+Aa-
    Zalo

    Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi màu sắc của các đại dương

    (ĐS&PL) - Nghiên cứu mới cho thấy, màu sắc của các đại dương đã thay đổi đáng kể trong 20 năm qua, nguyên nhân có khả năng là biến đổi khí hậu do con người gây ra.

    Theo CNN, nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Anh và Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ dẫn đầu cho biết, hơn 56% các đại dương trên thế giới thay đổi màu sắc đến mức không thể giải thích được bằng sự biến đổi tự nhiên.

    Nghiên cứu được công bố ngày 12/7 trên tạp chí Nature tiết lộ, các đại dương nhiệt đới gần xích đạo trở nên xanh hơn trong 20 năm qua. Điều đó phản ánh những thay đổi trong hệ sinh thái tại các đại dương này.

    Được biết, màu sắc của đại dương phụ thuộc vào những vật chất được tìm thấy ở các lớp trên của chúng. Chẳng hạn, một vùng biển xanh thẳm sẽ có rất ít sự sống bên trong.

    Trái lại, màu xanh lá cây cho thấy có các hệ sinh thái dưới biển, dựa trên thực vật phù du, các vi khuẩn giống thực vật có chứa chất diệp lục. Thực vật phù du tạo thành cơ sở của một chuỗi thức ăn hỗ trợ các sinh vật lớn hơn như loài nhuyễn thể, cá, chim biển và động vật có vú ở biển.

    nghien cuu moi bien doi khi hau dang lam thay doi mau sac cua cac dai duong
    Màu sắc của các đại dương đã thay đổi đáng kể trong 20 năm qua. Ảnh minh họa: CNN

    Đồng tác giả nghiên cứu Stephanie Dutkiewicz, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Viện Công nghệ Massachusetts chia sẻ, hiện không rõ chính xác các hệ sinh thái này đang thay đổi ra sao. Số lượng thực vật phù du tại các khu vực không giống nhau, có khả năng tất cả các khu vực của đại dương sẽ chứng kiến sự thay đổi của những loại thực vật phù du hiện có.

    Các hệ sinh thái đại dương được cân bằng một cách tinh tế và bất cứ sự thay đổi nào về thực vật phù du đều ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn. “Tất cả sự thay đổi đều dẫn đến mất cân bằng trong tổ chức tự nhiên của hệ sinh thái. Sự mất cân bằng này sẽ tồi tệ hơn theo thời gian nếu các đại dương tiếp tục nóng lên”, nhà khoa học Stephanie Dutkiewicz nói.

    Vị chuyên gia tiết lộ thêm, sự mất cân bằng cũng tác động tới khả năng hoạt động như một kho chứa carbon của đại dương do các sinh vật phù du khác nhau hấp thụ lượng carbon khác nhau.

    Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục nghiên cứu để giải thích chính xác ý nghĩa của những thay đổi về màu sắc của đại dương. Tuy nhiên, họ khẳng định biến đổi khí hậu do con người gây ra đang thúc đẩy những sự thay đổi này.

    Họ đã theo dõi thay đổi về màu sắc của đại dương từ không gian bằng cách quan sát lượng ánh sáng xanh lục hoặc xanh lam phản chiếu từ bề mặt biển. Dữ liệu được lấy từ vệ tinh Aqua đã theo dõi sự thay đổi màu sắc của đại dương trong hơn 20 năm qua, có thể phát hiện những điểm khác biệt mà mắt người không thể nhận ra.

    XEM THÊM: Hỏa hoạn tại Pakistan khiến 10 người trong một gia đình tử vong

    Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thay đổi màu sắc từ năm 2002 - 2022, sau đó dùng các mô hình biến đổi khí hậu để mô phỏng điều sẽ xảy ra với các đại dương khi có và không có tình trạng ô nhiễn khiến Trái Đất nóng lên.

    Sự thay đổi màu sắc gần như khớp với dự đoán của bà Stephanie Dutkiewicz. Cụ thể, nếu bầu khí quyển tiếp tục tiếp nhận thêm khí nhà kính, khoảng 50% đại dương sẽ thay đổi màu sắc. Trao đổi với CNN, bà nói đây là một hồi chuông cảnh tỉnh nữa về việc biến đổi khí hậu do con người gây ra đã tác động đáng kể đến hệ thống Trái Đất.

    Theo bà Stephanie Dutkiewicz, rất khó để nói liệu con người có thể nhìn thấy sự thay đổi màu sắc của đại dương hay không nếu quá trình này tiếp tục xảy ra. Thời gian tới, bà sẽ tìm hiểu rõ hơn về sự thay đổi màu sắc ở các vùng đại dương khác nhau và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

    Đinh Kim(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-doi-khi-hau-dang-lam-thay-doi-mau-sac-cua-cac-dai-duong-a582822.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan