+Aa-
    Zalo

    Bộ Y tế tiếp tục đề xuất hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dự thảo Luật Dân số lần 3 của Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh con một bề nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh gây nhiều tranh cãi.

    (ĐSPL) - Dự thảo Luật Dân số lần 3 của Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh con một bề nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh gây nhiều tranh cãi.

    Báo Dân Việt đưa tin, dự thảo Luật Dân số lần 3 đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến. Một trong những ý kiến gây tranh luận xung quanh đề xuất mới tại dự thảo Luật Dân số lần này là hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái.

    Theo ông Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề là khuyến khích, động viên, tuyên truyền.

    “Tôi nhận thấy, việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn và đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là nữ. Điều đó giá trị hơn tiền rất nhiều và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xã hội cần ghi nhận điều đó", ông Trọng nói.

    Bộ Y tế đang đề xuất sẽ thưởng tiền cho gia đình sinh con một bề toàn là nữ nhằm cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính. (Ảnh: Thanh Niên)

    Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em khẳng định, ông không đồng tình với đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề, toàn là gái.

    “Thưởng tiền, dù nhiều hay ít, cũng sẽ không thể ngăn được “cơn khát” con trai đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân”, ông Cử nói.

    Cũng theo ông Cử, đề xuất thưởng tiền cho gia đình sinh con một bề rất dễ bị “hớ” với những trường hợp người dân đã nhận tiền nhưng vẫn sinh thêm con.

    Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em phân tích, độ tuổi sinh đẻ của chị em phụ nữ kéo dài đến khoảng 49 tuổi. Giả sử, một phụ nữ sinh con đúng theo kế hoạch thì 27 tuổi đã có hai con. Nếu thưởng cho họ ngay thì ai đảm bảo rằng hơn 20 năm nữa họ không thay đổi ý định sinh con? Khi ấy có đòi lại tiền không? Có khi lại là chủ đề để dư luận phê phán chính sách thưởng tiền của Nhà nước.

    Do đó, theo GS.TS. Nguyên Đình Cử, Bộ Y tế nên cẩn trọng trước một chính sách đưa ra mà liên quan đến tâm tư, tình cảm của hàng triệu gia đình và tiêu tốn kinh phí lớn.

    Theo ông Cử, ngay lúc này, khi đề xuất đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế nên nghiên cứu kỹ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc.

    “Trung Quốc đã thưởng tiền cho các gia đình sinh con gái, cấp 600 nhân dân tệ/tháng cho cha mẹ lúc về già khi có hai con gái nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tăng không ngừng”, ông Cử cho hay.

    Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ và tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn. (Ảnh minh họa)

    Tin tức từ báo Thanh niên, còn theo một lãnh đạo của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng dự thảo quy định trên nhằm hướng đến mục đích tích cực là giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận cần có cách tiếp cận phù hợp từng vùng miền, từng thời điểm trên cơ sở có đánh giá cơ bản về hiệu quả của chính sách.

    “Các cặp vợ chồng cao tuổi có con gái một bề được trợ cấp hay các cặp vợ chồng khi sinh con gái được cho tiền có thể họ vẫn nhận nhưng thực sự trong ý thức của họ vẫn “khát” con trai. Có thể với các vợ chồng trẻ, sau khi nhận tiền rồi, vài năm sau họ vẫn cố đẻ thêm con trai.

    Bởi vậy, giảm mất cân bằng giới tính vẫn phải là thay đổi được tư duy, làm sao để mỗi người đều thấy rằng, việc nuôi dạy con cái trưởng thành, khỏe mạnh, đạo đức tốt mới là cốt lõi, chứ không phải chỉ con trai mới có thể chăm sóc, hay thờ phụng. Với xã hội ngày càng phát triển, con gái và con trai hoàn toàn bình đẳng và có khả năng chăm sóc bố mẹ như nhau”, vị cán bộ này nói.

    Tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức cao, tăng nhanh và ngày càng lan rộng; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra cả ở thành thị và nông thôn, nhiều vùng địa lý, một số tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh ở mức rất cao khiến Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ.

    Cũng theo Bộ Y tế, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110\%. Và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra cả ở các gia đình có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế khá giả đang xảy ra.

    Kết quả điều tra biến động dân số kế hoạch hóa gia đình năm 2011 của Tổng cục Thống kê qua các lần sinh, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam đều ở mức cao và đều mất cân bằng. Lần thứ nhất: 109,7; Lần thứ 2: 11,9 và lần thứ 3 trở lên rất cao: 119,7.

    Trước thực trạng này, Bộ y tế nhận định, tình trạng tăng tỉ số giới tính khi sinh sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị…khi nam nữ bước vào độ tuổi kết hôn.

    "Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ và tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới nguy cơ phải nhập giống vì mất cân bằng giới tính", Ths.Bs Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền Thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết.


    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud] Thic6WDEc6[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-y-te-tiep-tuc-de-xuat-ho-tro-tien-cho-nhung-gia-dinh-sinh-toan-con-gai-a112555.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.