+Aa-
    Zalo

    Bóc mẽ sự thật về các dự án chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Thời gian qua, nhà ở xã hội đã thể hiện rõ sự ưu việt của Đảng và Nhà nước trong chính sách nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp.

    (ĐSPL)- Thời gian qua, nhà ở xã hội đã thể hiện rõ sự ưu việt của Đảng và Nhà nước trong chính sách nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều chủ dự án bất động sản (BĐS) đã lách cơ chế, xin chuyển từ nhà thương mại sang xây nhà ở xã hội. Tại đây, có muôn vàn chuyện bi hài xảy ra.

    Kỳ 1: Cuộc lột xác toàn vẹn “cứu sống” các ông chủ địa ốc?! 

    Có một sự thực là rất nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại đang ra sức “xin” chuyển đổi sang nhà ở xã hội như một giải pháp cứu cánh cho dự án đang đứng trước cảnh bết bát bởi nguồn lực tài chính. Lợi sẽ về đủ đường cho các ông chủ địa ốc, nếu các cơ quan chức năng phê duyệt sự chuyển đổi này. Nhưng, cái thiệt trăm bề cũng sẽ đổ lên vai khách hàng khi nhỡ “trút hầu bao” vào các dự án này từ cái thuở mang tên “nhà ở thương mại”...

    Dự án Brirght city từ nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội.

    "Lột xác" vì... tiền?!

    Trước khi điểm mặt những dự án đã được UBND TP. Hà Nội ra quyết định và chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, PV báo ĐS&PL xin được điểm lại đôi chút về tầm ảnh hưởng của "gói kích cầu 30.000 tỉ đồng" đối với thị trường BĐS cùng với chủ dự án cũng như người mua nhà. Trên cơ sở những quy định trong Nghị quyết số 61/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ,  Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và triển khai quyết liệt Thông tư 11/2013/TT-NHNN và mới đây ban hành Thông tư 32/2014/TT-NHNN bổ sung cho Thông tư 11/2013 về việc hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho các ngân hàng thực hiện cho vay đối với những người đa phần là công chức, người có thu nhập thấp, mua nhà ở xã hội.

    Theo tính toán của bộ Xây dựng, trong 30.000 tỉ đồng, nên ấn định tỉ lệ 2/3 dành cho người mua nhà, 1/3 còn lại dành cho các doanh nghiệp có dự án cần hoàn thiện. Đây là một động thái tích cực của Nhà nước nhằm một phần giải quyết nhu cầu "an cư lạc nghiệp" cho phần lớn người dân có thu nhập thấp và một phần muốn hâm nóng thị trường BĐS đang đóng băng trong những năm gần đây.

    Khi “gói kích cầu” được triển khai, cùng với đó là những chính sách cho chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội của bộ Xây dựng, hàng loạt các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án BĐS đua nhau "xin" được "thay áo mới" nhà ở xã hội để hưởng những ưu đãi của "gói 30.000 tỉ đồng". Thế nhưng, điều khó hiểu là rất nhiều dự án được chuyển đổi này, đa phần đều đang trong tình trạng... “đắp chiếu” vì năng lực của chủ đầu tư.

    Một trong những ví dụ điển hình là dự án khu nhà ở hỗn hợp cao tầng đô thị sông Đà tại 143 đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội do công ty CPĐTXD và PT sông Đà làm chủ đầu tư. Đây là dự án nhà thương mại đầu tiên được UBND TP. Hà Nội cấp phép cho chuyển đổi thành nhà ở xã hội – PV. Dù được dự tính xây dựng với quy mô  gồm 2 tòa nhà cao 35 và 45 tầng trên diện tích “đất vàng” rộng trên 11.000m2 ở quận Hà Đông, dự án 143 Trần Phú do công ty CP ĐTXD và PT đô thị Sông Đà (SDU) làm chủ đầu tư, nhưng 5 năm triển khai, đến thời điểm tái khởi công vào ngày 27/3/2013, dự án chưa thấy làm gì, ngoài việc quây tôn, dù trước đó, chủ dự án đã “vẽ” ra viễn cảnh công trình đầy hoành tráng.

    Tiếp đó, phải kể đến dự án Tổ hợp nhà ở thương mại dịch vụ chung cư AZ Thăng Long nay đã đổi tên thành Bright city tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội do công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long - một trong số những pháp nhân do ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT AZ Land làm đại diện. Dự án nằm trên khu đất rộng hơn 15.493m2, trên quốc lộ 32, tiếp giáp với điểm đầu của tuyến Metro trên cao đi vào trung tâm thành phố. Theo thiết kế ban đầu, dự án gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng, có tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 1.800 tỉ đồng.  Sau khi điều chỉnh sang mô hình nhà ở xã hội và bớt lại một phần dự án làm nhà thương mại, tổng vốn đầu tư dự án giảm còn 1.270 tỉ đồng.

    Cùng nằm trong diện “ưu tiên” được chấp thuận chuyển đổi và được vay vốn đầu tư từ gói 30.000 tỉ đồng còn có dự án Tổ hợp văn phòng cho thuê, dịch vụ thương mại và nhà ở để bán tại số 30 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) do công ty CPĐT xây dựng và thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư. Ngoài ra, còn có thêm hàng loạt các dự án đang hoàn thiện hồ sơ để đợi quyết định chấp nhận cho chuyển đổi, như: Dự án nhà ở thương mại có vị trí tại ô đất N01, khu đô thị Hạ Đình của CTCP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội Haweico; dự án Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) là CTCP Vinaconex 2; dự án khu đô thị mới Trung Văn mở rộng do công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư...

    Chuyển đổi vì năng lực kém?!

    Theo nhiều chuyên gia BĐS, các nhà đầu tư có tiếng dường như không mấy mặn mà với việc rót vốn vào các dự án nhà ở xã hội, bởi vì đi đôi với việc được hỗ trợ ưu đãi vay vốn đầu tư ban đầu, việc hoàn tất đầy đủ hồ sơ để tiếp cận "gói 30.000 tỉ đồng" đối với doanh nghiệp cũng không phải là dễ dàng. Bên cạnh đó, việc đối mặt với nguồn lợi nhuận thu được từ việc bán nhà có giá thành thấp so với số vốn đầu tư ban đầu để đáp ứng nhu cầu xây dựng vừa nhanh, vừa đảm bảo chất lượng thì khá chênh lệch. Do đó, đa phần họ đều chọn thị phần nhà thương mại giá rẻ hoặc nhà thương mại cao cấp để đầu tư.

    Ngược lại với hoàn cảnh, suy nghĩ chung đó, những nhà đầu tư đang chạy đua theo trào lưu "xin" hưởng ưu đãi, dù có quá khứ không lấy gì là khả quan về tiến độ thi công cũng như độ tin cậy về khả năng tài chính, nhưng lại có mong muốn mãnh liệt là lấn sân sang thị phần nhà ở xã hội. Bên cạnh việc, người dân bớt lo hơn trong việc tìm được nơi "an cư lạc nghiệp", lại có một mối lo tiềm ẩn khác, đó là những "dự án đắp chiếu" lợi dụng “mác" nhà ở xã hội để đẩy đi những sản phẩm "tồn kho" là điều rất dễ nhận thấy.  Thậm chí, đó còn được đánh giá là một động thái "câu giờ", tận dụng "cái phao" mang tên nhà xã hội để tránh việc bị thu hồi quyền sử dụng đất sau những tháng ngày... dự án đang bỏ hoang.

    Theo tìm hiểu và ghi nhận của PV báo ĐS&PL, dự án 143 Trần Phú, sau khi được tái khởi động lại hồi cuối tháng 7/2013, là một trong các dự án được ưu tiên vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng,  hơn hai tháng sau ngày khởi công và đến gần cuối năm 2014, dự án này vẫn là một bãi đất trống. Tới những tháng gần cuối năm 2014, dự án này mới xây dựng và được phần thân, nhưng đã được tuyên bố hoàn thiện vào năm 2015.

    Dự án Bright city còn tệ hơn, đến nay, dù đã được rót vốn, đã huy động vốn đầu tư từ khách hàng nhưng vẫn ở mức chưa hoàn thiện phần móng?! Và, ngay cả chuyện giấy phép chuyển đổi từ nhà thương mại thành nhà ở xã hội của dự án này cũng xuất hiện nhiều điểm đáng nghi vấn. Bởi trước đó, khách hàng đã góp vốn cho nhà ở thương mại của dự án không tán thành lấy căn hộ nhà ở xã hội. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những quy định về điều kiện chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Rất nhiều dự án còn lại như Golden Silk của Vinaconex, rồi dự án trên khu "đất vàng" 30 Phạm Văn Đồng... vẫn trong tình trạng cho người dân nghèo đợi chờ. Liệu có hay không sự dễ dãi khi những nhà đầu tư yếu về năng lực vẫn được "chọn mặt gửi vàng.

    Theo số liệu được bộ Xây dựng công bố, hiện đã có 57 dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội, với quy mô 34.837 căn, trong đó Hà Nội có 21 dự án đăng ký, quy mô 11.408 căn; cùng với đó, 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ, từ số lượng 31.999 căn lên 40.500 căn (Hà Nội có 35 dự án đăng ký điều chỉnh tăng thêm 5.529 căn hộ).

    Cũng theo bộ Xây dựng, Hà Nội đã thẩm định 40 dự án, trong đó 15 dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội, với tổng số 10.587 căn hộ (đã chấp thuận chủ trương 6 dự án, đang xem xét 6 dự án, không đủ điều kiện chuyển đổi 3 dự án). Trong 25 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ, quy mô 12.026 căn, được thẩm định, TP. Hà Nội ban hành 13 quyết định cho chuyển đổi 3 dự án, điều chỉnh 10 dự án. Ngoài các dự án chuyển đổi, các địa phương đã khởi công 15 dự án nhà ở xã hội.


     (Còn nữa)

     ĐINH TIẾN - TRẦN QUYẾT

     Xem thêm video:

    [mecloud]ZfuzRTfHYX[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/boc-me-su-that-ve-cac-du-an-chuyen-tu-nha-thuong-mai-sang-nha-o-xa-hoi-a105992.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.