+Aa-
    Zalo

    Cảnh báo nhiều thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo trên không gian mạng

    (ĐS&PL) - Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chiêu thức lừa đảo mới đã xuất hiện.

    Các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng các kỹ thuật cũ

    Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), bộ Thông tin và Truyền thông vừa có thông tin cảnh báo về các thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo người dân.

    canh bao nhieu thu doan loi dung dich covid 19 de lua dao tren khong gian mang dspl 1
    Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine để lừa nạn nhân.

    Theo NCSC, các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng các kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin theo cách mới nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy. Trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, mọi người cần cảnh giác cao độ trước những thông tin, hình thức lừa đảo. Theo NCSC, có 2 xu hướng lừa đảo chính trên không gian mạng gần đây.

    Theo đó, đối tượng giả mạo thông tin của tổ chức y tế như: Giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế, điển hình như viện vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organisation hoặc “WHO”), gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của Covid-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.

    Đối tượng giả mạo trang web liên quan đến Covid-19 là một trong các loại hình gian lận mới, cụ thể là trong thời gian gần đây rất nhiều tên miền internet có chữ “Covid” đã được đăng ký.

    Với mánh khóe liên quan đến việc điều trị bệnh, đối tượng lợi dụng tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm Covid-19 khiến nhiều người tìm cách để phòng ngừa và chữa trị. Đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine để lừa nạn nhân. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng. Bên cạnh đó, còn xuất hiện trường hợp đối tượng xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.

    Đủ chiêu trò lừa đảo trên các nền tảng thương mại điện tử

    Báo cáo thường niên của cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (bộ Công Thương) công bố mới đây cho thấy, các hình thức lừa đảo người tiêu dùng ngày càng tăng mạnh đi kèm với sự phát triển của các hình thức kinh doanh trực tuyến. Các hình thức lừa đảo cũng xuất hiện nhiều hơn trong thời gian dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội tại nhiều địa phương.

    Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông tin, các hành vi bị tố cáo nhiều nhất thời gian là: Thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng. Điển hình như việc người tiêu dùng đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do. Tiếp sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng mà người tiêu dùng đã đặt mua trên sàn. Khi giao dịch, người tiêu dùng mới phát hiện món hàng có vấn đề về chất lượng, nguồn gốc, giấy tờ giao dịch. Tuy nhiên, khi liên hệ sàn thương mại điện tử để phản ánh thì không được giải quyết vì giao dịch không được thực hiện qua sàn.

    Theo ghi nhận, hình thức lừa đảo liên quan đến chuỗi cung ứng khi đối tượng tạo lập nên các website bán hàng trực tuyến bán các vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay cũng khá phổ biến. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên mua bất kỳ bộ kít test nhanh Covid-19 nào qua mạng vì các sản phẩm này chưa chắc đã có hiệu quả, chưa chắc đã được các cơ quan Việt Nam kiểm định chất lượng và cấp phép lưu hành. Thậm chí, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc với nạn nhân và không giao hàng như đã thỏa thuận.

    Trước xu hướng lừa đảo thường xuyên, hàng ngày trên môi trường Internet, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần kiểm tra tính chính xác, mức độ tuân thủ pháp luật của website thương mại điện tử. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý việc có một số website chỉ đặt biểu tượng nhưng thực tế chưa hoàn thiện thủ tục tại bộ Công Thương.

    Hiện một số sàn cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp hàng hóa trên sàn với quy định giao dịch không có hóa đơn bán hàng kèm theo, thời gian giao hàng lậu, không có chế độ bảo hành... Vì vậy, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc, kiểm tra kỹ thông tin, người bán trước khi giao dịch.

    Liên quan đến tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, trao đổi với PV, LS. Phạm Văn Phất (đoàn Luật sư Quảng Ninh) cho rằng, theo Điều 139 BLHS, vì muốn chiếm đoạt tài sản của người khác nên người phạm tội sẽ bằng mọi giá tạo ra sự gian dối (tạo ra các thông tin sai sự thật, các loại giấy tờ giả để tạo niềm tin của bị hại...). Đây là công cụ để họ chiếm đoạt tài sản.

    Còn đối với hành vi “sử dụng mạng máy tính... chiếm đoạt tài sản”, bản chất của hành vi là chiếm quyền kiểm soát tài khoản của bị hại rồi tiến hành giao dịch. Người phạm tội có thể không trực tiếp tương tác với bị hại hoặc chỉ cần tương tác trên hệ thống là có thể chiếm đoạt tài sản. Do đó, các đối tượng kể trên phải bị xử lý hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    Đồng quan điểm trên, một cán bộ từng công tác tại VKSND Tối cao nhận định, ở tội “sử dụng mạng máy tính... chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội không nhất thiết phải dùng thủ đoạn lừa đảo và người bị hại cũng không nhất thiết phải trao tài sản trực tiếp cho người phạm tội. Chẳng hạn như người phạm tội cố ý vượt qua cảnh báo, tường lửa hoặc sử dụng mã truy cập của người chủ tài khoản để chiếm đoạt tài sản. Hơn nữa với tội “sử dụng mạng máy tính... chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội không cần biết trước bị hại là ai, ở đâu.

    Theo đó, thủ đoạn phạm tội là người phạm tội đã xác định trước nạn nhân của chúng thông qua việc làm quen trên Facebook, qua email... Từ chủ động làm quen, tạo sự tin tưởng với người bị hại, người phạm tội dùng các thủ đoạn gian dối để yêu cầu người bị hại trực tiếp trao tài sản cho họ (hình thức người bị hại chuyển tiền vào tài khoản của người phạm tội cũng được xem là trực tiếp giao tài sản). Như vậy, hành vi đó đã cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

    N.P.V

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (30)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-nhieu-thu-doan-loi-dung-dich-covid-19-de-lua-dao-tren-khong-gian-mang-a508046.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan