+Aa-
    Zalo

    Ai đứng sau quy trình hô biến người thường thành... thương binh nặng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phải khẳng định rằng, tại một số tỉnh, thành, nhiều ê – kíp chuyên “chạy chế độ” để kiếm tiền bất chính là có và sẵn sàng “hoành hành” khi có cơ hội.

    (ĐSPL) - Phải khẳng định rằng, tại một số tỉnh, thành, nhiều ê – kíp chuyên “chạy chế độ” để kiếm tiền bất chính là có và sẵn sàng “hoành hành” khi có cơ hội. Nhiều đường dây đã được các cơ quan chức năng phối hợp triệt phá và đưa ra truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin từ thì loại tội phạm chuyên làm giả giấy tờ để trục lợi này chẳng khác gì con bạch tuộc nhiều vòi, chặt vòi này thì vòi khác lại mọc ra?

    Con số biết nói

    Phải khẳng định rằng, thời gian gần đây, cơ quan có thẩm quyền tại một số tỉnh, thành đã rất tích cực vào cuộc để điều tra và triệt phá nhiều vụ án liên quan đến các đối tượng làm giả giấy tờ để “moi” tiền của Nhà nước. Điều không quá bất ngờ, đó là nhiều quan chức cấp cao tại các tỉnh cũng “dính chàm” vì có liên quan trực tiếp đến vụ án. Chúng tôi đơn cử một ví dụ khá điển hình về đường dây “chạy chế độ” thương binh, chạy chế độ nạn nhân chất độc màu da cam tại tỉnh Ninh Bình cơ quan công an triệt phá năm 2004. Theo đánh giá của cơ quan công an thì đây là vụ việc chấn động cả nước bởi số lượng thương binh giả cũng như quy mô, ê – kíp làm giả giấy tờ là lớn và có những mối quan hệ chằng chịt với quan chức.

    40 bị cáo trong đường dây chạy chế độ thương binh giả tại Bắc Ninh bị truy tố trước pháp luật.

    Một số quan chức đã “nhúng chàm”, trong đó phải kể tới ông Lã Khắc Mạnh (SN 1948, trú tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), nguyên Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình. Ông này bị truy tố trước pháp luật vì trực tiếp nhận tiền hối lộ của 109 người trong số 692 đối tượng được xác định là thương binh giả tại tỉnh Ninh Bình. Nhân vật thứ hai góp phần quan trọng trong phi vụ này là ông Hoàng Minh Châu, Trưởng phòng Giám định Y khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Ninh Bình.

    Ông Châu là người tiếp nhận hồ sơ giám định để thực hiện thẩm định, lập bệnh án, trực tiếp khám kiểm tra, rồi dự kiến tỷ lệ thương tật cho từng trường hợp. Cơ quan điều tra xác định từ năm 2001 đến tháng 6/2003, ông Châu đã tiếp nhận 1.106 hồ sơ thanh niên xung phong (TNXP) bị thương để giám định thương tật, trong đó đã nhận số tiền hơn 228 triệu đồng của 196 đối tượng để nâng tỷ lệ thương tật cho họ được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Nhân vật thứ ba là Đinh Đắc Thành, cán bộ phòng Chính sách thuộc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, vị này cũng trực tiếp nhận tiền “chạy chế độ” của 209 đối tượng.

    Đối tượng “cò mồi” và là mắt xích quan trọng để “kết nối”, thuc đẩy việc làm giả cho gần 700 thương binh giả là Vũ Đình Đợi, đối tượng này đã làm giả hồ sơ TNXP bị thương cho bản thân mình được hưởng chính sách như thương binh, rồi sau đó trở thành "cò" -môi giới, làm hồ sơ thương binh giả cho nhiều người. Thủ đoạn của đường dây này là hướng dẫn cho các đối tượng tự kê khai thương tật là các vết sẹo, vết thương, vết gãy xương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vết mổ bệnh lý... rồi giả mạo chữ ký, xác nhận cho nhau, rồi xin xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn. Tiếp theo, chúng móc nối với một số cán bộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hướng dẫn cho những người có nhu cầu được "công nhận" là thương binh và TNXP để họ kê khai làm hồ sơ giả.  Ê – kíp “chạy chế đô” để “moi tiền” nhà nước tại tỉnh Ninh Bình cho đến nay vẫn được coi là vụ án phức tạp nhất và gây bức xúc nhất trong dư luận. Cũng từ đây, các vụ án liên quan đến “chạy chế độ” liên tục được bóc gỡ tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh...

    “Công nghệ” biến người lành thành ... thương binh

    Năm 2014, tại tỉnh Bắc Ninh cũng đã xét xử một đường dây “chạy chế độ” liên quan đến 40 đối tượng. Đường dây này được điều khiển bởi 2 đối tượng chủ chốt nhưng dư luận đánh giá các đối tượng này chỉ là “con tốt”, còn nhân vật đứng sau chỉ đạo dường như vẫn “an toàn”. Ngay khi đường dây bị phát giác, các cấp chính quyền cùng công an tỉnh đã khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ và bước đầu đã khẳng định được sự tôn nghiêm của pháp luật. Vụ án này được phát giác từ năm 2013 từ đơn tố giác của quần chúng nhân dân, 2 đối tượng được coi là cầm đầu là Nguyễn Minh Biển và Lê Tuấn Nghênh. Hai kẻ này đã “giúp” cho hơn 50 đối tượng được hưởng chế độ thương binh, làm thiệt hại tiền của Nhà nước.

    Tuy nhiên, trong vụ án này, trong quá trình điều tra, nhiều “nhân vật” quan trọng đã tự đến cơ quan công an đầu thú và khắc phục hậu quả. 12 đối tượng tự nguyện đến cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú về hành vi làm giả hồ sơ thương binh, bao gồm: Tạ Huy Bảo, sinh năm 1960; Trần Văn Tàm, sinh năm 1963; Tạ Huy Thiềng, sinh năm 1961; Nguyễn Ngọc Phòng, sinh năm 1959; Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1965; Tạ Huy Tang, sinh năm 1957; Tạ Huy Đặng, sinh năm 1954; Nguyễn Văn Kiêu, sinh năm 1940; Nguyễn Văn Kiên, sinh năm 1957; Nguyễn Văn Nghiêm, sinh năm 1960; Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1960 và Hoàng Thế Vọng, sinh năm 1963, đều ở xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành.

    Ngoài ra, theo lời khai của Nguyễn Minh Biển và Lê Tuấn Nghênh, Công an tỉnh Bắc Ninh đã xác minh, làm rõ 10 đối tượng khác là: Nguyễn Ngọc Dân, sinh năm 1970; Tạ Huy Thiền, sinh năm 1961 , Vũ Đình Thi, sinh năm 1960; Trần Công Ảm, sinh năm 1953; Hoàng Xuân Đoàn, sinh năm 1954; TrầnVăn Nhiệm, sinh năm 1944; Phùng Viết Nhượng, sinh năm 1962; Đỗ Viết Hiển, sinh năm 1964; Nguyễn Văn Ngà, sinh năm 1962 và Nguyễn Văn Đáp, sinh năm 1956, đều trú quán tại xã Nguyệt Đức, đã nhờ Biển và Nghênh làm giả hồ sơ thương binh để được hưởng tiền chế độ chính sách của Nhà nước.

    Tại cơ quan điều tra, 22 đối tượng trên đều nhận lỗi và khai rõ các bước hành vi phạm tội của mình. Việc nhờ Nguyễn Minh Biển, Lê Tuấn Ngênh “giúp” làm giả hồ sơ thương binh chiếm đoạt của Nhà nước với tổng số tiền khoảng 1.500.000.000đ cũng được các đối tượng khai nhận. Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với 22 đối tượng có tên trên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139 BLHS. Đồng thời, xét thấy các đối tượng này đã tích cực phối hợp với cơ quan  điều tra làm rõ hành vi phạm tội của từng đối tượng, có những việc làm thể hiện thái độ ăn năn, hối cải, do vậy các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Bắc Ninh đã không áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với họ, mà cho các bị can tại ngoại, thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội.

    Theo đó, trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2006, Lê Tuấn Nghênh (SN 1952, trú quán xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) dù biết rõ 42 đối tượng ở 2 xã Ngũ Thái và Nguyệt Đức  là những người đã từng đi bộ đội nhưng không có thương tật hoặc có thương tật nhưng không có giấy tờ chứng minh. Thế nhưng, Nghênh vẫn cố tình “nhờ” Lê Đình Thảo (SN 1953, trú tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) làm bác sỹ ở phòng Quân y, Quân khu I, được phân công về Viện Quân y 110 (địa chỉ ở TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) để kiểm tra hồ sơ thực thể và giám định thương tật cho những người có công với cách mạng “chạy hồ sơ” cho các đối tượng được hưởng chế độ thương binh. Nghênh đã nhận tiền của các đối tượng để hoàn tất hồ sơ.

    Hình phạt chưa đủ răn đe!

    Trong số 42 đối tượng, có 2 đối tượng chưa được hưởng chế độ thương binh và một đối tượng là thương binh có tỷ lệ thương tật là 23\% nhưng làm hồ sơ nâng hạng lên 37\%, đã khắc phục hoàn toàn số tiền chiếm đoạt của Nhà nước nên chỉ bị xử lý hành chính. Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt Lê Tuấn Nghênh 7 năm tù giam; 3 bị cáo Nguyễn Văn Đáp (SN 1956) phạt 24 tháng tù, Nguyễn Đạt Trường (SN 1964) 30 tháng, Lê Sỹ Toại (SN 1958) 15 tháng tù. 36 bị cáo còn lại được hưởng án treo có thời hạn từ 8 tháng đến 30 tháng trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.

    Nhóm Phóng viên

    [mecloud]BM3DqxsUfI[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-dung-sau-quy-trinh-ho-bien-nguoi-thuong-thanh-thuong-binh-nang-a99995.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.