+Aa-
    Zalo

    Đền Mẫu - biểu tượng giá trị văn hóa du lịch tâm linh của Phố Hiến

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hàng năm, từ ngày 10 tháng 3 âm lịch, người dân tỉnh Hưng Yên và các tỉnh thành lân cận nô nức đến dự khai hội chính đền Mẫu hay còn được gọi là (Hoa Dương Linh Từ).

    Hàng năm, từ ngày 10 tháng 3 âm lịch, người dân tỉnh Hưng Yên và các tỉnh thành lân cận nô nức đến dự khai hội chính đền Mẫu hay còn được gọi là (Hoa Dương Linh Từ) để chiêm bái, tham quan và tham dự các hoạt đông lễ hội.

    Tỉnh Hưng Yên là một trong những tỉnh miền Bắc có nhiều di tích lịch sử, Đình, Đền, Chùa…mang nhiều yếu tố có giá trị văn hóa đặc sắc của cả nước. Xưa kia nơi đây là Phố Hiến và ngày nay là thành phố Hưng Yên. Ở đây có một ngôi đền quanh năm được người dân trên khắp cả nước thành tâm về đây chiêm bái - đó là đền Mẫu. 

    Không gian đền rất cổ kính và trang nghiêm.

    Ngày nay, thành phố Hưng Yên tuy không còn được nhộn nhịp như thời của một thương cảng nổi tiếng Phố Hiến thế kỷ 17 “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Nhưng đến tận ngày nay, đền Mẫu của Phố Hiến xưa kia vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa có giá trị lịch sử to lớn và trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của Phố Hiến - Hưng Yên ngày nay.

    Khách thập phương thành tâm dâng hương và chiêm bái tại đền Mẫu.

    Trong hành trình du xuân đầu năm, thì trong tôi cùng những du khách thập phương đi lễ, với cùng chung mong ước, về một năm mới có nhiều sức khỏe bình an, hạnh phúc. Thì đền Mẫu là một địa điểm để du khách thập phương cầu may, xin sức khỏe, cầu bình an cho bản thân và những người thân trong gia đình. Và không chỉ tuần rằm, mùng một hay các ngày lễ Tết mà những ngày bình thường. Đền Mẫu luon thu hút được khách đến thăm quan và chiêm bái.

    Nét cổ kính của đền Mẫu.

    Nhắc đến đền Mẫu, hay còn được gọi (Hoa Dương Linh Từ) là một trong những nơi thờ cúng của tỉnh Hưng Yên, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách thập phương và người dân trong tỉnh. Ngôi đền nằm trong quần thể Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên), là một di tích lịch sử có địa thế, kiến trúc, cảnh quan cổ kính uy nghi và gần gũi với tâm linh người Việt. Với diện tích rộng khoảng 3000m2, phía trước là hồ bán nguyệt, xa hơn một chút là con đê sông Hồng. Mặc dù đã trải qua các thời kì tu sửa nhưng khi đến đền Mẫu, du khách vẫn cảm nhận được vẻ đẹp lâu đời, cổ kính còn vương lại trong từng viên gạch, mái ngói trong Đền và ở những pho tượng cổ có hồn có nét trên từng khuôn mặt pho tượng.

    Nghi môn của Đền được xây dựng công phu, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa xây vòm cuốn có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ Hán “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức đại tự được ghép bằng các mảnh gốm lam, nghĩa bức đại tự phải đọc từ phải sang trái, theo chữ Hán nôm nghĩa là “Thiên Hạ Mẫu Nghi” tức là (Người mẹ của muôn dân). 

    Sảnh chính của đền Mẫu dưới tán gốc cây Đa có tuổi đời hơn 700 tuổi.

    Đền Mẫu thờ bà Quý Phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thuỷ với vua và trung thành với đất nước của mình. Theo chính sử, sách “Đại Nam nhất thống chí” chép đền Mẫu được xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, Đền đều được trùng tu vào Triều Nguyễn năm Thành Thái thứ  8 (1896). Đền Mẫu được trùng tu lớn, thành khung cảnh giống như ngày nay.

    Còn theo dã sử được lưu truyền trong dân gian thì bà là vợ vua Tống Đế Bính (Trung Quốc). Năm 1279, quân Mông Cổ xâm lược nước Tống, trước sức mạnh của giặc, vua Tống cùng hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam tránh nạn nhưng theo đến Nhai Sơn thì  bị tướng Mông Cổ là Trương Hoằng Phạm bắt được, vua Tống và một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tự vẫn. Dân chài thuộc vùng Châu Hoan (Nghệ An) thấy bốn thi thể người phụ nữ y phục như hậu phi, cung phi trôi trên mặt biển. Họ vớt được ba thi thể đem chôn cất, còn thi thể thứ tư trôi ngược dòng lên phía Bắc. Truyền rằng thi thể này trôi ngược dòng đó ít ngày sau dạt vào cửa sông vùng Phố Hiến, được dân cư ở đây vớt lên, mai táng chu đáo và lập miếu thờ.

    Cũng theo dã sử thì vào thời Nhà Trần, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294). Vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, khi qua đây nằm mộng thấy thần nữ (chỉ Dương Quý Phi) đến xin âm phù giết giặc. Sau khi thắng trận trở về, nhớ tới công lao đó của Quý Phi, một mặt nhà vua cho tôn tạo lại đền, miếu, một mặt cho các bến bãi thu thuế thuyền buôn trích ra một phần cung cấp cho việc phụng thờ. Người dân đi biển đến đây lễ bái cầu xin thuận buồm xuôi gió đều được như ý.

    Ngày 24/4/1984 đền Mẫu được UBND tỉnh Hải Hưng cũ công nhận là di tích danh thắng. Ngày 26/3/1990 được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, và ngày 31/12/2014 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận đền Mẫu xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt.

    Năm nay, lãnh đạo Ban quản lý khu di tích cho biết, mặc dù quy mô lễ hội được tổ chức khiêm tốn hơn mọi năm, nhưng khách thập phương cùng người dân xa gần vẫn nô nức đến dâng hương chiêm bái tại lễ hội linh thiêng này để cầu mong cho bản thân cùng gia đình sự may mắn, bình an và những nguyện ước riêng cho mình. Ngoài các hoạt động dâng hương thì lễ hội đền Mẫu còn mang nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian để cầu sức khỏe, bình an thu hút nhiều người tham dự. Đó là nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ (Đạo Mẫu) của người Việt.

    Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đến nay, đền Mẫu đang là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn với du khách trên cả nước, không chỉ được chiêm bái giãi bày những ước vọng mà mỗi khi đến với đền Mẫu Hưng Yên, du khách sẽ thấy trong lòng được thanh tịnh, nhẹ nhõm trước những cảnh quan đẹp và kiến trúc cổ kính của ngôi đền, được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử quý.    

    Để xứng đáng với danh hiệu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt, lãnh đạo thành phố Hưng Yên cần tiếp tục bồi đắp, hoàn thiện không gian kiến trúc về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đền Mẫu. Như vậy, không những phát triển về văn hoá lịch sử mà còn mở ra tiềm năng to lớn về văn hóa du lịch tâm linh. Việc khai thác, phát huy giá trị của di tích sẽ góp phần bảo lưu và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của những dấu tích cổ trên đất xưa Phố Hiến.

     Xuân Khiển

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/den-mau---bieu-tuong-gia-tri-van-hoa-du-lich-tam-linh-cua-pho-hien-a269347.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan