+Aa-
    Zalo

    10 tuổi đã phải chăm mẹ tâm thần, cha mù lòa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hằng ngày, bé Hương phải vào rừng hái măng mang xuống chợ bán kiếm tiền nuôi bố mẹ. Mỗi khi nhà hết gạo, em và mọi người trong gia đình phải nhờ vào sự hỗ trợ của họ hàng, làng xóm.

    (ĐSPL) - Đó là hoàn cảnh em Bàn Thị Hương, xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình. Em sinh và lớn lên ra trong một gia đình bất hạnh, bố bị mù và mẹ bị tâm thần nên tuổi thơ của em gắn liền với nghèo đói và nỗi khổ.

    Những người ngủ “không thể duỗi thẳng chân”

    Đến xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất, thành phố Hoà Bình hỏi, ai cũng biết đến hoàn cảnh đáng thương của gia đình em Bàn Thị Hương, học sinh lớp 4, trường tiểu học Thống Nhất. Ngôi nhà Hương đang ở cùng mẹ tâm thần, cha bị mù và người anh trí não kém, rộng chừng hơn chục mét vuông. Nó chỉ đủ để kê chiếc giường và cái bàn uống nước cũng là bàn học của em. Không gian quá chật chội, không đủ để bốn người ngủ “duỗi thẳng chân” cùng một lúc. Hương cho biết, khổ nhất là mùa hè, thời tiết khô, bức bí, ngôi nhà giống như một lò sấy, mọi người phải rời khỏi nhà đi tránh nóng.

    Khi có khách lạ đến, cô bé lễ phép chào và lúi húi đi lấy nước mời khách. Người đàn ông bị mù là bố Hương mời khách ngồi uống nước, người đàn bà ngồi thẫn thờ trên giường là mẹ của em còn không nhận ra người thân chứ đừng nói đến khách lạ. Nhìn cô bé Hương gầy gò, ốm yếu, ít ai có thể biết được em đã lên mười tuổi. Mặc dù còn ít tuổi nhưng trông Hương có vẻ chững chạc hơn so với các bạn cùng trang lứa. Khi chúng tôi bảo chụp ảnh, cô bé vào dắt cha, mẹ và anh trai ra xếp hàng trước cửa. Đó là hình ảnh về những gương mặt khắc khổ với dáng đứng xiêu vẹo bên cạnh ngôi nhà chật chội.

    Những người dân sống cạnh ngôi nhà ấy biết rất rõ về hoàn cảnh của gia đình bé Hương. Bố Hương là ông Bàn Tiến Thọ bị mù từ nhiều năm nay, việc nuôi bản thân mình còn khó làm sao tính đến vai trò trọng trách làm trụ cột trong gia đình. Vợ mất sớm để ông Thọ sống cảnh “gà trống nuôi con”. ông Thọ bị mù cả hai mắt nên chẳng làm được việc gì. Do vậy việc nuôi con gặp rất nhiều khó khăn, cơm thì bữa đói bữa no, sự sống kéo dài qua ngày đoạn tháng đều nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng, đứa con trai lớn lên cũng không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. Chứng kiến cảnh gia đình ông khó khăn trăm bề, bà Phùng Thị Hiền đã động lòng thương cảm. Bà Hiền đã ở cái tuổi “quá lứa lỡ thì” nên đã bất chấp mọi can ngăn của anh em họ hàng, dọn đến sống chung với bố con ông Thọ. Nếu không có bà Hiền giúp đỡ bố con ông Thọ, không biết họ sẽ cầm cự được bao lâu. Thời gian sau, họ sinh được một người con gái, đặt tên là Bàn Thị Hương. Cô bé xinh và kháu khỉnh là niềm an ủi cho hai vợ chồng. Thế nhưng khi Hương được 6 tháng tuổi thì mẹ em bắt đầu có những biểu hiện thần kinh không bình thường. Từ chỗ là trụ cột trong gia đình, bà Hiền đã trở thành gánh nặng cho người thân, gia đình đã khó khăn giờ càng thêm bế tắc.

    Bà Bùi Thị Hằng, hàng xóm của bé Hương cho biết: “Gia đình bé Hương có hoàn cảnh éo le. Bố mù, mẹ bị tâm thần, anh trai thì không được nhanh nhẹn lắm nên mọi việc trong gia đình đều đổ hết lên đầu đứa con gái út. Hương còn quá nhỏ tuổi để gánh vác trọng trách trong gia đình. Nhìn thấy con bé thức khuya, dậy sớm để chăm lo cho gia đình, ai cũng động lòng thương”.

    Xót xa cháu bé 10 tuổi  phải chăm sóc mẹ tâm thần và cha mù lòa
    Gia đình bất hạnh của em Bàn Thị Hương với bố mù, mẹ tâm thần.

    Sống nhờ vào tình thương của xã hội

    Được biết, sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình Hương đều trông chờ vào khoản trợ cấp hàng tháng với 540.000 đồng. Theo Hương, số tiền đó chỉ đủ mua mắm, muối và một phần thuốc thang mỗi khi người thân trong gia đình bị ốm. Cuộc sống của gia đình buộc phải cầm cự và chạy ăn từng bữa.

    Mỗi khi nhà hết gạo, em và mọi người trong gia đình phải nhờ vào sự hỗ trợ của họ hàng, làng xóm. Thương hoàn cảnh của các cháu và anh chị, các chú, thím thường xuyên hỗ trợ gia đình trong từng bữa ăn, mua sách vở và thuốc men cho các cháu. Thế nhưng gia đình ai cũng có hoàn cảnh khó khăn nên việc giúp đỡ đó cũng chẳng thấm tháp vào đâu.

    Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bé Hương đã được chính quyền xã hết sức quan tâm. Mỗi khi có chương trình tặng quà, trao học bổng của các cá nhân, tổ chức, xã đều dành cho Hương một suất. Năm 2013, chương trình hỗ trợ học tập cộng đồng (Hàn Quốc) đã hỗ trợ xe đạp, quần áo ấm, tiền ăn bán trú cho em với tổng giá trị quà 10 triệu đồng. Nhà trường miễn học phí và các loại quỹ đóng góp cho em, đồng thời hỗ trợ em sách vở, dụng cụ học tập. Sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức từ thiện đã giúp cho em còn theo đuổi được con chữ đến ngày hôm nay.

    ông Bùi Thế Đừng, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Hương và 31 trẻ có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn đều đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc của chính quyền, đoàn thể. Với chủ trương không để trẻ phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Đảng uỷ xã đã giao cho các hội, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ các trẻ bị khuyết tật, gia đình nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

    Xót xa cháu bé 10 tuổi  phải chăm sóc mẹ tâm thần và cha mù lòa
    Hằng ngày bé Hương phải vào rừng hái măng mang xuống chợ bán kiếm tiền.

    Hai bàn tay và một ước mơ

    Hương sinh gia trong một gia đình khó khăn, phải lao động phụ giúp gia đình từ nhỏ nên em chín chắn hơn các bạn cùng lớp. Ngoài giờ học ở trường, em tranh thủ giúp mẹ nấu cơm, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa và trồng rau quanh vườn nhà tạo thức ăn hàng ngày cho gia đình. Thi thoảng, em còn vào rừng kiếm củi, măng rừng mang xuống chợ bán kiếm tiền. Cuộc sống khó khăn vất vả nhưng cô bé không than vãn, trách móc mà cố gắng gồng mình thay cha mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà. Dân làng bảo rằng, cô bé phải làm nhiều việc quá sức nên còi cọc, không lớn được, nhưng cô bé vẫn một mực nói rằng, em chịu cực để bố mẹ đỡ khổ hơn. Có nhiều lần, cô bé bị ốm, người nóng ran nhưng vẫn đi làm lấy tiền phụ giúp gia đình. Mỗi khi mẹ phát bệnh, cô bé lại thức cả đêm chăm sóc, có đêm cô bé ngủ gục trên nền nhà.

    Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn và thiếu thốn đủ đường nhưng bé Hương vẫn cố gắng học giỏi. Nhà chật, không có không gian, thỉnh thoảng em phải sang nhà chú để học và ôn bài. Không giống như chúng bạn, ngoài học trên lớp còn học ở nhà và đi học thêm, thời gian học của Hương chỉ vỏn vẹn có mấy giờ đồng hồ trên lớp. Chính vì vậy, cô bé đã cố gắng học thuộc bài trên lớp, bởi vì ngoài thời gian lên lớp, em chẳng khi nào được rảnh. Đi học về, em lại bỏ sách vở xuống để nấu cơm cho bố mẹ ăn và chăn lợn, gà. Buổi chiều em cầm dao, cầm cuốc ra vườn phụ giúp gia đình, tối đến em mới có thời gian để làm bài tập. Thế nhưng, bé Hương vẫn vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong học tập, hai năm học gần đây, Hương đều đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến và được đánh giá là học sinh chăm ngoan, chịu khó học hỏi. 

    Chia sẻ về ước mơ của mình, Hương tâm sự: Em biết rằng, hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên em phải cố gắng hơn các bạn rất nhiều. Em ước muốn sau này sẽ trở thành bác sỹ để có thể chữa khỏi mắt cho bố, khỏi bệnh cho mẹ. Để làm được điều đó, em sẽ cố gắng học tập thật tốt. Đó cũng là cách em thay lời cảm ơn đối với mọi người đã quan tâm, giúp đỡ em và gia đình trong suốt thời gian qua.

    “Em sẽ không để bố mẹ phải khổ thêm nữa!”

    “Cho dù bố không nhìn thấy em, mẹ không nhận ra em và không chăm sóc em được như những đứa trẻ khác nhưng dù sao thì họ vẫn là bố mẹ em. Em xem tivi thấy có nhiều đứa trẻ còn không bao giờ biết mặt bố mẹ. Cuộc đời bố mẹ em đã khổ nhiều rồi, em phải cố gắng để bố mẹ không phải khổ thêm nữa”, cô bé Bàn Thị Hương chia sẻ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/10-tuoi-da-phai-cham-me-tam-than-cha-mu-loa-a34766.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan