+Aa-
    Zalo

    Cò đất đồng loạt rút khỏi Phú Quốc, sàn giao dịch đìu hiu như "chùa Bà Đanh"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các giao dịch đất đai tại Phú Quốc trở nên đìu hiu, trầm lắng hẳn sau khi Quốc hội thống nhất lùi thời điểm xem xét dự án luật đặc khu đến tháng 10/2018.

    Cũng giống Vân Đồn và Bắc Vân Phong, các giao dịch đất đai tại Phú Quốc trở nên đìu hiu, trầm lắng hẳn sau khi Quốc hội thống nhất lùi thời điểm xem xét dự án luật đặc khu đến tháng 10/2018.

    Cơn sốt đất ở Phú Quốc (Kiên Giang) hạ nhiệt cũng khiến không ít người thất vọng. Giới đầu cơ, lướt sóng thì đứng ngồi không yên vì đã trút hết vốn vào đầu cơ đất. Còn các “cò con”, nhân viên môi giới của các sàn giao dịch lại lo lắng về kế sinh nhai.

    Theo ghi nhận của báo Người Lao Động, tại một số tuyến đường lớn ở Phú Quốc như Nguyễn Trung Trực, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, 30/4, Cách Mạng Tháng Tám,…nhiều văn phòng môi giới bất động sản hình thành trong đợt sốt đất vừa qua đã âm thầm tháo dỡ bảng hiệu, rút khỏi Phú Quốc.

    Anh Nguyễn Văn T., một nhân viên tư vấn bất động sản, cho biết lúc trước thị trường bất động sản tại Phú Quốc "sốt" bởi nhiều nguyên nhân, nhưng đa phần là do nhiều nhà đầu tư bỏ ra hàng chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng để mua đất nông nghiệp với mục đích phân lô bán nền để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thanh tra và việc tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã làm cho thị trường bất động sản ở đây "mát" đi một cách đáng kinh ngạc.

    Sau nhiều ngày làm mưa gió, các văn phòng môi giới bất động sản bắt đầu "tháo chạy" khỏi Phú Quốc. Ảnh: Tạp chí Tài chính

    Anh K., nhân viên tư vấn bất động sản của một văn phòng tại đường Cách Mạng Tháng Tám (khu phố 10, thị trấn Dương Đông), chia sẻ: "Lúc trước, tôi đi tư vấn tại các điểm phân lô bán nền và nhận ủy quyền bán đất cho các chủ đã mua. Nhưng kể từ ngày tỉnh và huyện ra quyết định tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khiến cho việc mua bán đất trở nên khó khăn. Công ty tôi phải trả văn phòng, rút về đất liền".

    Cũng theo anh K., do giá thuê mặt bằng ở Phú Quốc quá đắt, chi phí điện nước, ăn ở, đi lại và tiền lương của nhân viên quá cao, không rút lui trước tình hình giao dịch ế ẩm thế này chắc chắn công ty sẽ phá sản sớm.

    Trên báo Dân Việt, ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa nhận định, về tình hình thị trường bất động sản tại các khu đặc khu trong thời gian tới, đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn thì việc lùi thời gian thông qua Luật đặc khu sẽ không nhưng không ảnh hưởng đến họ mà thậm chí tạo điều kiện cho họ có thêm thời gian để nghiên cứu, điều chỉnh và phân tích thị trường tốt hơn.

    Riêng các nhà đầu tư thứ cấp, môi giới chụp giật trong thời gian tới sẽ có những khó khăn, sẽ xuất hiện những cuộc tháo chạy để thu hồi vốn, từ đó các cuộc khiếu nại, khiếu kiện với những giao dịch, buôn bán bằng giấy tay sẽ phát sinh.

    Theo ông Quý, việc một số nhà đầu tư, nhà đầu cơ lướt sóng, tranh thủ khi luật chưa thông qua mà họ đã mua đất, đón đầu và bây giờ việc tạm dừng tách thửa, chuyển mục đích, chuyển nhượng để đợi luật đặc khu thông qua nên ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng này. Bởi vì, dòng tiền của họ đa phần đều lướt sóng, mang tính chất ngắn hạn, không mang tính chất dài hơi nên khi dòng tiền này bị đóng băng sẽ gây ra hiệu ứng không tốt, nhưng đây chỉ là một phận nhỏ trong bối cảnh thị trường bất động sản.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-dat-dong-loat-rut-khoi-phu-quoc-san-giao-dich-diu-hiu-nhu-chua-ba-danh-a232862.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan