặt chẽ.

    Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

    Các chuyên gia dịch tễ cho biết, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng. Bệnh thường ghi nhận cao vào tháng 9 - 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn thấp kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên trong nhà trẻ, trường mẫu giáo nên nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

    Do đó, nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu người dân không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh để tránh gặp phải những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.

    Thu Hằng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-11102018-phat-hien-them-8-nguoi-duong-tinh-hiv-o-phu-tho-a247173.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan