+Aa-
    Zalo

    Đi chùa rằm tháng 7: Xin cả số đề, giao thương với Phật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chen chúc, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc, xin thẻ. Dâng khoá lễ đến cả trăm triệu nhằm giao thương với Đức Phật. Những điều xấu ấy biết bao giờ mới chấm dứt.

    Chen chúc, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc, xin thẻ. Dâng khoá lễ đến cả trăm triệu nhằm giao thương với Đức Phật. Những điều xấu ấy biết bao giờ mới chấm dứt.

    Bất kính với tín ngưỡng.

    Ngày rằm tháng 7 (âm lịch) từ lâu đã được người Việt lựa chọn là ngày lễ Vu lan. Đây là dịp lễ tiết vô cùng quan trọng, là thời điểm để con cái nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Trong những ngày này, dòng người đổ về các chùa chiền khấn bái, dâng hương. Nhiều đền chùa, thừa tự, miếu, điện luôn trong cảnh quá tải. 

    Và đâu đó trong ngày Vu lan đầy ý nghĩa như vậy vẫn còn những "hạt sạn" nơi cửa Phật thanh tịnh.

    Khung cảnh bát nháo ngày Vu lan - Ảnh: Bình Phước.

    Người dân có lẽ không quá xa lạ với hình ảnh nghi ngút khói hương, khói hoá vàng đầy hỗn loạn, người người chen lấn xô đẩy tại một số ngôi chùa trong những dịp như thế này. Các sạp quán bán đồ lễ, hoa cài áo Vu lan, áo phật tử được dịp "hét giá" trên trời, dịch vụ thu phí gửi xe cao đến giật mình. Mức giá gửi xe dao động từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/xe máy; 50.000 đồng/ ô tô.

    Đi lễ vốn phải mang tâm thanh tịnh, lòng không sân si đến cửa chùa. Có vẻ khó quá bởi một bộ phận người Việt cứ thích hiểu sai câu nói: "Làm quan ăn lộc vua. Ở chùa ăn lộc Phật". Lộc thì ít mà người muốn hưởng thì nhiều. Bởi vậy nên cái lễ thành tâm nó cũng phải khác biệt.

    Lễ vật đi kèm với điều kiện. Không ít người lên giá với Thần Phật, mặc cả "nếu thánh cho…con sẽ hậu tạ".

    Sau khi đặt lễ tươm tất cho đức phật, nhân danh nghĩa con cháu, người ta tiện thể "vay lộc thánh","xin lộc mẫu" và gia hạn "trả lễ" đáo hạn cho những năm sau như một giao dịch trong ngân hàng.

    Vậy mới có câu chuyện, năm nay trong số các vật phẩm cúng tế xuất hiện thêm món đồ lạ là thẻ rút tiền và cây ATM!

    Có khi nào khi Thần Phật nhận lễ qua thẻ ATM thì các "con nhang" được nhiều lộc hơn?

    Tôi tự hỏi rằng đức Phật thần thông quảng đại có đủ thời gian vừa thụ lộc vừa lắng nghe "mặc cả" để cho vay cho mượn hay không? 

    Hối lộ thần phật

    Rằm tháng 7, ngoài việc gửi đồ cúng bái cho các vong linh, thì người ta tranh thủ tế lễ thần linh, Đức Phật mong cầu an nhiên. Đây không chỉ là dịp để mọi người đến các khu di tích tâm linh để cầu phúc cho đấng sinh thành mà còn là sự cầu mong mưa thuận gió hoà - quốc thái dân an.
    Nhưng đâu đó vẫn nghe thấy tiếng lầm rầm khấn vái xin phát tài phát lộc, thậm chí xin cả số đề, xin bài bạc, xóc đĩa! Chung quy là xin xỏ đủ đường!

    "Phi vật bất thành lễ", nhiều khi chỉ cần cái Tâm cùng nén nhang cũng bày tỏ tấm lòng thành. Tuy nhiên, lễ vật tỉ lệ thuận với tiềm lực kinh tế. Nhiều con nhang phật tử sẵn sàng đội lên đầu những mâm cúng hàng chục triệu thậm chí cả trăm triệu. Hoa quả, rượu, thuốc cúng bái phải là hàng nhập ngoại "xịn". Tiền đặt lễ không phải đô la cũng là hàng xấp tiền 500 ngàn, để mong cầu được Thần Phật cất nhắc. 

    Một bộ phận người Việt đến cửa chùa, đền miếu bằng lòng tham, nghĩ rằng hễ cứ xin là được ưng ý, cứ mâm cao cỗ trọng là mua được Thần Phật. 

    Họ cho rằng các khoá lễ càng nhiều tiền thì lời thỉnh cầu càng dễ được các thần thánh chấp nhận mà không biết rằng người xưa đã dạy "lòng thành, lễ bạc", đến trước cửa thiền thì "tâm phải tịnh". 

    Ở trần gian, phong bì là chất dẫn cho mọi câu chuyện cho nên người ta mặc nhiên nghĩ rằng Thần Phật cũng cần nhận tiền thì mới lắng nghe lời xin và ban phát lộc tài. 

    Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam nhận định: "Không phải cứ đưa tiền lên chùa, đặt hết ban thờ này, ban thờ kia mới là cầu được may mắn như nhiều người vẫn nghĩ. Nếu đưa theo tiền thì phải đặt một cách có văn hóa, có thể là bỏ vào hòm công đức, thái độ cung kính. Cũng có một thực tế phải nhận ra đó là có người đi chùa để cầu xin Đức Phật nhưng cũng thể hiện sự phô trương".

    Tôi lo sợ hiện nay, một bộ phận dân chúng dần mất lòng tin vào cuộc sống và chính mình nên phải dựa vào những đại diện tâm linh như một cứu cánh. Họ coi thần thánh như một "người" để có thể nhờ vả. 

    Bởi vậy, vô hình trung Đức Phật cũng trở thành đối tượng của sự hối lộ. Người đi lễ nhưng thực chất là đi kí hợp đồng, thoả thuận kinh tế với Phật. 

    Nét đẹp tín ngưỡng bị kinh tế hoá thành một kiểu hợp tác. Không ít người quan niệm rằng nếu Đức Phật đã nhận lễ hậu hĩnh thì phải trả quyền lợi được hưởng cho người dâng. 

    Điều đó đã và đang làm mất đi giá trị tâm linh của việc đi lễ chùa thỉnh Phật, cầu bình an.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-chua-ram-thang-7-xin-ca-so-de-giao-thuong-voi-phat-a241662.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan