+Aa-
    Zalo

    Chuyện người trần chữa bệnh cho cư dân của thần linh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cuộc sống của người Kogi hướng tất cả về thế giới siêu nhiên. Họ cho rằng, không cần dự trữ bất cứ thứ gì vì tất cả đã có trong tự nhiên.

    (ĐSPL) - Cuộc sống của người Kogi hướng tất cả về thế giới siêu nhiên. Họ cho rằng, không cần dự trữ bất cứ thứ gì vì tất cả đã có trong tự nhiên. Dự trữ chỉ là nguồn cơn của sự nghi  kỵ và nạn cướp bóc. Triết lý sống này của người Kogi khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ và vô cùng ngưỡng mộ.

    Người trần chữa bệnh cho cư dân của thần linh

    Sau hai ngày leo núi, cuối cùng GS. Võ Quý cũng đến được nơi cần đến. Trước mắt ông là một xóm nhỏ, có những túp lều hình tròn làm bằng thân cây gỗ nhỏ xếp quanh, mái lợp bằng lá, có một cửa ra vào. Gần đó có một số người, cả người lớn và trẻ em đang cùng ngồi chuyện trò. Tất cả, nam cũng như nữ đều để tóc dài, da ngăm đen, dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc giống nhau: Vải tự dệt bằng sợi thô màu trắng, ống tay áo rộng, ngang lưng đeo một con dao dài.  Tất cả đều nhìn ông với ánh mắt đầy dò xét…

    chuyen-nguoi-tran-chua-benh-cho-cu-dan-than-linh-1

    Một gia đình người Kogi (Ảnh:NVCC).

    Vừa đến nơi, TS. Richard – người bạn đường của GS. Võ Quý liền soạn lại các thứ mang theo, chuẩn bị lều, võng, rồi vội vàng tắm rửa trước lúc trời tối. Về phần mình, GS. Võ Quý chẳng quan tâm đến việc quần áo lấm bẩn, nhem nhuốc. Ông chỉ suy nghĩ xem làm cách nào để tiếp cận được người Kogi khi chẳng biết chút ít ngôn ngữ của họ.

    Đang không biết làm thế nào thì đột nhiên một em bé khoảng 6 tuổi đến gần bên GS. Cô bé nhem nhuốc, đi chân đất, dáng đi hơi khập khiễng như có cái gì vướng ở gót chân. Thấy vậy, GS. Quý liền bế em bé lên và nhận thấy gót chân em giẫm phải gai, đã mưng mủ. Sau đó, ông đưa em bé xuống suối gần đó rửa sạch chân tay, mặt mũi cho em, rồi lấy kim sạch chọc nhẹ nơi vết thương để nặn mủ ra. Ông lau sạch vết thương, lấy băng dính băng lại. Em bé kêu lên một tiếng rồi cười vui vẻ. Suốt quá trình ấy, những người Kogi gần đó chăm chú theo dõi nhưng họ không có bất cứ phản ứng nào.

    Ngay sau đó, một đôi vợ chồng trẻ bế một em bé đến bên GS. Mặt em có nhiều vết lở như kiểu bỏng dạ, nước chảy ra nhem nhuốc, ngứa ngáy. Có lẽ họ đã tưởng nhầm GS. Võ Quý là thầy thuốc nên mới nhờ giúp đỡ. Bí quá, GS. lấy bông, cồn lau sạch mặt em bé, rồi dùng thuốc tetracyclin (loại kháng sinh duy nhất có trong túi thuốc cá nhân của ông lúc ấy) nghiền ra rồi rắc vào vết thương cho em bé. Ông cũng đưa cho người cha 2 viên tetracyclin, hai tờ giấy trắng và hướng dẫn với anh ta cách nghiền nhỏ thuốc để rắc cho em bé.

    chuyen-nguoi-tran-chua-benh-cho-cu-dan-than-linh-2

    GS. Võ Quý chụp hình cùng một trưởng lão người Kogi (ảnh: NVCC).

    Qua thái độ của những người đang theo dõi mình, GS. Võ Quý mạnh dạn đến chào họ để làm quen. GS. Quý kể lại: “Tôi tiến về phía họ, cúi chào, họ tỏ ra vui vẻ, họ sờ vào tay tôi, hình như họ thấy tôi không ướt đẫm mồ hôi như ông bạn người Mỹ. Không biết nói gì hơn, tôi ngó vào trong chiếc lều gần đó, có một người đàn ông đứng tuổi ngồi trên chiếc võng bên bếp lửa, mắt lim dim, dáng như đang trầm ngâm suy nghĩ. Tôi ra hiệu xin vào lều và được ông gật đầu đồng ý.

    Ngồi bên bếp lửa cùng ông ta, nhưng cả hai người không nói được câu nào. Miệng ông ta luôn nhai một thứ lá khô đựng trong một túi lưới, tay ông ta cầm một chiếc ống nhỏ hình quả bầu eo, một que nhỏ cắm vào qua miệng ống, thỉnh thoảng một tay ông xoay chiếc que nhỏ, đồng thời tay kia xoay quả bầu rồi rút chiếc que ra chấm một thứ bột trắng vào lưỡi. Môi ông ta có màu vàng nghệ thẫm. Tôi nghĩ ông ta đang nhai một thứ lá như ta nhai trầu cùng với thứ bột như vôi để có thứ màu vàng nghệ trên môi. Tôi đưa máy lên xin chụp ảnh, ông ta gật đầu đồng ý”.

    Thấy hành động lạ lẫm ấy, GS. liền xin ông một vài lá. Ông sẵn sàng cho GS. Đưa lên miệng nhấm, ông thấy có vị hơi đắng. Ngày hôm sau, GS. hỏi người dẫn đường mới biết đó là lá cocain và chỉ nam giới trưởng thành mới được nhai thứ lá đó sau khi đã được trưởng lão làm phép.

    Sự gần gũi của GS. Quý với người Kogi đã khiến người bạn Mỹ đi cùng của ông hết sức ngạc nhiên. Ông không hiểu sao vị GS người Việt Nam lại làm được những việc như thế mà không qua người hướng dẫn. Vị này cũng vội vàng đem theo máy ảnh đến để chụp nhưng vừa đưa máy lên, mọi người đã xua tay từ chối.

    Sáng sớm hôm sau, GS. Quý vừa thức dậy đã thấy hai vợ chồng bế theo em bé trên tay đến bên lều của ông. Họ vui mừng chỉ cho ông biết các vết chảy nước trên mặt em bé đã khô hết. Chắc vì ở đây chưa dùng kháng sinh bao giờ nên tetracyclin rất có công hiệu. Bằng những cử chỉ hết sức thân thiện, hai vợ chồng dẫn dẫn ông đến lều riêng của gia đình, bên kia sườn đồi.

    Cuộc sống không dự trữ

    GS. Võ Quý cùng những người bạn của mình ở lại cùng bộ tộc Kogi hai ngày để nói chuyện với mọi người, tìm hiểu phong tục tập quán, thăm rừng, nương rẫy. Tuy nhiên, dường như chỉ có GS. Quý mới được những con người Kogi đón chào, sẵn sàng chia sẻ và cho chụp ảnh. Trong sâu thẳm suy nghĩ của mình, sau này ông dần dần hiểu ra rằng, lý do khiến ông dễ dàng gần gũi với họ như vậy chính là người Kogi bằng cách nào đó đã hiểu được mục đích của ông đến đây là nhằm học hỏi kinh nghiệm về bảo vệ thiên nhiên. Cho dù ông không nói ra điều đó cho những người ở đây bằng cách nào đó, có thể là sự chỉ dẫn của đấng thần linh họ sùng kính nên đã biết. Trong cuộc đời mình, ông đã dành không ít thời gian sống giữa thiên nhiên như thế. Cuộc sống ấy, phần nào có nét giống với những con người trên dãy núi cao vút này. 

    GS. Quý được người làng Kogi tiếp đón vui vẻ, các em bé, luôn xoắn xít bên ông. Người bạn Mỹ đi cùng phải thốt lên rằng: “Tôi chịu ông, không hiểu tại sao mà ông lại được người Kogi quý mến đến thế”. GS. được tự do chụp ảnh, mọi người vui vẻ chụp ảnh cùng ông, người lớn tuổi cũng như trẻ em.

    Trong hai ngày ngắn ngủi sống với người Kogi, GS. nhận thấy nhiều điều khác lạ giữa người dân nơi đây với những bộ lạc ít người trong vùng mà ông đã có dịp đến thăm như ở Brazil hay Venezuela. Tất cả người Kogi đều mặc quần và áo với vải họ tự sản xuất lấy. Điều kỳ lạ là dù sống cách biệt với con người hiện đại nhưng họ lại biết làm ra những bộ quần áo màu trắng rất đẹp. Họ là những người nông dân hết sức bình dị, sinh sống bằng cách trồng trọt một vài thứ cây đơn giản như sắn, khoai sọ, rau, chuối... Phương pháp trồng trọt cũng hết sức thô sơ là chọc lỗ để gieo hạt hay thu nhặt hoa quả trong rừng và như họ nói là theo đúng cách sinh sống mà tổ tiên xa xưa hàng nghìn năm truyền lại. Họ sản xuất vừa đủ dùng và không hề tích trữ, luôn sống vừa đủ, không dư thừa, do đó mà tại đây không hề có trộm cướp hay các tệ nạn như ở các bộ lạc khác. Người Kogi cho rằng, nếu cuộc sống không dư thừa, không dự trữ thì sẽ không xảy ra trộm cướp, nghi kỵ. Cuộc sống sẽ vô cùng yên bình.

    Theo GS. Võ Quý, trong ngôi nhà của người Kogi không hề dự trữ bất cứ lương thực, thực phẩm gì. Đó chỉ đơn thuần là những túp lều để ở của các gia đình. Điều đặc biệt là người Kogi không hề ăn cá thịt, khác hẳn với các nơi khác. Họ không săn bắn, không đánh cá, không giết hại các động vật sống hoà đồng với họ. Họ hết sức tôn trọng thiên nhiên và yêu mến tất cả các loài động vật vì cho rằng mọi con vật đều biết đau đớn. Họ rất thông hiểu về các loài cây cỏ dùng làm thuốc và nhờ thế họ sống khỏe mạnh, thanh thản, nhiều người trong họ không bệnh tật, sống thọ trên trăm tuổi.

    Quy tắc cấm kỵ của người Kogi

    chuyen-nguoi-tran-chua-benh-cho-cu-dan-than-linh-3

    Cảnh lao động, quét dọn ở bản làng Kogi (ảnh: NVCC).

    Khi hỏi về các phong tục tập quán của người Kogi, người dẫn đường đã cho GS. Võ Quý biết rằng, mỗi gia đình đông người thường có hai lều, một cho đàn ông, một cho phụ nữ. Khách lạ đến thăm là đàn ông không được vào lều phụ nữ và ngược lại. Ngoài ra, họ không thờ cúng, cũng không có tín ngưỡng như các bộ tộc thiểu số khác. Họ tôn trọng tất cả các loài động vật và sống rẩt thân thiện với chúng. Họ cũng hết sức hiền lành, điềm đạm, ít nói. Tuy nhiên, họ không thích người da trắng. Với nước da ngăm ngăm đen vì nắng gió của mình, GS. Quý cũng băn khoăn không biết họ có sẵn lòng cho ông tiếp cận không.

    HẠNH NGUYÊN

    Xem thêm clip: Ước mong có điện thắp sáng cho dân bản Pá Hạ


     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nguoi-tran-chua-benh-cho-cu-dan-cua-than-linh-a90600.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan