+Aa-
    Zalo

    Cực quay của Trái Đất dịch chuyển do con người dùng quá mức nguồn nước ngầm

    (ĐS&PL) - Nghiên cứu mới cho thấy, con người khai thác quá nhiều nước ngầm đến mức khiến cực quay của Trái Đất dịch chuyển.

    Một bài đăng trên Tạp chí Geophysical Research Letters tiết lộ, các nhà nghiên cứu phát hiện cực quay của Trái Đất đã lệch khoảng 78,7cm về phía Đông trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến 2010 do cạn kiệt nước ngầm, dẫn đến mực nước biển dâng.

    Vị trí tương đối của cực quay so với lớp vỏ Trái Đất có thể bị ảnh hưởng do cách phân bố nước trên hành tinh. Nhà địa vật lý Seo Ki-Weon tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) - trưởng nhóm nghiên cứu cho hay: “Cực quay của Trái Đất thực sự thay đổi rất nhiều”.

    Theo nhà địa vật lý Seo Ki-Weon, nghiên cứu chỉ ra trong số các nguyên nhân liên quan tới khí hậu, sự phân bố lại nước ngầm có tác động lớn nhất đến vấn đề cực quay Trái Đất dịch chuyển, nói cách khác là lệch trục Trái Đất.

    Được biết, các nhà khoa học phát hiện khả năng nước làm thay đổi vòng quay của Trái Đất vào năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, ảnh hưởng cụ thể của nước ngầm đến sự thay đổi đó vẫn chưa được làm rõ.

    cuc quay cua trai dat dich chuyen do con nguoi dung qua muc nguon nuoc ngam
    Các nhà nghiên cứu phát hiện cực quay của Trái Đất lệch khoảng 78,7cm về phía Đông từ năm 1993 - 2010 do cạn kiệt nước ngầm. Ảnh minh họa: ISTOCK

    Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu đã lập mô hình những thay đổi quan sát được về sự di chuyển của cực quay và nước. Ban đầu, các mô hình chỉ xem xét các tảng băng và sông băng. Sau đó, nhóm nghiên cứu xem xét đến các khả năng khác nhau liên quan tới việc phân bố lại nước ngầm.

    Kết quả, mô hình chỉ khớp với sự dịch chuyển của cực trong giai đoạn 1993 - 2010 khi tính đến 2.150 tỷ tấn nước ngầm được phân bố lại. Nếu không tính đến lượng nước mà con người đã khai thác từ dưới bề mặt Trái Đất, mô hình cho thấy cực của hành tinh dịch chuyển khoảng 78,7cm, tức khoảng 4,3cm mỗi năm.

    “Tôi rất vui khi tìm ra nguyên nhân bí ẩn khiến cực quay dịch chuyển. Mặt khác, là một cư dân sống trên Trái Đất và là một người cha, tôi cảm thấy lo ngại, xem lẫn ngạc nhiên khi nhận ra việc khai thác nước ngầm là một nguyên nhân khiến mực nước biển dâng cao”, nhà địa vật lý Seo Ki-Weon cho hay.

    Con số 2.150 tỷ tấn nước, tương đương gần 0,6cm nước biển dâng toàn cầu, bắt nguồn từ ước tính trước đây của các nhà khoa học về việc bơm nước ngầm trong khoảng thời gian 17 năm, từ 1993 - 2010.

    Thời điểm đó, vẫn chưa có bằng chứng quan sát trực tiếp củng cố ước tính trên. Mô hình trong nghiên cứu mới nhất có tính đến sự phân bố lại nước từ các nguồn nước ngầm vào đại dương đã cung cấp sự xác nhận độc lập cho ước tính đó.

    Mặc dù không tham gia nghiên cứu nói trên, nhà khoa học Surendra Adhikari tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc Viện Công nghệ California nhận định: “Đây là một đóng góp có ý nghĩa và chắc chắn là tài liệu quan trọng. Họ đã định lượng được ảnh hưởng của việc bơm nước ngầm đối với sự dịch chuyển của các cực”.

    Sự cạn kiệt nước ngầm liên quan đến việc bơm hút nước khỏi các nguồn như tầng ngậm nước dưới đất xảy ra nhanh hơn tốc độ bổ sung nước. Nguồn nước ngầm này được sử dụng cho mục đích nông nghiệp và cung cấp cho các khu đô thị.

    Sau khi được khai thác, nước ngầm có thể tìm đường chảy vào đại dương thông qua dòng chảy hoặc quá trình bốc hơi và mưa.

    Đinh Kim(Theo Newsweek)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuc-quay-cua-trai-dat-dich-chuyen-do-con-nguoi-dung-qua-muc-nguon-nuoc-ngam-a579548.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan