+Aa-
    Zalo

    Cộng đồng quốc tế nói gì sau cuộc tấn công quân sự tại Syria?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngay sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phát động tấn công quân sự đối với Syria, giới Mỹ và cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên tiếng.

    Ngay sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phát động tấn công quân sự đối với Syria, giới Mỹ và cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên tiếng.

    Bình luận về tình hình Syria, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres thừa nhận Hội đồng Bảo an LHQ dường như chưa làm tròn trách nhiệm trong việc xây dựng một cơ chế chuyên biệt nhằm giúp việc giải trình vấn đề vũ khí hóa học ở Syria một cách hiệu quả. Ông Guterres cam kết sẽ thúc giục Hội đồng Bảo an cùng các nước thành viên đẩy nhanh tiến độ xử lý hạng mục này.

    Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an tránh thực thi các hành động có thể làm tình hình Syria tồi tệ hơn. “Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an đoàn kết và thực hiện trách nhiệm và tránh các hành động làm leo thang căng thẳng tại khu vực”.

    Bộ Ngoại giao Iran đã lên án vụ tấn công Syria do Mỹ dẫn đầu và cảnh báo rằng Mỹ và đồng minh sẽ phải nhận hậu quả cho hành động nã tên lửa vào Damascus.

    Nga, nước ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, lên tiếng chỉ trích và phản đối mạnh mẽ hành động của Mỹ và phương Tây. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các nước phương Tây đã tấn công thủ đô của một quốc gia có chủ quyền và đang tích cực tham gia cuộc chiến chống khủng bố.

    Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Alexander Sherin gọi cuộc tấn công của Mỹ là hành động gây hấn và vi phạm mọi luật lệ quốc tế. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết những hành động như vậy sẽ không thể bị bỏ qua mà không có bất kỳ hậu quả nào.

    Truyền thông Syria đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối hành động của Mỹ, Anh, Pháp, cáo buộc việc nã tên lửa của 3 nước vào lãnh thổ Syria là hành động “vi phạm một cách thô bạo luật pháp quốc tế”.

    Tại Trung Đông, Israel dường như bày tỏ quan điểm ủng hộ hành động của Mỹ. “Năm ngoái, Tổng thống Trump đã nói rõ ràng rằng việc sử dụng vũ khí hóa học (ở Syria) đã vượt quá lằn ranh đỏ. Hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Mỹ, 3 nước Mỹ, Anh, Pháp đã thực thi lằn ranh giới hạn đó”, một quan chức Israel giấu tên nói với Reuters.

    Về phía Anh, nước trực tiếp tham gia nã hỏa lực vào Syria, Thủ tướng Theresa May cho biết quyết định của Anh nhằm vì lợi ích quốc gia vì Anh không thể để cho việc sử dụng vũ khí hóa học trở trở thành một vấn đề bình thường. Nếu Anh bỏ qua, thứ vũ khí nguy hiểm này có thể sẽ xuất hiện trên đường phố Anh hoặc trên khắp thế giới một ngày nào đó.

    Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nghi do Syria thự hiện hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế và Pháp buộc phải hành động.

    Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết định của 3 nước. Ông Trudeau cam kết sẽ cùng hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp là “thích hợp” và sẽ có thể ngăn ngừa “một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào người dân Syria trong tương lai”.

    Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo tích cực việc thu thập thông tin và phân tích tình hình liên quan đến việc liên quân Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria.

    Ngoại trưởng Taro Kono trong cuộc họp báo sáng ngày 14/4 (giờ Nhật Bản) tuy chưa nói rõ về phản ứng cụ thể của Nhật Bản với tư cách đồng minh của Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng: “Những ai sử dụng vũ khí hóa học sẽ phải bị trừng phạt”.

    Đồng thời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Onodera Itsunori cũng dựa trên quan điểm coi trọng mối quan hệ đồng minh với Mỹ đã coi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là sự “quyết đoán” với mục đích ngăn chặn hành vi sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

    Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng không có cách nào khác khi nói rằng hành động quân sự là vi phạm luật pháp quốc tế. Nhật Bản cũng có lập trường không cho phép sử dụng vũ khí hóa học, song việc ủng hộ một cách chính xác đối với chính quyền Mỹ cũng chưa có thể khẳng định có thể hay không thể.  

    Trong khi đa số giới chức và nghị sỹ Mỹ ủng hộ quyết định tấn công Syria của Tổng thống Trump thì cũng có một số ý kiến lên tiếng phản đối. Thượng nghị sĩ John McCain hoan nghênh quyết định của ông Trump nhưng cho rằng Mỹ cần một chiến lược toàn diện hơn. Hạ nghị sỹ Elijah Cummings và một số nghị sỹ khác cho rằng hành động của ông Trump là vi hiến.

    Theo hiến pháp Mỹ thì Quốc hội mới có quyền phát động chiến tranh chứ không phải Tổng thống. Tổng thống Trump phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội trước khi quyết định tấn công quân sự nhằm vào Syria. Một số chuyên gia Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ quyết định tấn công của Tổng thống Trump nhằm đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng ủng hộ ông Assad nhưng cho rằng hành động này không phải là sự thay đổi chính sách hiện nay.

    Chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế Mỹ Richard Haass nhận định, chính quyền Tổng thống Trump đã không làm gì để làm suy yếu chế độ Assad, đồng thời đợt tấn công này cũng không làm rõ được tương lai chính sách của Mỹ đối với Syria.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-dong-quoc-te-noi-gi-sau-cuoc-tan-cong-quan-su-tai-syria-a226176.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan