+Aa-
    Zalo

    Bài học xương máu khi start up làm giàu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nếu bạn mới khởi nghiệp và cần đến những kinh nghiệm để thành công, chắc chắn những bài học xương máu này sẽ giúp bạn nhiều.

    Nếu bạn mới khởi nghiệp và cần đến những kinh nghiệm để thành công, chắc chắn những bài học xương máu này sẽ giúp bạn nhiều.

    Sheryl Sandberg trước khi nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành của Facebook – mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, bà từng là Phó giám đốc bán hàng trực tuyến toàn cầu cho Google và từng được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2012. Tài năng của bà càng được ghi nhận khi bà trở thành thành viên nữ đầu tiên và duy nhất của Hội đồng quản trị Facebook vào năm đó.

    Với thành tích, năng lực và kinh nghiệm đáng nể, giống như những ngôi sao khác của ngành công nghiệp công nghệ, Sheryl Sandberg có những bí quyết của riêng mình để điều hành một doanh nghiệp tốt nhất.

    Niềm yêu thích trước những cuốn sách đã giúp bà tìm ra chìa khóa của sự thành công trong kinh doanh mà bất cứ ai cũng cần phải ghi nhớ để đạt được mục đích của mình.

    Và cuốn The Learn Startup của tác giả Eric Ries chính là cuốn sách bà Sheryl Sandberg muốn giới thiệu cho tất cả những doanh nhân và những ai mong muốn có dự án khởi nghiệp cho riêng mình.

    Nội dung cuốn sách chia sẻ về cách để phát triển những mô hình, dự án kinh doanh bền vững một cách nhanh chóng. Tác giả hướng độc giả dùng khoa học để xây dựng doanh nghiệp bằng cách liên tục đưa ra các sản phẩm dựa trên phản hồi của khách hàng.

    Nếu bạn có được những bí quyết đảm bảo cho sự thành công trong kinh doanh của mình thì đừng nên bỏ qua 7 bài học mà The Learn Startup mang đến qua sự giới thiệu của Giám đốc điều hành Facebook như sau...

    1. Chọn một mục đích duy nhất để tập trung khởi nghiệp

    Khi khởi nghiệp, mục tiêu chính của bạn là tìm ra một mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận và có giá trị bền vững. Bạn càng tập trung vào mục đích đó, càng cố gắng thật nhanh chóng, bạn sẽ càng thành công. Hãy thử bắt đầu bằng cách nghiên cứu và tìm ra những sản phẩm mà khách hàng tiềm năng của bạn muốn. Bởi chỉ khi tìm ra được điều này, bạn mới đạt được mục đích và biến nó thành hành động.

    2. Ứng dụng khoa học để tìm kiếm và kiểm nghiệm mô hình kinh doanh của mình

    Cách tốt nhất để đưa ra những sản phẩm tốt, phù hợp với đối tượng sử dụng là sử dụng các ứng dụng khoa học hoặc bài học đã được chứng thực của những nhà kinh doanh trước đó. Bắt đầu bằng việc xây dựng giả thuyết xem liệu sản phẩm của mình có thành công hay không và sau đó tìm hiểu phản ứng khách hàng qua lượng tiêu thụ và sự phản hồi.

    3. Trước tiên hãy phát triển một sản phẩm tối thiểu để thử nghiệm ý tưởng trên thị trường

    Để nhanh chóng tìm hiểu liệu nhu cầu của khách hàng về ý tưởng của bạn như thế nào, hãy tạo ra một sản phẩm có khả năng tối thiểu (MVP), tức là khả năng ít nhất để thu thập những phản hồi ý nghĩa từ khách hàng. Ở phiên bản mẫu kiểm nghiệm này chỉ nên chứa các thành phần thiết yếu, nhưng phải đủ để khách hàng có một trải nghiệm thực tế chính xác về sản phẩm.

    4. Xây dựng, đo lường, học hỏi càng nhanh càng tốt

    Tác giả cuốn sách đã chỉ ra một vòng lặp bao gồm Build – Measure – Learn (BML) (dịch là Xây dựng – Đo lường – Học hỏi) để liên tục cải tiến sản phẩm. Dựa trên những nền tảng đã có, bạn hãy xây dựng nên một chương trình cụ thể, chính xác, tính toán các yếu tố bên trong và bên ngoài để có được một phiên bản cải tiến, chất lượng nhất. Càng nhanh cải tiến, mô hình kinh doanh của bạn sẽ càng đạt được nhiều thành công.

    5. Làm một thử nghiệm để tối ưu hóa sản phẩm

    Để giúp bạn có được phán đoán chính xác về tính năng nào của sản phẩm khiến khách hàng thích thú, tính năng nào chưa được hài lòng, hãy tạo ra hai phiên bản khác nhau trên cùng một sản phẩm: một có tính năng mới, một như cũ. Loại thử nghiệm chia nhỏ này giúp bạn biết được phiên bản nào được khách hàng yêu thích, giúp bạn quyết định được nên giữ lại hay hủy bỏ một tính năng nào đó.

    6. Sẵn sàng cho phương án thay thế

    Nếu giả thuyết ban đầu của bạn không diễn ra theo kế hoạch, chắc chắn đó sẽ là một trục trặc lớn. Điều bạn cần làm là thực hiện thay đổi nhanh chóng. Thay đổi cơ bản này có thể phải xác định lại giá trị cốt lõi của sản phẩm, nhắm mục tiêu đến phân khúc khách hàng hoặc thị trường bán hàng mới. Chắc hẳn việc đưa ra quyết định cho phương án thay thế quả không dễ dàng, nhưng nó sẽ mở ra cho ta nhiều cơ hội khác. Chúng ta cũng không nên lo lắng vì có rất nhiều quyết định thay đổi đã đi đến thành công, điều quan trọng là đừng né tránh, hãy đối mặt và giải quyết nó.

    7. Dành sự tập trung cho khách hàng hiện tại

    Mặc dù việc tìm kiếm khách hàng mới là điều nên làm, song hãy cân nhắc trong từng hoàn cảnh cụ thể. Và một chiến lược ít rủi ro hơn là thu hút khách hàng đang sử dụng sản phẩm của bạn sẽ sử dụng nhiều hơn. Bằng cách thường xuyên cung cấp các tính năng mới hoặc các dịch vụ tiện ích, người ủng hộ hiện tại sẽ càng thích thú hơn, làm cho khả năng lan truyền sản phẩm cũng cao hơn và đương nhiên là an toàn hơn.

    Còn John Rampton là một nhà đầu tư người Mỹ, một chuyên gia về marketing online, cũng là người sáng lập của công ty thanh toán trực tuyến Due. John Rampton, một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất tới thế giới trực tuyến đã đưa ra các bài học kinh nghiệm cho những người muốn thành công trên con đường khởi nghiệp.

    John đã đưa ra 5 bài học dẫn lối khởi nghiệp thành công quý giá.

    John Rampton từng xếp vị trí thứ 3 trong “Top 50 người có ảnh hưởng đến thế giới trực tuyến” do Entrepreneur Magazine bình chọn. John khá nổi tiếng trong giới doanh nhân và lĩnh vực kết nối tại Mỹ, nhưng không nhiều người biết rằng thuở hàn vi, anh chỉ là một nhân viên giao báo.

    Trên những nẻo đường giao báo, anh đã có cơ hội gặp gỡ những người giàu có, tiếp cận được với những suy nghĩ, thói quen, hành động cùng những bí quyết kinh doanh thành công của họ. Và đó chính là những “con đường” dẫn cậu bé giao báo bước vào thế giới giàu sang.

    John Rampton chia sẻ 5 bài học dẫn lối thành công quý giá mà anh đã học được khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.

    Luôn đặt câu hỏi

    Trong rất nhiều trường hợp, việc đặt câu hỏi sẽ tốt hơn đưa ra giả định. Trước đây tôi từng có quan niệm sai lầm rằng, đặt câu hỏi sẽ khiến người khác đánh giá tôi là một kẻ ngốc và không đủ trình độ trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.

    Tuy nhiên, trên thực tế, bạn càng đặt nhiều câu hỏi bao nhiêu thì càng tiết kiệm được thời gian và tiền bạc bấy nhiêu. Đặt câu hỏi đồng nghĩa với việc bạn hứng thú học hỏi và luôn muốn lắng nghe người khác. Không ai từ chối hoặc đánh giá thấp một người cầu tiến khi họ đặt câu hỏi.

    Nếu một ai đó đánh giá thấp bạn chỉ vì bạn đặt câu hỏi, hãy bỏ qua những lời đánh giá đó. Bởi đơn giản, bạn chỉ đang thu thập thêm thông tin giúp cho quá trình ra quyết định của mình hiệu quả hơn.

    Tìm một cộng sự (hoặc một người tư vấn)

    Ban đầu khi mới khởi nghiệp, tôi lựa chọn làm một mình mà không tìm bất cứ người cộng sự nào. Nhưng ngay sau đó, tôi nhận ra rằng, hai người bao giờ cũng tốt hơn một. Có một người cộng sự sẽ giúp bạn đánh giá vấn đề một cách toàn diện hơn; đồng thời đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Cộng sự sẽ là người bổ sung những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm mà bạn còn thiếu để dẫn dắt công ty thành công.

    Đôi khi bạn cũng có thể tìm thêm những người tư vấn tin cậy, họ sẽ chỉ cho bạn những kinh nghiệm quý báu giúp bạn điều hành doanh nghiệp tốt hơn.

    Hài lòng với thành công ban đầu

    Khi mới thành lập công ty, tôi luôn hướng đến những dự án lớn và nghĩ rằng đó mới là thành công. Tuy nhiên, điều tôi hối tiếc vì đã không nhận ra khi đó là ngay cả những thành công nhỏ cũng có thể dẫn lối bạn đến thành công khác lớn hơn. Do vậy, hãy tập hài lòng với những thành công bước đầu và đừng bao giờ phàn nàn về thất bại.

    Bạn hãy ăn mừng khi đạt được bất cứ điều gì đó, bởi nó cho thấy bạn đã vượt qua được những khó khăn và trở ngại để đi đạt thành quả. Đây sẽ là yếu tố khích lệ tinh thần và giúp bạn vươn lên.

    Tạo niềm vui trong cuộc sống

    Thời điểm mới khởi nghiệp, tôi làm việc như một kẻ điên đến mức quên ăn quên ngủ. Tôi bận đến mức quên cả những thói quen hàng ngày và bỏ qua nhiều niềm vui trong cuộc sống. Tôi luôn trong trạng thái lo lắng và căng thẳng vì áp lực công việc.

    Giờ đây, tôi ở nhà nhiều hơn, quan sát các con tôi trưởng thành mỗi ngày và rút ra nhiều bài học quý giá từ cuộc sống áp dụng vào việc ra quyết định kinh doanh.

    Hữu Bằng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-hoc-xuong-mau-khi-start-up-lam-giau-a243896.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan