+Aa-
    Zalo

    Cán bộ vi phạm mà không nhận trách nhiệm, xử lý thế nào?

    (ĐS&PL) - Trường hợp đối tượng kiểm tra chưa tự giác, không nhận trách nhiệm thì tiến hành kiểm tra hoặc chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm...

    Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký quyết định của Bộ Chính trị ban hành quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

    Quyết định này có hiệu lực từ ngày 4/1/2024 và thay thế Quyết định 173/2008 của Bộ Chính trị về cùng nội dung, trong đó nêu rõ quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm ba bước là bước chuẩn bị, bước tiến hành và bước kết thúc.

    Ở bước chuẩn bị, trước hết sẽ thành lập đoàn kiểm tra và xây dựng kế hoạch kiểm tra. Ủy ban Kiểm tra Trung ương căn cứ chương trình, kế hoạch kiểm tra hằng năm; chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng, ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đề cương báo cáo kết quả tự kiểm tra của đối tượng kiểm tra.

    Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra. Căn cứ tính chất, nội dung kiểm tra quyết định thành phần, số lượng thành viên đoàn kiểm tra để phân công Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn kiểm tra.

    Kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, phương pháp, thời gian tiến hành... Thời gian kiểm tra không quá 180 ngày, trường hợp cần thiết có thể quyết định gia hạn thời gian nhưng không quá 60 ngày.

    Trong bước chuẩn bị, đoàn kiểm tra dự kiến lịch làm việc của đoàn, nội quy hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đoàn kiểm tra; chuẩn bị các văn bản, tài liệu có liên quan…

    can bo vi pham ma khong nhan trach nhiem xu ly the nao
    Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Ảnh: UBKT Trung ương

    Bước thứ 2 là tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra hoặc đại diện đoàn kiểm tra triển khai quyết định, kế hoạch kiểm tra, thống nhất lịch làm việc với đối tượng kiểm tra và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên; yêu cầu đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo theo đề cương gợi ý, cung cấp hồ sơ, tài liệu; chỉ đạo tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện.

    Đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo tự kiểm tra bằng văn bản và các hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư (qua đoàn kiểm tra).

    Kế đến đoàn kiểm tra thẩm tra, xác minh qua việc nghiên cứu báo cáo tự kiểm tra, hồ sơ, tài liệu; làm việc với đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đoàn kiểm tra yêu cầu đối tượng kiểm tra bổ sung, giải trình bằng văn bản những nội dung cần làm rõ (nếu có).

    Khi cần điều chỉnh, bổ sung về nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra thì đoàn kiểm tra báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

    Đoàn kiểm tra dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra. Trong bước này, đoàn kiểm tra tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra. Hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến và kiến nghị, đề xuất bằng văn bản (nếu có).

    Đoàn kiểm tra tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau; hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra trình Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư (qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương).

    Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp kết quả kiểm tra của các đoàn, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng gửi dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đến các Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư theo quy chế làm việc.

    XEM THÊM: Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi được giao thêm nhiệm vụ mới

    Bước cuối cùng là kết thúc, hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận. Thành phần tham gia hội nghị này có các Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư, đại diện đoàn kiểm tra; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương của Đảng và tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.

    Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của các đoàn, ý kiến của đối tượng kiểm tra và các đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan; hội nghị thảo luận, kết luận.

    Trường hợp kết luận đối tượng kiểm tra vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật và tự giác kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật thì Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

    Trường hợp đối tượng kiểm tra chưa tự giác, không nhận trách nhiệm thì tiến hành kiểm tra hoặc chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm...

    Đại diện Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư thông báo hoặc ủy quyền cho đoàn kiểm tra thông báo kết luận kiểm tra đến đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.

    Ủy ban Kiểm tra Trung ương đôn đốc, giám sát đối tượng kiểm tra thực hiện kết luận kiểm tra; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

    Hoàng Yên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-bo-vi-pham-ma-khong-nhan-trach-nhiem-xu-ly-the-nao-a607368.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan