+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng GTVT trả lời chất vấn, “nóng” chuyện BOT

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể sẽ “mở hàng” phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, vấn đề BOT được nhiều ĐBQH quan tâm.

    Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể sẽ “mở hàng” phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, vấn đề BOT được nhiều ĐBQH quan tâm.

    Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt ngành Giao thông cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ngành, đông đảo nhân dân… luôn đồng hành với nhân dân thời gian qua. Đó là động lực giúp ngành Giao thông hoàn thành trách nhiệm được giao.

    Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn dư luận xã hội và ĐBQH quan tâm đến vấn đề trạm thu phí đổi tên thành trạm thu giá. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ sớm báo cáo trình Chính phủ để có một tên mới thay trạm thu phí BOT phù hợp với luật và yêu cầu thực tiễn.

    Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc nghiên cứu đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá, tôi thấy không cần phải nghiên cứu trình Chính phủ, cứ để tên cũ là được. Trình Chính phủ lâu lắm. Cái tên nó đúng tên cũ thì cứ lấy lại thôi”.

    Có 9 phút để trả lời 3 câu hỏi của các ĐBQH nêu trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Chênh lệnh giữa hợp đồng BOT và kết quả kiểm toán, Bộ trưởng nói: “Đấu thầu và ký hợp đồng BOT thời gian qua đều được duyệt, trong đó có một phần dự phòng như trượt giá, giải phóng mặt bằng… Do đó, dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản phát sinh nên dự án có giá trị lớn. Căn cứ quy định pháp luật, bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt. Trong quá trình thực hiện, Bộ đã chủ động đề nghị kiểm toán vào cuộc. Do đó, với 56 trạm BOT, kiểm toán tham gia toán 50 dự án, còn 6 dự án nữa đang triển khai.

    Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT, trong hợp đồng có một điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để bộ GTVT điều chỉnh phí và các chính sách liên quan đến phí. Do đó, việc kiểm toán Nhà nước phát hiện chênh lệch lớn giữa giá trị kiểm toán và giá trị dự án được duyệt là hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh tất biến động giá, thất thoát,… Những phần dự phòng này là chênh lệch số năm thu phí mà kiểm toán đã chỉ ra. Số liệu kiểm toán của kiểm toán và số liệu quyết toán của bộ GTVT luôn tương đồng với nhau, nhiều số liệu quyết toán của bộ GTVT còn thấp hơn. Kết quả kiểm toán là đúng nhưng bộ GTVT cũng đã thực hiện đúng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân”.

    Đối với ý kiến ĐBQH Trần Văn Tiến, Bộ trưởng trả lời: “Bộ GTVT căn cứ các quy định của pháp luật để khống chết cốt nền các tuyến đường. Thời gian qua, một số dự án mặt đường cao hơn cốt nhà, có trách nhiệm của bộ GTVT. Có nhiều đường yếu, nâng lên cốt cao như Quốc lộ 1A…, trong quá trình thực hiện luôn cố gắng nhưng vấn còn tồn tại. Tôi xin nhận trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân, chính quyền địa phương cũng nên có trách nhiệm và có giải pháp lâu dài”.

    Về câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng khẳng định thu phí không dừng là chủ trương rất đúng, là giải pháp công khai, minh bạch tốt nhất. Khi vận hành, người dân, các cơ quan đều có thể giám sát.

    Với vùng Tây Bắc khó khăn, Bộ trưởng rất chia sẻ và khẳng định đã đi khảo sát, thực tế và nhận trách nhiệm của bộ GTVT là sẽ tham mưu cho Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho vấn đề này còn hạn chế. “Xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH Trí, bản thân tôi và các lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục đi đến các địa phương để nghiên cứu”.

    Trước đó, ngay đầu giờ sáng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nhận được 36 ĐBQH đăng ký chất vấn. Theo đúng quy định, 3 ĐBQH đầu tiên đặt câu hỏi với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

    ĐBQH ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) hỏi: Đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh lệch giữa số năm thu phí giữa dự toán được phê duyệt với kết quả của kiểm toán? Bộ trưởng làm rõ việc thu phí BOT thực hiện trên những cơ sở mở rộng nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1?

    ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi: Nhà dân được cấp phép xây dựng, nhưng xây đường làm ảnh hưởng cuộc sống, sau đó họ phải bỏ tiền, sửa nhà? Trách nhiệm thuộc cơ quan nào, ai phải bồi thường? Giải pháp là gì?

    ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) : Về thu phí không dừng, quan điểm và quyết tâm của Bộ trưởng? Đến khi nào thực hiện xong thu phí không dừng nhằm minh bạch hơn?

    Sáng nay 4/6, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất.

    Theo những thông tin trước đó của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhóm vấn đề thứ nhất là giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT. Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên.

    Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là người "mở hàng" phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5.

    Song song với việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm; các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).

    Theo lịch làm việc, phiên chất vấn với Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ kéo dài đến 15h10. Ngay sau khi kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất, từ 15h10 -17h00, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 là công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt vấn đề quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng.

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai này. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Tài chính, Xây dựng, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).

    Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ chất vấn này có đổi mới về cách thức, hỏi 1 phút và cứ 3 người hỏi sẽ trả lời ngay, câu trả lời 3 phút đi thẳng vào nội dung.

    Việc chất vấn được rút kinh nghiệm từ phiên họp của Ủy ban Thường vụ nên chắc chắn sẽ có những kết quả tích cực.

    Bên hành lang Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ với PV báo Người Đưa Tin rằng: “Mỗi ĐBQH cần tự điều chỉnh trong chất vấn của mình, hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không dông dài, diễn tả mất thời gian mà không hiệu quả. Bộ trưởng trả lời trong vòng 3 phút cũng sẽ cần điều chỉnh làm sao đi thẳng vào vấn đề, không diễn giải, không vòng vo mà làm rõ câu hỏi ĐBQH hỏi để tìm ra giải pháp khắc phục cho vấn đề được cử tri quan tâm”.

    Đa số các ĐBQH tin tưởng, điểm đổi mới này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và được cử tri đồng tình, ủng hộ.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-gtvt-tra-loi-chat-van-nong-chuyen-bot-a231729.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan