+Aa-
    Zalo

    Đề xuất phương án cho tử tù được hiến tạng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Luật thì quy định rất đơn giản, thân thể của anh thì anh được quyền quyết định, nhưng được chấp thuận hay không thì đó là lại câu chuyện khác…”

    “Luật thì quy định rất đơn giản, thân thể của anh thì anh được quyền quyết định, nhưng được chấp thuận hay không thì đó là lại câu chuyện khác…” - luật sư Thanh Bình (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay.

    Tử tù xin hiến tạng không phải là câu chuyện mới đặt ra trong trường hợp của tử tù Nguyễn Hữu Tình (SN 2000, quê An Giang). Sát thủ gây ra vụ thảm án giết 5 người trong cùng một gia đình này vừa bị TAND TP.Hồ Chí Minh tuyên án tử về 2 tội Giết người và Cướp tài sản.

    Trước đó, tử tù Nguyễn Hải Dương cũng bàn bạc với người thân xin được thực hiện nguyện vọng cuối cùng - hiến xác cho y học nhằm chuộc lại một phần lỗi lầm mình gây ra trong quá khứ.

    Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư TP.Hà Nội) dẫn Điều 5, luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: "Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".

    Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp.

    Theo quy định pháp luật nêu trên, tử tù Nguyễn Hải Dương và tử tù Nguyễn Hữu Tình đủ điều kiện để hiến tạng theo Điều 3 của luật Hiến, lấy xác. Nói cách khác, luật không hạn chế đối tượng hiến tạng là "tử tù", người chấp hành án phạt tù.

    Để thực hiện quyền hiến xác, người hiến xác có quyền bày tỏ nguyện vọng với cơ sở y tế. Với người đang chấp hành án phạt tù thì có thể liên hệ với cơ sở cải tạo, cơ sở giam giữ để thực hiện nguyện vọng của mình.

    “Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang áp dụng hình thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc. Vì vậy, nếu tử tù bị tiêm thuốc độc thì không thể thực hiện được thủ tục hiến xác, nói cách khác là xác tử tù bị tiêm thuốc độc sẽ không thể sử dụng để hiến tạng. Trong trường hợp này thì yêu cầu hiến tạng của tử tù sau khi chết sẽ không thể thực hiện được (trừ trường hợp áp dụng hình thức thi hành án tử hình là dùng súng bắn)", luật sư Cường nhận định.

    Không có quy định là cơ quan tiếp nhận không được phép từ chối. Cả Hiến pháp, luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2016 và luật Thi hành án hình sự đều không quy định về hiến tạng, hiến xác đối với tử tù. Luật sư Cường cho biết, trước đây khi thảo luận về luật Thi hành án hình sự thì cũng có ý kiến cho rằng quy định đối tượng phải thi hành án hình sự được quyền hiến tạng, tuy nhiên nội dung này đã không được trình Quốc Hội thông qua.

    “Trong khi đó, theo luật Thi hành án hình sự, khi thi hành án tử đối với các bị án phải tiêm thuốc độc. Do vậy, với quy định hiện hành thì không thể lấy thi thể của tử tù để cấy ghép cho người khác được”, luật sư Cường nêu quan điểm.

    Giải thích rõ hơn về điều này, luật sư Cường nói: “Đó là vấn đề luật định. Nếu sửa luật Thi hành án hình sự và luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và và hiến, lấy xác năm 2016 để quy định trường hợp nào tử tù xin hiến xác thì sẽ không tiêm thuốc độc mà lựa chọn hình thức từ hình khác như dùng súng bắn... thì mới có thể sử dụng xác để cấy ghép được. Ngoài ra, việc lấy xác, tạng của tử tù để cấy ghép cho bệnh nhân còn là vấn đề tâm lý, văn hóa, nhân đạo... chứ không đơn thuần chỉ là góc độ pháp y hay pháp luật. Có thể nhiều người sẽ không dám nhận tạng, mô của tử tù, họ có thể bị ám ảnh bởi các hành vi tội ác của tử tù trước đó nên sẽ từ chối”.

    Luật sư Thanh Bình (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

    Đồng tình với quan điểm này, luật sư Thanh Bình (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng khẳng định, trên thực tế việc thi hành án tử hình đối với các bị án được thực hiện bằng hình thức tiêm thuốc độc. Do đó, khi tiêm thuốc độc vào người thì có thể cơ thể của người đó sẽ không được đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa, và như vậy quyền này của tử tù sẽ khó được thực thi.

    “Luật thì quy định rất đơn giản, thân thể của anh thì anh được quyền quyết định, nhưng được chấp thuận hay không thì đó là lại câu chuyện khác, khi đó cần phải tuân thủ rất nhiều các điều kiện chuyên môn về y khoa, pháp luật…”, luật sư Bình nói.

    Đề xuất hướng giải quyết trong trường hợp này, luật sư Thanh Bình đưa ra quan điểm, để việc này mang tính thực tiễn thì phải có hành lang pháp lý quy định riêng. Cụ thể là xây dựng thông tư liên tịch giữ các bộ ngành liên quan (Thi hành án, VKS, tòa án, bộ y tế…). Đối với tử tù hiến tạng phải xử lý theo quy trình khác thì mới đảm bảo được”, luật sư Bình nêu quan điểm.

    Tư Viễn

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-phuong-an-cho-tu-tu-duoc-hien-tang-a236135.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan