+Aa-
    Zalo

    Bộ GTVT trình Thủ tướng 2 phương án thu phí BOT Quốc lộ 5

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ các phương án thu phí tại BOT Quốc lộ 5.

    Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ các phương án thu phí tại BOT Quốc lộ 5.

    Theo Bộ GTVT, phương án 1 sẽ giảm giá cho chủ phương tiện trong vùng lân cận trạm thu giá Quốc lộ 5. Sẽ giảm 100% cho các phương tiện nhóm một (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt công cộng) không tham gia kinh doanh. Giảm 20% với phương tiện của các cơ quan đóng trên địa bàn quanh trạm.

    Với phương án này, nếu giảm phí trong bán kính khoảng 3km quanh trạm, nguồn thu phí sẽ giảm khoảng 51 tỷ đồng/năm. Nếu giảm trong bán kính 5km, nguồn thu sẽ giảm khoảng 80 tỷ đồng/năm.

    Phương án 2 là sẽ giảm chung cho tất cả phương tiện qua trạm. Xe nhóm một giảm từ 40.000 đồng còn 35.000 đồng hoặc 30.000 đồng, các xe nhóm khác sẽ giảm tương ứng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/lượt.

    Với phương án này, mức thu phí sẽ giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so với phương án tài chính của dự án.

    Chiếc xe con trả tiền lẻ khi qua trạm BOT Quốc lộ 5. Ảnh: Dân Trí

    Theo Bộ GTVT, phương án 1 không ảnh hưởng đến phương án tài chính, chỉ giảm khoảng 10% nguồn thu trên Quốc lộ 5. Với phương án 2, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ thêm 5.000 tỷ đồng cho dự án giai đoạn từ 2018-2025. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, phương án này rất khó khả thi do nguồn ngân sách hạn hẹp.

    Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp nhận chủ trương giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các chủ phương tiện vùng lân cận trạm thu phí Quốc lộ 5. Sau một thời gian giảm giá, Bộ sẽ tổng hợp mức sụt giảm doanh thu thực tế để cập nhật phương án tài chính và báo cáo Thủ tướng.

    Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết phần hỗ trợ của Nhà nước chiếm 39% tổng vốn tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là chi phí giải phóng mặt bằng 4.000 tỉ đồng, vốn hỗ trợ mà Nhà nước đã cam kết.

    Trước đó, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời khai thác thu phí hoàn vốn trên QL 5) đã trình Chính phủ 2 phương án giảm phí cho người dân trên tuyến QL5.

    Theo Vidifi, với phương án thứ nhất, loại xe nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt) sẽ giảm từ 40.000 đồng xuống 35.000 đồng. Xe loại 2 (từ 12-30 chỗ ngồi, xe tải 2-4 tấn) giảm từ 55.000 đồng xuống 45.000 đồng. Xe loại 3 (trên 31 chỗ ngồi, xe tải 4-10 tấn) giảm từ 75.000 đồng xuống 65.000 đồng. Xe loại 4 (xe tải từ 1-18 tấn, container 20 fit) giảm từ 125.000 đồng xuống 110.000 đồng. Xe loại 5 (xe tải trên 18 tấn, container 40 fit) giảm từ 180.000 xuống 160.000 đồng.

    Phương án 1 này sẽ phát sinh 2 kịch bản: Thứ nhất, nếu áp dụng mức giảm giá này trong 3 năm (2018 - 2020), sau đó tăng giá trên cơ sở mức giá này (3 năm tăng 1 lần, mỗi lần 18%), Nhà nước phải cấp bù thêm 5.200 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025.

    Thứ 2, nếu việc giảm giá sau 3 năm (2018-2020), đến năm 2021 tăng lại đúng như phương án tài chính hiện nay (xe loại 1 vào thời điểm năm 2021 là 47.200 đồng/lượt), dòng tiền dự án thâm hút 456 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vidifi cũng thừa nhận, việc tăng giá đột ngột từ 35.000 đồng lên 47.000 đồng vào năm 2021 sẽ khó khả thi.

    Phương án thứ 2, đưa phí đối với xe loại 1 từ 40.000 đồng hiện nay xuống 30.000 đồng. Xe loại 2 từ 55.000 đồng xuống 45.000 đồng, loại 3 từ 75.000 đồng xuống 65.000 đồng, loại 4 từ 125.000 xuống 110.000 đồng, loại 5 từ 180.000 xuống 170.000.

    Phương án này cũng có 2 kịch bản tương tự. Trong đó, mức cao nhất Vidifi đề nghị Nhà nước cấp bù đến 5.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.

    Vidifi đã thống nhất với Tổng cục Đường bộ đưa ra phương án miễn hoặc giảm cho các chủ phương tiện có xe không kinh doanh vận tải trong phạm vi cách trạm 5 km. Xe hoạt động vận tải trong phạm vi này sẽ giảm 20%.

    Hồi đầu tháng 9 và trong những ngày qua, nhiều chủ phương tiện đã trả tiền lẻ tại trạm để phản đối thu phí tại BOT QL 5. Lý do các tài xế phản ứng với trạm thu phí vì tuyến QL 5 được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, hiện họ đã trả tiền duy tu, bảo trì đường giao thông cho Nhà nước theo đầu phương tiện. Vì vậy, việc thu phí tuyến này để xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là phí chồng phí.

    Ngoài ra, còn có các lý do khác như: Mức phí từ 10.000 đồng/lượt đối với xe cơ sở (dưới 12 chỗ ngồi) đã tăng lên 40.000 đồng/lượt/xe cơ sở là quá cao, chủ đầu tư chưa có chính sách miễn giảm cho các hộ dân quanh trạm.

    Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, tuyến đường này có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng.

    Từ cuối năm 2015, dự án nâng cấp Quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, nâng cấp, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí. Nguồn thu phí quốc lộ 5 cũng được bổ sung cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo quyết định của Chính phủ.

    Trước đây giá phí qua trạm BOT này là 10 nghìn đồng/lượt/trạm/xe bốn chỗ; sau tăng lên 30 nghìn đồng, rồi 45 nghìn đồng và hạ xuống còn 40 nghìn đồng vào năm 2016.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gtvt-trinh-thu-tuong-2-phuong-an-thu-phi-bot-quoc-lo-5-a212929.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan