+Aa-
    Zalo

    Ám ảnh bệnh “tử thần” và cuộc chiến với những mầm bệnh mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thời gian qua, nhiều loại bệnh mới bùng phát khiến người dân lo lắng, đặc biệt là Mers-cov, được đánh giá là nguy hiểm hơn cả SARS.

    (ĐSPL) - Liên tục thời gian qua, thông tin liên quan đến các loại bệnh mới khiến người dân không khỏi lo lắng. Các bệnh này có thể gây tử vong nhanh chóng hoặc nếu qua khỏi cũng để lại di chứng nặng nề. Đặc biệt gần đây Mers-CoV, căn bệnh được đánh giá là nguy hiểm hơn cả SARS đã xuất hiện ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc... Về căn bệnh Mers-CoV, bộ Y tế đã có những khuyến cáo cụ thể và gửi công văn đến các sở Y tế địa phương...

    Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Mers-Cov tại sân bay quốc tế Incheon


    Cảnh báo từ bệnh nhân vừa mắc liên cầu lợn

    Khuôn mặt, ngón chân, ngón tay bị hoại tử thâm đen, những mảng xuất huyết xuất hiện trên toàn thân, hơi thở yếu ớt, chiếc máy đo độ bão hoà ôxy trong máu luôn hồi kêu tít tít. Những hình ảnh của bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn luôn ám ảnh chúng tôi khi tác nghiệp cách đây không lâu. Bệnh nhân là một người đàn ông 39 tuổi (quê Ninh Bình) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh đã tử vong sau 3 ngày nhập viện điều trị.

    Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn, dẫn tới nhiễm trùng huyết suy đa tạng, có nhiều ban hoại tử đen toàn thân, đặc biệt là ở mặt. Mặc dù được tận tình cứu chữa nhưng bệnh nhân này vẫn không qua khỏi. Những “án tử” hiện hữu của bệnh liên cầu khuẩn lợn dù được các cơ quan chức năng khuyến cáo, tưởng chừng như nó phải là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người nhưng mới đây ngay tại Thủ đô Hà Nội lại phát hiện có một trường hợp bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn.

    Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Trong một đàn lợn khỏe, cũng có một tỉ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang trong người liên cầu khuẩn.

    Theo bác sỹ Cấp, khi phát bệnh trên người, vi khuẩn liên cầu này thường gây bệnh viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết. Nếu nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong. Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng thì khả năng tử vong chiếm tỉ lệ 45\%- 50\%.

    Không chỉ thói quen sử dụng tiết canh gây họa cho nhiều người mà việc sẵn sàng “thoả cơn khát” ở các kênh rạch, hồ nước không đảm bảo vệ sinh cũng có thể là nguyên nhân cho tử thần “amip ăn não người” gây họa. Dư luận đã từng xôn xao trước thông tin bệnh nhân mắc “amip ăn não người” lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam cách đây vài năm.

    Theo đó, trong lúc về quê để dự đám cưới người thân, anh P.V.T. (25 tuổi, Phú Yên) đã cùng bạn bè lặn bắt trai ở một cái bàu (một dạng ao, hồ rộng lớn) gần nhà. Sau khi trở lại TP.HCM, anh T. bỗng lên cơn sốt, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi phải nhập viện Gia Định (TP.HCM).

    Ngay sau khi chọc dịch não tủy, các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân đã nhiễm một loại amip nhưng vẫn chưa thể xác định cụ thể. Sau khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện tiếp tục làm nhiều xét nghiệm và kết quả cho thấy bệnh nhân tử vong do bị "amip ăn não người" tấn công. Theo đánh giá của các chuyên gia, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân mắc bệnh này lên đến 98\% thì việc “giải toả” cơn nóng ở bất kỳ nơi đâu cũng cần phải cân nhắc.

    Nhiều trường học ở Hàn Quốc đã phải đóng cửa vì dịch bệnh Mers-cov

    Lo ngại “bệnh lạ” ngoại xâm

    Trong khi các căn bệnh được xem là đã được biết đến và được người dân liệt vào bệnh “tử thần” vì có nguy cơ tử vong cao thì những căn bệnh mới phát sinh trong vài năm qua có xuất phát từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam cũng khiến người dân không khỏi lo lắng. Đặc biệt là bệnh Mers-CoV, một căn bệnh được đánh giá là nguy hiểm hơn cả SARS.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cho biết, những căn bệnh trên không phải là “bệnh lạ”. Ngay cả như bệnh viêm đường hô hấp cấp tính Trung Đông (Mers-CoV) đang diễn biến phức tạp hiện nay cũng không phải là “bệnh lạ”, mà nó là bệnh mới nổi, mới phát sinh, còn cũng có những bệnh cũ rồi nhưng bây giờ lại xuất hiện. Tuy nhiên, người dân cũng không nên có tâm lý quá sợ sệt, hoang mang.

    Bộ Y tế Việt Nam liên tục cập nhật các thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới và cập nhật trên trang web của cục Y tế dự phòng về diễn biến của bệnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Chỉ khi các nhà chức trách cấm đi lại thì người dân mới phải tuyệt đối thực hiện vì sự an toàn. Hiện nay, chúng ta chỉ mới đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế đi lại các vùng có dịch.

    Tại thời điểm hiện nay, khi chưa có ca bệnh, chúng ta vẫn đang tăng cường giám sát, kiểm tra tại các cửa khẩu. Đặc biệt, chúng ta vẫn đang áp dụng tờ khai y tế 2 loại bệnh là Ebola và Mers-CoV tại các cửa khẩu đối với tất cả hành khách đi và đến từ 9 nước Trung Đông. Việc thực hiện tờ khai y tế với hành khách đến từ Hàn Quốc đang bắt đầu được triển khai tại các cửa khẩu.

    Trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Mers-CoV tại Trung Quốc khi có một công dân Hàn Quốc được phát hiện mắc bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, mức độ lây nhiễm từ Trung Quốc sang Việt Nam không lớn vì Trung Quốc có 1 trường hợp, đó là trường hợp đi từ Hàn Quốc sang và bệnh nhân đã được cách ly, điều trị. Hiện, chúng ta đang lo ngại những bệnh nhân đến và đi từ khu vực Trung Đông.              

    Xem thêm video:

    [mecloud]uT0qenocde[/mecloud]       

    Ba kịch bản ứng phó với bệnh Mers-CoV

    PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện chúng ta đã có 3 kịch bản tương ứng với các biện pháp phòng chống dịch như: Chưa ghi nhận ca nào ở Việt Nam, xuất hiện ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, tình huống dịch lây lan trong cộng đồng. Trong tình huống dịch lây lan trong cộng đồng, một số hoạt động cụ thể được đưa ra trong phương án ứng phó.

    Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có công văn khẩn gửi các sở Y tế

    * Hàn Quốc đóng cửa nhiều trường học gần bệnh viện có ca tử vong do Mers-CoV

    Ngày 3/6, cục Quản lý Khám, chữa bệnh, bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế; sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các Bộ, ngành về việc phát hiện sớm và chuẩn bị tốt việc phòng, chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp tính Mers-CoV.

    Cụ thể đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh: Người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt...

    Ngày 4/6, cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ đi kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tại một số bệnh viện như BV Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đoàn sẽ kiểm tra công tác chuyên môn, công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề mai táng, vệ sinh trong bệnh viện.

     

    ĐỖ THƠM

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-anh-benh-tu-than-va-cuoc-chien-voi-nhung-mam-benh-moi-a97358.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.