+Aa-
    Zalo

    Cảm động chuyện “bà tiên” U80 đan áo cho trẻ em vùng cao

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác đã hơn 10 năm, nhưng ngày nào bà cũng bền bỉ, cặm cụi ngồi đan áo len tặng cho trẻ em nghèo vùng cao.

    (ĐSPL) - Phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác đã hơn 10 năm, nhưng ngày nào bà cũng bền bỉ, cặm cụi ngồi đan áo len tặng cho trẻ em nghèo vùng cao.

    Bà hiểu cái đói, cái rét, hiểu trẻ em nơi rẻo cao, bởi vậy hơn 5 năm qua, bà dùng đồng lương hưu giáo viên ít ỏi của mình mua len và tự tay đan những chiếc áo ấm áp gửi tặng cho trẻ em vùng cao. Với bà, một ngày còn sống cũng sống sao cho ý nghĩa, và cuộc sống hạnh phúc nhất là khi biết chia sẻ yêu thương.

    Hạnh phúc khi biết sẻ chia

    Chúng tôi gặp bà trong những ngày giữa mùa đông, nhiệt độ ngoài trời có lúc xuống tới dưới 10oC. Trên căn gác hai bà Cao Thị Kim Doanh (80 tuổi) ở phố Hội Vũ (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) vẫn đang miệt mài đan những chiếc áo len để kịp gửi cho những trẻ em trên miền rẻo cao giá lạnh. Người giáo viên về hưu khoe đã đan được hơn 40 chiếc áo len đủ các màu sắc, được gấp gọn gàng chỉ chờ vài ngày nữa học sinh cũ của bà lên Tây Bắc tặng tận tay cho trẻ em vùng cao. Bà Doanh ước muốn một lần được trao tận tay những chiếc áo bà đan cho trẻ em vùng cao để thấy chúng vui mừng như thế nào, nhưng bà đã tuổi cao sức yếu.

    Bà cũng cho biết, bà vẫn tiếp tục đan áo để kịp tặng các cháu trong dịp tết này. Ngày Tết đến, trẻ em ở thành phố được ăn ngon, mặc đẹp trong khi trẻ em vùng núi thiếu thốn đủ đường, nhìn thương lắm.

    Được biết, bà Cao Thị Kim Doanh vốn là một giáo viên (trường THCS Nguyễn Du - Hà Nội), qua những bài học, những lần đi thực tế, bà hiểu hơn cuộc sống thiếu thốn của những đứa trẻ vùng cao. Hình ảnh đám trẻ con dân tộc thiểu số trên một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng bàn chân trần đứng co ro trong tiết trời dưới 0oC, có cháu trần truồng, có áo không quần, có quần không áo, hay mặc những bộ quần áo mỏng tang, lạnh có thể xuyên thấu. Hình ảnh đó đã khiến bà nhớ mãi và không thể kìm được nước mắt, bà tự hứa với bản thân mình nhất định phải làm điều gì đó dù là nhỏ bé cũng phải làm bằng được cho trẻ em vùng núi.

    "Mấy năm gần đây đời sống của người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện, nhưng vẫn còn đó nhiều gia đình thiếu thốn đủ bề. Tôi biết có gia đình đến bữa ăn 5-6 người mà chỉ có nồi mèn mén đặt ở giữa mâm. Cuộc sống của họ cơ cực lắm, chỉ lo ăn đã vất vả, nói chi đến ăn no mặc ấm. Bởi vậy, trẻ em sinh ra ở vùng cao phải chịu rất nhiều thiệt thòi, không có quần áo ấm khi mùa đông đến, còn gì khổ sở bằng đói rét. Trong khi đó mùa đông trên vùng núi lạnh gấp nhiều lần đồng bằng, cái lạnh như cắt da cắt thịt", bà Doanh ngậm ngùi nói.

    Khi còn công tác, cũng như lúc về hưu, bà Cao Thị Kim Doanh luôn dành một khoản tiền hàng tháng bằng hiện vật, tiền mặt tặng tổ chức, cá nhân nghèo khó. Gần chục năm trở lại đây bà mua len đan áo cho trẻ em nghèo. Tính đến nay đã hơn 5 năm bà đan biết bao nhiêu chiếc áo ấm gửi cho trẻ em vùng cao ở các tỉnh phía Bắc. Món quà của bà tuy nhỏ nhưng cũng đủ sưởi ấm những trái tim trẻ thơ khi mùa đông đến. Mỗi ngày bà dành khoảng 5-6 tiếng đan áo, ngày đông cũng như ngày hè, bà cặm cụi, bền bỉ đan áo, đan được chiếc nào bà gấp lại cẩn thận cho vào túi ni-lông. Tâm niệm của bà còn sức khỏe bà sẽ tiếp tục làm công việc mình yêu thích cho đến khi mắt mờ chân chậm.

    Với số tiền lương hưu ít ỏi hơn 2 triệu đồng một tháng bà Cao Thị Kim Doanh dùng một phần để chi phí thuốc thang, còn lại bà mua len đan áo. Với bà cuộc sống sẽ trọn vẹn và ý nghĩa khi biết sẻ chia với những người kém may mắn, thiếu thốn.

    Bà Doanh chia sẻ: "Nhiều em nhỏ ăn mặc phong phanh, đi chân đất đến trường, đi nương, có chiếc áo ấm các em sẽ ấm lòng hơn. Tôi đan áo cả năm, đến mùa thu trời bắt đầu se lạnh, lúc đó tôi sẽ nhờ các nhóm tình nguyện vùng cao hoặc nhờ học sinh cũ đi công tác, làm ăn trên đó gửi tặng. Mỗi nơi tôi gửi vài ba chục cái, không gửi ở một địa phương nào cố định để làm sao các cháu thật sự cần sẽ nhận được".

    Cũng theo bà Doanh, những năm đầu bà chưa nhờ được ai đi vùng cao, bà đã đến một số địa chỉ cơ sở từ thiện, khó khăn để tặng, nhưng món quà không đến tay các em mà được sử dụng sai mục đích. Quà to hay nhỏ không quan trọng mà có đến đúng đối tượng hay không, món quà sẽ thật sự ý nghĩa và quý giá đối với những người cần.

    Dành lương hưu mua len đan áo

    Để đan được một chiếc áo, riêng tiền mua len tính ra khoảng 40-50 ngàn đồng, như vậy mỗi lần bà Doanh gửi 50 cái, tính ra vài triệu đồng. Mỗi năm bà gửi vài lần tùy vào tình hình sức khỏe. Theo bà Doanh, làm được việc gì có ích là bà thấy phấn khởi và hạnh phúc. Giá trị vật chất không đáng là bao nhưng đó là tình cảm của bà dành cho những trẻ em nghèo, bởi với bà cuộc sống hạnh phúc nhất là khi biết chia sẻ yêu thương. Mỗi ngày qua đi mà không làm được việc gì có ý nghĩa, bà cảm thấy cuộc sống sẽ nhạt nhẽo và vô vị lắm. Làm việc gì cũng được, dù là nhỏ nhưng có ý nghĩa bà thấy thêm yêu cuộc sống, quên đi nỗi đau bệnh tật.

    Những chiếc áo len do bà Cao Thị Kim Doanh đan rất đẹp.

    Khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt hiền từ, cách nói chuyện nhẹ nhàng, nồng hậu mà người đối diện cảm nhận được từ nhà giáo già tốt bụng, nhưng ít ai biết rằng hơn 10 năm qua bà Cao Thị Kim Doanh phải gồng mình chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Các bệnh viện hàng đầu trong nước về ung thư cũng phải "bó tay", nhưng bà luôn lạc quan và kiên trì tự mày mò tập luyện những phương pháp vận động, chế độ dinh dưỡng có thể giúp mình chiến đấu đến cùng với bệnh tật.

    "Tôi bị ung thư đã 11 năm, tôi có một khối u ở cổ, các bác sỹ bảo tôi nhiều tuổi nên không thể phẫu thuật được, chỉ uống thuốc và rèn luyện sức khỏe, cộng với tâm lý thoải mái sẽ hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Tôi đã tìm hiểu mọi thông tin về căn bệnh, rồi tự luyện tập, tự chữa bệnh. Hàng ngày tôi chỉ ăn gạo lứt và muối vừng", bà Doanh chia sẻ.

    Hiện, bà Doanh sống với gia đình người con trai, các con trai, con dâu của bà đều ủng hộ và khuyến khích bà làm việc thiện. Bà quan niệm sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh với quy luật loài người, một ngày còn sống cũng sống sao cho ý nghĩa. Mỗi lần nhận được tin những chiếc áo len ấm áp của bà đã đến tận tay các em nhỏ vùng cao, nhiều người còn chụp ảnh lại bằng điện thoại khi về Hà Nội cho bà nhìn thấy chúng mặc đẹp như thế nào. Những lúc như thế bà không giấu nổi sự xúc động, một cảm giác khó tả nghẹn lại trong tim thôi thúc bà thiện nguyện đến khi nào "nhắm mắt" mới thôi.

    Việc làm ý nghĩa và thiết thực

    Bà Trần Bích Vân, Chi hội trưởng hội Phụ nữ khu dân cư 5, phường Hàng Bông cho biết: "Việc làm của bà Doanh là hết sức ý nghĩa và thiết thực đối với những trẻ em vùng cao khi mùa đông đang trong những ngày giá rét. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" những xã hội vẫn còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bởi vậy những tấm lòng, việc làm như bà Doanh, dù đã cao tuổi lại mang bệnh nặng là điều rất đáng quý và trân trọng. Mục đích và việc làm cao đẹp đó giống như liều thuốc "tiên" giúp bà vượt qua bệnh tật có sức khỏe để tiếp tục công việc thiện nguyện giúp các em nhỏ vùng cao vượt qua thời tiết khắc nghiệt”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-chuyen-ba-tien-u80-dan-ao-cho-tre-em-vung-cao-a80732.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan