+Aa-
    Zalo

    Bài học cảnh giác với những đầu nậu giấu mặt kinh doanh “hàng nóng” (2)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Ngoài các loại súng bắn đạn thật hay bắn đạn bi như kỳ trước đã đề cập, thì hiện nay, loại súng mới được dân bán buôn chia sẻ nhiều nhất chính là súng bắn điện.

    (ĐSPL)- Ngoài các loại súng bắn đạn thật hay bắn đạn bi (nhựa, sắt...) như kỳ trước đã đề cập, thì hiện nay, loại súng mới được dân bán buôn chia sẻ nhiều thống nhất chính là súng bắn điện. Nó cũng đang tạo nên những mối nguy, đe dọa đến tính mạng con người. Thế nhưng, để sở hữu nó lại vô cùng đơn giản, chỉ cần vài thao tác là có thể được giao hàng tận nhà?!

     Kỳ 2:  Súng bắn điện – Cảnh báo“đòn thù” gây tê liệt toàn thân

    Những đầu mối nửa kín, nửa hở

    Mới đây, ngồi cùng một vài dân chơi ở TP.HCM, khi nghe mọi người bàn tán về chuyện “mới săn được một em súng điện của Hồng Kông với giá 6 triệu đồng”, PV cũng tò mò đề nghị được cầm. Hóa ra con “chó lửa” bằng điện này khác “chó lửa” thật về kiểu bắn đạn ra thôi, còn hình thức giống hệt súng thật. Hơn thế nữa, loại này gọn, nhẹ, có thể dễ cất giấu... Đây cũng chính là đặc điểm mà dân chơi “hàng nóng” rất tâm đắc.

    Theo thông tin mà những tay chơi này cho hay, loại này mua khá dễ dàng và chỉ cần vài “mật khẩu” là có thể tiếp cận. Trong vai người cần súng điện phòng thân, PV đi tìm đầu mối cung cấp mặt hàng này. H. có số điện thoại 0915502xxx, quảng cáo súng bắn điện của Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong trên thị trường, vì giá rẻ. Tuy nhiên, nó cũng có chất lượng rất kém.

    Một sản phẩm được các đối tượng mua bán giới thiệu.

    “Hàng được chuộng nhất chính là của Nhật. So với hàng Trung Quốc thì “nó được đựng trong một hộp vải đen, không như các loại thông thường của China (Trung Quốc) rẻ tiền trong hộp giấy, mà thiết kế lại không bền và lực bằng. Loại này cũng được giới thiệu “có sức hủy diệt khá cao”. Ví như “súng phóng điện Full Box (kèm theo ba viên đạn), tầm bắn của nó có thể từ 6m - 10m, khiến cho đối thủ không thể chạy được... Chỉ cần bắn một phát là hung thủ ngã ngay tại chỗ, không còn khả năng chống cự, hay gây nguy hiểm”, H. hào hứng nói.

    PV hỏi, “giá của khẩu súng này là bao nhiêu?”. H. cho biết, “hàng này có giá 3,5 triệu đồng/khẩu anh ơi”. Hay như một người tên K. có số điện thoại 0916828xxx cho biết: “Súng bắn điện Taser có vỏ bằng nhựa APS, thiết kế mô phỏng hình gần giống súng bắn đạn thật (kèm theo ba viên đạn). Súng bắn điện Taser có thể phóng điện xa hơn 6m, điện áp 7.500 V. Khi bắn sẽ gây ngất và tê liệt toàn thân. Khi bắn hết đạn, súng Taser vẫn còn là một kìm điện dạng gần. Sản phẩm này có giá 3,5 triệu đồng, hiện đang khuyến mãi giảm còn 2,9 triệu đồng”.

    Thậm chí có một công ty chuyên cung cấp “mặt hàng” này  ở Q.3 cũng rao sản phẩm “súng bắn điện Taser A1 với điện áp 9.000.000 V, dùng hai pin sạc Unium dung lượng cao bắn tia điện xa 10 - 12m, khống chế đối tượng hiệu quả. Đi kèm là bốn pin dự trữ, một đế sạc ngoài để sạc pin dự trữ. “Hàng này được nhập khẩu chính thức hãng Taser Hoa Kỳ, nên giá bán là 13,5 triệu đồng/sản phẩm”, đại diện công ty này nói.

    Khi “dân giang hồ” cũng bị xỏ mũi

    Bên cạnh các sản phẩm súng và có hình dạnh như súng thì còn một loại súng bắn điện nguy hiểm khác, đó chính là “chiếc điện thoại iPhone 4s có chức năng bắn điện và làm đèn pin. Nó ngụy trang và phòng thân thì không gì tốt bằng”, một người chuyên bán sản phẩm này quảng cáo.

    Liên quan đến sản phẩm này, cách đây chưa lâu, cục Hàng không phát đi văn bản, gửi Cảng vụ Hàng không các khu vực, các hãng hàng không..., đặc biệt là bộ phận An ninh hàng không chú ý trong quá trình kiểm tra, soi chiếu khi làm thủ tục yêu cầu tăng cường kiểm tra, ngăn chặn loại súng phóng điện có hình dạng như chiếc điện thoại iPhone 4/4S mới xuất hiện trên thị trường để đảm bảo an ninh hàng không.

    Súng phóng điện được rao bán tràn lan.

    Thực tế, một số vụ việc nhập các sản phẩm là súng điện vào Việt Nam cũng đã bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Điển hình như hồi đầu năm 2015, chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất, Hải quan TP.HCM trong quá trình kiểm tra lô hàng nhập khẩu cá nhân thuộc loại hình phi mậu dịch của bà Lê Thị Hạnh, được gửi từ Mỹ về Việt Nam, lực lượng hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế đã phát hiện ba khẩu súng. Để biết cụ thể súng thuộc loại gì, cơ quan chức năng đã gửi đi giám định.

    Theo kết luận của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM cho biết, đây là loại súng có cơ chế hoạt động dùng điện hoặc khí nén, bắn đạn hình cầu, đường kính 6mm, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, sản xuất, mua bán, lưu hành, sử dụng. Hiện nay, theo ghi nhận của PV, khi tiếp cận các đầu mối cung cấp sản phẩm này thì đa phần đều là hàng của Trung Quốc.

    Thế nhưng, nhiều người mua trái phép ngoài việc không biết đã vi phạm hoặc cố tình vi phạm pháp luật, thì còn bị các đối tượng mua bán “nổ” là hàng Nhật, hàng Thái, hàng Mỹ để “chém” đẹp về giá cả. T.H.D., một người từng tham gia phân phối mặt hàng này, nhưng bị lực lượng chức năng xử phạt và dẹp cho biết, các loại súng điện nói chung và công cụ hỗ trợ trên thị trường hiện nay chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc.

    Theo D.: “Nếu người mua chú ý thì có thể dễ dàng biết nếu nhìn kỹ sản phẩm. Thông thường trên mỗi sản phẩm đều có ghi nguồn gốc (made in), có những sản phẩm dòng chữ này ghi rất nhỏ, cho nên phải để ý mới biết được”. Cũng theo ông D., các loại súng này rất nguy hiểm. Ngoài việc gây nguy hiểm cho người khác, thì còn đó nguy cơ gây nguy hiểm cho chính người sử dụng. Vì nhiều người không biết, khi hết điện thì cắm vào sạc, đồng thời có thói quen để qua đêm... Việc làm này hết sức nguy hiểm, vì khi nó tích tụ điện quá nhiều, sẽ gây nóng và cháy nổ, đặc biệt là sản phẩm từ Trung Quốc.

    Ngoài bị các đối tượng mua bán “chém” thì bên cạnh một số điểm, nơi mua bán có sản phẩm thật, cũng có những website “sinh ra là để lừa đảo”, nhằm chiếm đoạt tài sản những người nhẹ dạ, nhiều nhất vẫn là các trang facebook. Ví như một người tên T. đã từng bị lừa, kể lại vụ việc của mình về chiêu của các đối tượng này: “Tôi lên mạng tìm mua súng điện Nhật để trưng bày trong nhà, vào trang facebook S. chuyên “hàng nóng lạnh” và gọi điện số 01639195xxx đặt hàng.  Họ kêu tôi đi đặt cọc 30\% tổng số tiền (800 ngàn đồng/2,4 triệu đồng). Chủ tài khoản là N.V.S. tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặt cọc xong họ kêu đợi ngày mai có người giao hàng tận nhà luôn. Ngày hôm sau có người điện nói chuẩn bị tiền để lấy hàng. Một lúc sau, họ nói phải gửi thêm 1,6 triệu đồng tiền hàng nữa. Tôi nói nhận hàng rồi thanh toán tiền luôn nhưng họ kêu chỉ giao nhận hàng thôi chứ không giao dịch trực tiếp tiền mặt được.

    Lỡ cọc và tin sẽ có hàng nên tôi gửi số tiền còn lại cho họ. Khi gửi tiền xong, có một người gọi điện thoại nói là người chuyển hàng, phải trả thêm 500 ngàn đồng tiền vận chuyển để nhận hàng. Tôi không chịu, điện lại cho người giao dịch thì họ nói 2,4 triệu đồng là tiền hàng còn tiền chuyển hàng là khác. Đôi co một hồi, sợ không lấy được hàng, cuối cùng tôi cũng phải chuyển 500 ngàn đồng bằng card điện thoại Viettel. Chuyển xong, họ kêu đợi xíu có người tới giao hàng. Đợi mãi không thấy ai tới, gọi vào các số vừa gọi thì điện thoại không được nữa. Vừa tức vừa thấy mình dại”.                             D.T

    Cảnh cáo hay mời gọi?

    Mặc dù bán “hàng nóng” tràn lan, nhưng nhiều nơi còn “lưu ý” hài hước: “Không cung cấp cho người sử dụng với mục đích xấu, shop (cửa hàng) không chịu trách nhiệm khi tạo ra tình huống trên”. Hay “không bán súng cho người dưới 18 tuổi, có ý đồ cướp giật, hiếp dâm... Chỉ bán súng dành cho người cần sử dụng, người cần bảo vệ, phòng chống trộm cướp, cướp giật tại gia đình”?

     Bắt lô vũ khí lớn chưa từng thấy

    Ngay sau khi Báo ĐS&PL khởi đăng loạt bài điều tra “Thâm nhập đường đi và bài học cảnh giác với những đầu nậu giấu mặt kinh doanh “hàng nóng”: “Kẻ hủy diệt” được rao bán công khai” vào số 91 ra ngày 31/7/2015, thì cùng thời điểm này, chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với các lực lượng thuộc bộ Công an đã bắt giữ lô hàng gồm 94 khẩu súng mẫu CZ-P 07 và 472 hộp tiếp đạn đều chưa qua sử dụng. Mẫu súng này do công ty Ceska Zerojovka A.S Svat (Cộng hòa Czech) sản xuất. Và cũng chính đơn vị này chuyển phát về Việt Nam theo yêu cầu của khách hàng. Theo thông tin mà PV có được, lô hàng này được vận chuyển và đăng ký là hàng bình thường, xuất phát từ một sân bay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nên vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ. Một cán bộ chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, đây là vụ việc được phát hiện về vũ khí quân dụng lớn nhất từ trước đến nay tại cửa khẩu này.  Đây là một nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc triệt phá các đường dây vận chuyển “hàng nóng” về Việt Nam. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

    Đón đọc kỳ 3: Những bí mật dần lộ diện

     DƯƠNG THANH


    Xem thêm video:

    [mecloud] JKUf3vSIpL[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-hoc-canh-giac-voi-nhung-dau-nau-giau-mat-kinh-doanh-hang-nong-2-a105489.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.