+Aa-
    Zalo

    Cô giáo xinh đẹp vượt hàng trăm cây số, "gùi" chữ lên đỉnh trời

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cô giáo xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Tưởng đã vượt qua không ít khó khăn, hy sinh cả hạnh phúc riêng của mình để đem con chữ đến các em học sinh đồng bào Ca Dong.

    (ĐSPL) - Trong sáu năm công tác ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Tưởng (25 tuổi) đã vượt qua không ít khó khăn, hy sinh cả hạnh phúc riêng của mình để đem con chữ đến các em học sinh đồng bào Ca Dong.
    Gió núi, sương giăng, lũ quét, suối sâu..., hầu như cô đã trải qua ở địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn này, nhưng nụ cười vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt cô...
    Lớp học giữa ngàn non
    Một ngày đầu tháng Ba, chúng tôi từ trung tâm TP.Tam Kì (Quảng Nam) vượt hơn 100km lên huyện vùng núi Nam Trà My. Biết chúng tôi khó tìm đường vào điểm trường, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Tưởng nhiệt tình ra đón trước. Xe máy không đi theo đường mòn được, phương án được đưa ra là gửi vào lán trại của các công nhân làm đường gần đó. Chiều trên gần đỉnh trời, mây kéo nhanh, rồi cơn mưa bất chợt ập đến, chúng tôi đành dò dẫm theo từng bước chân của cô giáo Tưởng dẫn đường đi trước. Sau hơn nửa giờ cuốc bộ, nóc Măng Lin cũng hiện ra cheo leo trên ngọn đồi, khiến tất cả đều thở phào vì mình đã đặt chân tới nơi.
    Nóc Măng Lin vẫn còn là một trong những nơi ở của người Ca Dong khó khăn nhất ở xã Trà Vân cũng như của huyện Nam Trà My. Đồng bào nơi đây dù đã có nhiều đổi thay, song cuộc sống của họ vẫn còn bấp bênh.
    Những đứa trẻ vẫn đến trường trong cơn đói, trong những bộ quần áo không thể cũ và rách hơn được nữa. Một số hộ dân còn sống với tư tưởng rất lạc hậu, nên cả cán bộ và giáo viên nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, nhất là vận động học sinh đến lớp và duy trì sĩ số lớp. Điểm trường tại nóc được dựng lên bằng mái tôn và bạt nhựa đã cũ, phân chia ra làm hai phòng dạy học và một chái nhỏ để cho giáo viên ở. Chái nhỏ này lại được chia ra làm đôi bằng cánh cửa để cho hai thầy cô ở riêng, khoảng 8m2. Tất cả chỉ đủ kê một chiếc giường, một bàn học nhỏ để giáo án và vài bộ đồ mặc lên lớp dạy học.
    Cô giáo trẻ vượt hàng trăm cây số “gùi” chữ cho học trò
    Một lớp học ghép do cô Nguyễn Thị Thu Tưởng dạy tại điểm trường nóc Măng Lin.
    Hai giáo viên trẻ được phân công giảng dạy là cô Phạm Thị Thu Tưởng và thầy Trương Văn Mỹ. Cô Tưởng quê tại TP.Tam Kì lên đây công tác đã được sáu năm. Là một giáo viên nữ, cô Tưởng khi đặt chân đến xã Trà Vân và đặc biệt là đến nóc Măng Lin ngay lập tức đã cảm thấy sự bỡ ngỡ, từ những phong tục tập quán sống rất khác so với miền xuôi; từ khác biệt ngôn ngữ đến điều kiện sinh hoạt vô cùng kham khổ. Trước đó, đã có không ít giáo viên nữ trẻ cảm thấy hẫng hụt, thậm chí xin về ngay khi bước chân đến vùng đất mình nhận quyết định đi dạy. Nhưng với cô, sau những ngỡ ngàng ban đầu, tình yêu thương với những đứa trẻ người Ca Dong đã cho cô tinh thần để bám trụ lại vùng đất khó này gieo chữ.
    Cô giáo Tưởng chia sẻ: "ở nóc Măng Lin này, các thầy cô chúng tôi phải tự thân vận động, xin nước và điện của đồng bào Ca Dong trong nóc về dùng. Nhưng điện chạy bằng nước quay tua bin cũng rất thất thường, nhiều lúc yếu đến nỗi không thể sáng một cái bóng nhỏ, phải thắp đèn cầy để chuẩn bị giáo án dạy học”. Cũng chính vì thiếu điện, thiếu nước nên ở đây thầy cô giáo bốn mùa đều nấu cơm bằng củi do chính mình vào rừng tìm về sau giờ dạy học. Thi thoảng cũng có những phụ huynh người Ca Dong nhiệt tình mang củi đến ủng hộ cho thầy cô. Hầu như giữa rừng núi giá lạnh và gió lùa tứ hướng, bếp lửa vẫn cứ cháy đều trước những bữa ăn hằng ngày. Về thức ăn thì càng thiếu thốn hơn. Lâu lâu về xuôi mới mua được chút thịt, chút cá tươi lên. Còn mắm, cá muối, mỳ tôm và rau rừng thường trực trong bữa ăn của các thầy cô nơi đây.
    Tại điểm trường dạy này, khối 1 và 2 học ghép thành một lớp chung và lớp mẫu giáo. Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng thầy cô đều vượt lên khó khăn, nỗ lực gieo chữ cho các em. “Còn nhớ những ngày đầu mới thành lập điểm trường, do điều kiện còn rất nhiều khó khăn, giáo viên phải ngủ dưới đất, dù ngoài trời rất lạnh. Nay thì chúng tôi ghép ván thành chái nhà nhỏ, có giường để ngủ nên cũng tốt hơn rồi”, cô Tưởng tâm sự.
    Cô giáo trẻ vượt hàng trăm cây số “gùi” chữ cho học trò
    Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Tưởng và các em học sinh dân tộc Ca Dong.
    Thầm lặng gieo chữ...
    Lấy chồng và đã có con tròn một tuổi, nhưng cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Tưởng vẫn không thể ở bên cạnh chồng, con. Vì nhiệm vụ giáo dục và vì tình thương yêu học trò, cô đã gửi con cho gia đình và chồng chăm sóc, để bám trụ từng ngày với nóc Măng Lin này. Cả nóc, chỉ có một chỗ trước sân là bắt được sóng điện thoại. Vậy là mỗi tối, sau khi đã xong việc cơm nước, cô giáo trẻ ấy lại cầm điện thoại ra sân, đi đi lại lại cả chục phút mới dò được... sóng để gọi về cho chồng, con. Nhiều lúc có chuyện gấp từ gia đình gọi lên hoặc chị muốn gọi về nhà nhưng suốt mấy ngày vẫn không liên lạc được, đành phải chịu vì điều kiện ở đây vốn đã vậy...
    Vì đường đi lại còn khó khăn, lịch dạy cũng khá dày đặc nên có khi cả tháng, cô giáo Tưởng mới về nhà một lần. Những đồng nghiệp nam ở cùng xã, cùng huyện thì có thể mỗi tuần về một lần vào sáng thứ Bảy, chiều Chủ nhật chạy xe máy lên. Còn những giáo viên nữ như chị thì rất khó. Vì chạy xe gần 100km về nhà thì không phải lúc nào cũng đủ sức. May mắn nhất là những ngày có giáo viên nam ở những nóc lân cận, những thôn trong xã về xuôi một mình, chị lại xin đi nhờ...
    Dù khó khăn đến vậy nhưng cô giáo Tưởng vẫn luôn mỉm cười và tận tình với học sinh của mình. Lúc đến điểm trường, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cô Tưởng đang cầm tay từng em tập viết, lau chùi mặt mũi cho những em vệ sinh chưa tốt; nhẹ nhàng giúp đỡ, nhắc nhở các em. Các động tác, lời nói của cô giáo trẻ ấy như của một người mẹ hiền giữa núi rừng Trà Vân khắc nghiệt. Cô Tưởng tâm sự: “Ngoài việc dạy học, chúng tôi như cha mẹ, phải quan tâm, chăm sóc các em để gia đình yên tâm đi làm nương rẫy xa. Đúng mỗi tối thứ Sáu hằng tuần, tôi lại đến từng nhà trong nóc để thông báo việc học của các em, vận động gia đình cho đến lớp, không bỏ học giữa chừng”.
    Nói về cô giáo Nguyễn Thị Thu Tưởng, thầy giáo Trương Văn Mỹ, đồng nghiệp dạy cùng nóc với cô cho biết: "Cô giáo Tưởng rất năng nổ, nhiệt tình; vừa gần gũi với học sinh, bà con dân trong nóc, vừa thân thiện, ứng xử tốt với đồng nghiệp. Dẫu địa bàn chúng tôi đang công tác còn rất nhiều khó khăn nhưng lúc nào chị cũng biết cách vượt qua và hy sinh hạnh phúc cá nhân vì mục tiêu xóa mù chữ cho con em dân tộc thiểu số. Đó là một tấm gương đẹp để giáo viên trẻ mới lên công tác miền núi có thể noi theo...".
    Như bông hoa đẹp nở rộ và thơm ngát giữa đại ngàn Trường Sơn, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Tưởng từng ngày làm sáng thêm những tố chất đáng khen ngợi của những giáo viên nữ trẻ công tác ở vùng sâu, vùng xa. Và cũng mong sao, họ được quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để an tâm công tác, đem văn minh đến với đồng bào Ca Dong nơi đây.                   

    Gieo chữ nơi đỉnh trời

    Ông Nguyễn Đình An (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My) cho biết: “Từ Trung tâm hành chính huyện đến các điểm trường chính phải mất ít nhất hai tiếng đồng hồ đi xe máy. Nếu lên điểm trường ở các nóc thì cách duy nhất là giáo viên phải cuốc bộ hàng tiếng trên những con dốc cheo leo. Vì thế, nơi các thầy cô truyền con chữ cho học trò chẳng khác nào... đỉnh trời. Dù đường sá xa xôi, hiểm trở, điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn, lại là phận nữ nhi nhưng những cô giáo như cô Tưởng vẫn không nề hà ngày đêm bám trường, bám lớp truyền con chữ cho con em đồng bào Ca Dong. Các thầy, các cô chính là tấm gương đáng nể phục...”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-giao-xinh-dep-vuot-hang-tram-cay-so-gui-chu-len-dinh-troi-a38341.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    “Thầy giáo” Sầm Đức Xương và những lớp học trong trại giam

    “Thầy giáo” Sầm Đức Xương và những lớp học trong trại giam

    (ĐSPL) - Rời khỏi mảnh đất Hà Giang nhiều duyên nợ, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình không mệt mỏi. Điểm đến lần này là Trại giam Quyết Tiến (Tổng cục VIII, bộ Công an), nơi Sầm Đức Xương đang thụ án. Cũng như chúng tôi, chắc rất nhiều người quan tâm sẽ tự hỏi, giờ đây, trong trại giam, Sầm Đức Xương đang như thế nào?