+Aa-
    Zalo

    Chất vấn – cuộc "sát hạch" giữa nhiệm kỳ về trách nhiệm quản lý

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có thể coi như là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ.

    Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có thể coi như là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

    Cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ

    Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến, cuối giờ chiều ngày 1/11, Quốc hội đã hoàn thành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

    Tổng cộng đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, có 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19 Bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.

    Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.

    Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có thể coi như là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

    Nội dung chất vấn tại kỳ họp này có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực của cả khối hành pháp và tư pháp.

    Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, nên còn nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại.

    Qua phiên chất vấn cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả, cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên chất vấn.

    Khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ

    Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đồng thời tập trung vào những nội dung cơ bản, trong đó có việc triển khai có hiệu quả đề án tổng thể về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao…

    Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tinh giản biên chế gắn với việc xác định vị trí việc làm và việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất; tinh giản biên chế phải chú trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc; rà soát để có giải pháp thích hợp trong việc xử lý, bố trí biên chế, chế độ đối với giáo viên, khắc phục cho được tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở các địa phương…

    Hoàn thiện quy định về từ chức

    Rà soát, đánh giá, hoàn thiện chính sách, quy định về tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm và cơ chế từ chức, quan tâm hơn nữa đến nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số, về thu hút tài năng, nhân tài vào làm việc ở cơ quan nhà nước; sơ kết, đánh giá kết quả Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý các cấp, điều chỉnh những bất cập trong công tác thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý để thống nhất thực hiện; sớm xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quy định về chức danh “Hàm”; hoàn thiện chính sách pháp luật về cử tuyển.

    Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử

    Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin bảo đảm đồng bộ, tiện dụng nhưng phải an toàn…

    Tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó quan tâm đến các giải pháp căn cơ đối với đầu ra của sản phẩm, hạn chế tình trạng phải giải cứu nông sản do mất cân đối giữa cung - cầu.

    Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường

    Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc. Theo dõi và xử lý kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm.

    Đánh giá đầy đủ mức độ, hiện trạng ô nhiễm ở các dòng sông, áp dụng các mô hình xử lý ô nhiễm phù hợp, đổi mới cách thức để thu hút xã hội hóa trong việc xử lý ô nhiễm, xây dựng lộ trình để quản lý, thu gom nước thải theo hướng tập trung để xử lý trước khi xả thải vào sông, ngòi. Phân loại để xử lý, kiểm soát triệt để ô nhiễm làng nghề, các khu, cụm công nghiệp.

    Chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt

    Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; xây dựng cơ chế huy động toàn xã hội tham gia xây dựng văn hóa, quan tâm đến yếu tố gia đình, giáo dục, tăng cường đầu tư cho xây dựng các thiết chế văn hóa.

    Hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tiếp tục chấn chỉnh công tác thi và tuyển sinh để bảo đảm chất lượng hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

    Rà soát để bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong việc tích hợp các môn học; làm tốt công tác lấy ý kiến đối với người học, trong đó có trẻ em liên quan đến các nội dung đổi mới trong hoạt động giáo dục bảo đảm việc đổi mới phải xuất phát từ nguyện vọng của người học và xã hội. Rà soát quy định về kinh phí chi cho các cơ sở giáo dục trên cơ sở xác định vị trí việc làm, nguồn lực của ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.

    Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

    Tiếp tục rà soát xử lý đối với 12 dự án thua lỗ bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước; có giải pháp phù hợp để xử lý vướng mắc đối với từng dự án; tiếp tục thanh tra, kiểm toán, điều tra xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

    Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan và công chức quản lý để xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chú trọng hoạt động quản lý chất lượng, giá thuốc cả ở khâu tiền kiểm và hậu kiểm; triển khai việc bán thuốc theo đơn theo Nghị quyết của Quốc hội…

    Kiểm soát tốt nợ công

    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế; xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng qua từng năm; sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý; tăng cường biện pháp quản lý hóa đơn và việc mua bán sử dụng hóa đơn.

    Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; thực hiện quản lý chặt chẽ cơ chế tài chính về đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp; có giải pháp phù hợp để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến thanh toán bằng đất đai trong các dự án BT, đảm bảo tiến tới thực hiện nguyên tắc đấu giá công khai đối với các dự án BT.

    Xử lý việc đưa tin sai sự thật

    Xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý không gian mạng, chuẩn bị các công cụ kỹ thuật, nhân lực để giám sát an toàn thông tin, phòng chống việc sử dụng mạng để vi phạm pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng không gian mạng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với người đưa tin sai, lợi dụng không gian mạng để đưa tin sai sự thật, vi phạm pháp luật.

    Sớm xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 96, năm 2014 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

    Nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tiếp tục nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm chặt chẽ theo nguyên tắc “sai phải sửa”, nhưng không để biến giám đốc thẩm, tái thẩm thành cấp xét xử; xử lý nghiêm người có trách nhiệm để xảy ra oan, sai; làm tốt công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đôn đốc để xử lý những văn bản sai phạm theo quy định của pháp luật…

    “Có thể khẳng định rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 đã thành công tốt đẹp.

    Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả,đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội cả nhiệm kỳ mà Nghị quyết Quốc hội đã đề ra, tạo đà cho đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

    Dương Thu

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chat-van-cuoc-sat-hach-giua-nhiem-ky-ve-trach-nhiem-quan-ly-a249858.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan