+Aa-
    Zalo

    Cục CSGT khuyến khích ô tô cá nhân lắp camera giám sát để đảm bảo an toàn giao thông

    (ĐS&PL) - Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có đề xuất xe ô tô cá nhân lắp camera giám sát, trong khi trước đó, quy định này chỉ áp dụng với phương tiện ô tô kinh doanh vận tải.

    Theo báo Công an nhân dân, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất điều kiện để xe cơ giới chuyên dùng tham gia giao thông là có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.

    Trong khi đó, theo pháp luật hiện hành, việc gắn camera hành trình không áp dụng trên mọi loại xe ô tô mà chỉ áp dụng trên các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa.

    Việc lắp camera hành trình trên các phương tiện ô tô kinh doanh vận tải ngoài việc phục vụ công tác quản lý Nhà nước (giám sát về tốc độ, hành trình phương tiện; thời gian lái xe), còn phục vụ cho việc quản trị của doanh nghiệp và nâng cao ý thức tự giác cho lái xe. Vì vậy, đề xuất trên sẽ tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ để quản lý an ninh trật tự, ATGT.

    cuc csgt khuyen khich o to ca nhan lap camera giam sat de dam bao an toan giao thong1
    Các phương tiện ô tô được khuyến khích lắp camera hành trình để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa.

    Các chuyên gia giao thông cho rằng, cả nước hiện có hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải, chiếm 1/4 tổng số xe ôtô hiện có. Với đề xuất trên tại dự thảo Luật trật tự ATGT, gần 4 triệu ôtô cá nhân cũng sẽ phải lắp đặt thiết bị camera giám sát hành trình. Đây là một đề xuất có tác động lớn đến người dân nên cần làm rõ mục tiêu của đề xuất, cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập. Cơ quan soạn thảo cũng nên có khảo sát, thí điểm quy trình quản lý để đảm bảo khả thi.

    Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, ứng dụng công nghệ trong giám sát trật tự giao thông sẽ tạo sự minh bạch, khách quan, toàn diện. Song song với việc ban hành luật, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, ban hành quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình phù hợp với loại xe ôtô cá nhân. Thực tế hiện nay dù chưa có quy định, nhưng nhiều chủ xe, lái xe đã chủ động lắp đặt thiết bị này, camera quay bên ngoài xe.

    Còn đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ, các Sở GTVT đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý hoạt động của loại hình xe ghép, xe đi chung, xe trung chuyển. Những xe này chủ động gom khách lẻ để chở khách liên tỉnh, làm rối loạn môi trường kinh doanh vận tải và đẩy các đơn vị kinh doanh vận tải như taxi, xe chở khách tuyến cố định vào cảnh khó khăn. Núp bóng xe cá nhân, các xe này không đăng ký kinh doanh vận tải, không đổi biển số màu vàng nên khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm...

    Cùng với Sở GTVT địa phương, tới đây, nếu đề xuất được thông qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ được chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, "phạt nguội".

    Thông tin thêm về nội dung dự thảo luật, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, tại dự thảo (lần thứ 4) Luật Trật tự ATGT đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến có đề xuất ô tô cá nhân lắp camera giám sát. Tuy nhiên, không bắt buộc người dân phải lắp thiết bị trên mà chỉ khuyến khích lắp nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông.

    Trên thực tế, dù chưa đưa vào Luật nhưng thực tế hiện nay, đã có nhiều chủ phương tiện lắp camera hành trình, cũng theo vị Phó Cục trưởng Cục CSGT.

    "Hầu hết, các chủ phương tiện xe cá nhân lắp đặt thiết bị này để tự bảo vệ mình trong các tình huống xảy ra sự cố trên đường" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho hay.

    Ông Minh nêu ví dụ về lợi ích của việc ô tô cá nhân lắp camera hành trình, họ có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình.

    "Trách nhiệm cao hơn khi phát hiện người khác vi phạm thì có thể cung cấp cho cơ quan chức năng hình ảnh để xử lý, góp phần bảo vệ an toàn, sức khỏe, tính mạng của người mình và người khác. Đồng thời, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông", lời Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh.

    Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho biết, cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.

    "Các đề xuất được đưa ra mới chỉ là bản dự thảo, chúng tôi sẽ chỉnh lí và ghi nhận sự đóng góp của người dân, cơ quan chức năng để đưa ra điều khoản hợp lý, khoa học và đảm bảo tính nhân văn", Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh khẳng định.

    Cũng theo vị Cục Phó Cục CSGT cho biết, mục đích lớn nhất khi cơ quan chức năng xây dựng Luật Trật tự, ATGT đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông và làm giảm tai nạn. Xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hoá giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hoá giao thông của các nước phát triển, đề cao bảo vệ tính mạng con người, theo VietNamnet.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuc-csgt-khuyen-khich-o-to-ca-nhan-lap-camera-giam-sat-de-dam-bao-an-toan-giao-thong-a591727.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan