Bắc Ninh tạo đột phá mới từ nông nghiệp công nghệ cao


Thứ 5, 10/12/2020 | 10:06


Bắc Ninh đã bước đầu hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng,...

Bắc Ninh đã bước đầu hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế của hội nhập phát triển, là giải pháp công nghệ hiệu quả tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với nhiều lợi thế về đất đai, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư, trình độ sản xuất, thâm canh của người dân khá cao; nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…Tỉnh Bắc Ninh đang phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Những nhân tố mới trong sản xuất nông nghiệp

Để phát huy những thế mạnh sẵn có, Bắc Ninh đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tích tụ ruộng đất, xây dựng liên kết chuỗi hộ gia đình, trang trại nông - công nghiệp, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Nghị quyết số 147/QĐ-UBND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh Bắc Ninh nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất.

Thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ hình thành các trang trại, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như, vùng trồng rau xanh đạt 300 triệu đồng/ha/năm ở Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành; vùng hoa cây cảnh đạt hơn 500 triệu đồng/năm tại Tiên Du; vùng trồng hành, tỏi đạt 150 triệu đồng/ha… Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao: 5 mô hình lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (tổng diện tích 110ha cho thu nhập 90 triệu đồng/ha/năm), 8 mô hình sản xuất rau màu, cây ăn quả VietGAP (tổng diện tích 43,65ha, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm),…Các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng cũng đã được thử nghiệm và ứng dụng đưa vào sản xuất trong các trang trại, điển hình là mô hình sản xuất rau, bí đỏ tại huyện Gia Bình với quy mô 5ha, mô hình sản xuất măng tây xanh tại huyện Tiên Du quy mô 1ha và huyện Gia Bình 2ha...

Mô hình sản xuất hoa lan Hồ điệp trong nhà kính mạng lại giá trị kinh tế cao 

Xét về loại hình trang trại, gia trại, trong khoảng hơn 2.800 trang trại, gia trại trong toàn tỉnh, hiện đã có khoảng 250 trang trại đủ tiêu chí trang trại với tổng vốn đầu tư 628,3 tỷ đồng, khoảng gần 200 trang trại ứng dụng công nghệ cao. Điểm nổi bật là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất ngày càng nhiều, chiếm từ 45 - 60% tổng số trang trại, gia trại trong tỉnh. Nhiều sản phẩm do trang trại sản xuất đã có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình.

Nói đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Bắc Ninh, người ta nhắc nhiều tới các thương hiệu mới nổi như nông sản Hải Phong, Công ty Dabaco Việt Nam…Đây là những mô hình dám đột phá, chuyển đổi thành công từ trang trại nhỏ thành công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao, mạnh dạn ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại đã ứng dụng công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động. Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể bioga, máng tách phân, chế phẩm sinh học. Công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin đã và đang được áp dụng nhiều trong sản xuất với 42 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ chuồng kín, trong đó 5 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa hoàn toàn quá trình sản xuất, 4 cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đàn giống. Trong lĩnh vực thủy sản đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, thức ăn như mô hình nuôi cá lồng trên sông theo hình thức nuôi siêu thâm canh....

Song song với sản xuất, hệ thống dịch vụ nông nghiệp phát triển cả về lượng và chất. Bên cạnh các hoạt động dịch vụ truyền thống như thủy nông, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp...hiện nay có thêm các dịch vụ cơ giới hóa như làm đất, chăm sóc, thu hoạch...nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ở các trang trại. Với những chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngành sản xuất nông nghiệp nói chung và trang trại nói riêng tại Bắc Ninh đã bước đầu gặt hái được những thành công với nhiều mô hình, nhân tố điển hình mới.

Hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu để hướng tới một nền nông nghiệp sạch và là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bắc Ninh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, chẳng hạn, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích manh mún, nguồn cung sản phẩm chưa ổn định…

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao, cho nên chỉ có những tổ chức, cá nhân có điều kiện về năng lực chuyên môn, về vốn mới thực hiện được. Nhiều sản phẩm được sản xuất công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao nhưng chưa xây dựng được nhãn hiệu, vì vậy giá bán chênh lệch không nhiều, hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm chăn nuôi không ổn định cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, phát triển sản xuất.

Theo phân tích của ông Vũ Thái Ninh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh, thực tế cho thấy, mức độ sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của tỉnh. Những bài toán thực tế chính là những rào cản lớn trong việc phát triển thị trường và tạo thương hiệu riêng cho nông nghiệp Bắc Ninh.

Để sớm vượt qua những bất lợi, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh hướng tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới; chọn cách tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng và xây dựng chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

Hiện, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung kêu gọi đầu tư để hình thành các vùng, dự án có quy mô và sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tỉnh xác định các doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ là "đầu kéo" để thúc đẩy mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành cho biết, để hoàn thành được mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (gồm vay vốn ngân hàng, hỗ trợ giống, vật tư, kinh phí thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…) theo quy định hiện hành. Tạo điều kiện để các cơ sở tham gia các loại hình bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường gây ra, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bổ sung chính sách riêng cho việc thực hiện đề án, nhất là chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Cùng với đó, giao chính quyền địa phương đứng ra tích tụ ruộng đất, nhất là những diện tích đất nông dân không sản xuất, tạo ra quỹ đất sạch để tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp có điều kiện về vốn và có nhu cầu thuê lại, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung, lâu dài.

Khi diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp nhằm gia tăng giá trị nông sản, hướng đến việc phát triển nông nghiệp bền vững. Ngành nông nghiệp Bắc Ninh sẽ thành công với việc tổ chức lại sản xuất, xác định ngành hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hà Anh 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-ninh-tao-dot-pha-moi-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-a348953.html