+Aa-
    Zalo

    Bình Định loại 2 đơn vị đóng tàu vỏ thép gian dối

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ NN&PTNT đã yêu cầu rút tên 2 công ty đóng tàu tại Bình Định khỏi danh mục những đơn vị đủ điều kiện đóng tàu theo NĐ 67.

    Bộ NN&PTNT đã yêu cầu rút tên 2 công ty đóng tàu tại Bình Định khỏi danh mục những đơn vị đủ điều kiện đóng tàu theo NĐ 67 và không giao hai công ty này đóng mới tàu cho ngư dân.

    Vietnamnet đưa tin, theo Sở NN&PTNT Bình Định, căn cứ hợp đồng, cơ sở đóng tàu phải lắp đặt máy Mitsubishi mới được phân phối bởi chính hãng sản xuất và cấu kiện máy phải đồng bộ.

    Tuy nhiên, qua kiểm tra và thẩm định thì trong số 9 tàu cá bị hư hỏng có 8 chiếc do công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an, gọi tắt là công ty Nam Triệu) đóng không phải hàng phân phối chính hãng và 1 chiếc do công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng là hàng do đại lý Mitsubishi tại VN phân phối.

    Ông Teddy Trương Thưởng, một trong những đại diện của hãng Mitsubishi (Nhật Bản) chia sẻ: “Tôi cũng rất bất ngờ khi đọc và biết được thông tin trên báo ở Việt Nam cho hay nhiều tàu vỏ thép mới đóng lắp máy Misubishi bị hư hỏng nặng, nên sang kiểm tra để bảo vệ thương hiệu cho chúng tôi”.

    Trước sai phạm nghiêm trọng này, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ đề nghị các cơ sở đóng tàu phải thay máy thủy mới chính hãng; đồng thời đền bù các thiệt hại cho ngư dân có tàu cá bị hư hỏng nằm bờ không ra khơi được.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu thẳng thắn: "Cơ sở đóng tàu đã hợp đồng máy chính hãng Mitsubishi thì phải lắp đặt nguyên đai nguyên kiện máy mới của hãng này.

    Hợp đồng đóng tàu là thép Hàn Quốc thì phải làm đúng, chứ không tự động thay bằng thép Trung Quốc. Để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị đóng tàu, tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra".

    Tổ thẩm định kiểm tra sự cố hư hỏng hàng loạt con tàu 67 tại Bình Định. Ảnh: Vietnamnet

    Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu công ty Đại Nguyên Dương thay lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng hợp đồng đã ký kết với ngư dân là đóng bằng thép Hàn Quốc.

    Với số máy tàu bị hư hỏng của công ty Nam Triệu, Bộ yêu cầu phải thay bằng máy mới chính hãng Mitsubishi như hợp đồng giữa 2 bên, không chấp nhận sửa chữa hư hỏng.

    Bộ NN&PTNT đã yêu cầu rút tên 2 công ty này khỏi danh mục những đơn vị đủ điều kiện đóng tàu theo NĐ 67 và không giao hai công ty này đóng mới tàu cho ngư dân.

    Trước đó, Tri thức trực tuyến phản ánh, thị sát thực trạng tàu vỏ thép mới bàn giao đã liên tục bị lỗi, hư hỏng phải nằm bờ ở cảng Đề Gi, huyện Phù Cát (Bình Định) ngày 8/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho đây là "sự cố đáng tiếc".

    Theo ông Tám, Nghị định 67 là chủ trương lớn của Chính phủ về chính sách khai thác và phát triển thủy sản, trong đó có đóng mới, nâng cấp hiện đại hóa tàu cá nhằm giúp ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên thời gian qua, 17 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định sau khi nhận bàn giao, đưa vào hoạt động đã gặp sự cố, không ra khơi được gây ảnh hưởng lớn cuộc sống.

    Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp đã ban hành hai văn bản chỉ đạo các địa phương tổng rà soát các tàu vỏ thép đóng mới để đánh giá vướng mắc tồn tại và hiệu quả bước đầu.

    Bộ cũng đã cử các đoàn công tác về Bình Định và các địa phương để kiểm tra. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu rất quan tâm đến tàu vỏ thép. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tổng kiểm tra, báo cáo trước 30/6.

    Như Dân trí đã thông tin, qua kiểm tra 3 tàu vỏ thép do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng. Trong khi đó, 20 tàu vỏ thép do công ty TNHH MTV Nam Triệu, qua kiểm tra 4 tàu có đơn kiến nghị cho thấy, thân vỏ một số tàu bị rỉ sét, hàu bám nhiều; máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng; máy phát điện bị hư hỏng hoặc hoạt động không tốt; hầm bảo quản không giữ được lạnh…

    Hiện nay, 2 cơ sở đóng tàu trên đã làm việc với các chủ tàu và thống nhất việc khắc phục, sửa chữa tàu. Tuy nhiên, ngư dân bức xúc đơn vị Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã tự ý thay đổi tôn (thép) đóng tàu vỏ thép. Theo hợp đồng, các tàu này phải được đóng tôn của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, Công ty này đã thay thế bằng tôn đóng tàu của Trung Quốc, đến nay các tàu đều bị gỉ sét nghiêm trọng.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/binh-dinh-loai-2-don-vi-dong-tau-vo-thep-gian-doi-a192858.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan