+Aa-
    Zalo

    Đi theo dấu vết lão nông trúng vàng và nhóm người miền Bắc bí ẩn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thời gian gần đây, câu chuyện lão nông đào vàng lại trở nên râm ran ở thôn Bến Ván. Một đám người từ ngoài miền Bắc nghe ngóng được đang trở lại khe Rùi Rúi

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây, câu chuyện lão nông đào vàng lại trở nên râm ran ở thôn Bến Ván. Một đám người từ ngoài miền Bắc nghe ngóng được đang ráo riết trở lại khe Rùi Rúi đào đất đãi vàng tìm kiếm vận may...

    Từ câu chuyện lão nông đào được vàng...

    Lâu nay, người dân thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một người đàn ông trong xã từng "trúng quả" đào được rất nhiều vàng ở khe Rùi Rúi, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thuỷ. Khe Rùi Rúi trước đây là một khu đồi núi mà muốn đến đó người ta phải leo qua rất nhiều quả đồi. Chuyện kể, lão nông ấy trong một lần đi rừng đào củ mài đã phát hiện ra mỏ vàng vảy ở đây. Sau đó, lão đã cùng một số người thuê thợ ở ngoài huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) hì hục băng rừng, lội suối mang theo dụng cụ vào ăn nằm ở khe Rùi Rúi mấy tháng trời để đãi đất tìm vàng. Sau đợt ấy, lão và đám thợ thu được rất nhiều vàng, tính ra vài chục cây nhưng nghe đâu số vàng thực sự khai thác được không dừng lại ở đấy, bởi đám thợ ngoài Phong Điền đã “qua mặt” và “lòn” đi của lão không ít vàng.

    Đường vào khe Rùi Rúi rất khó đi với sỏi đá gồ ghề, đất đỏ bám đầy bánh xe.

    Thế rồi, khi hồ Tả Trạch được ngăn, con nước dâng cao, địa điểm lão nông đào được vàng ở khe Rùi Rúi chìm giữa mặt nước mênh mông của lòng hồ. Nhiều người cũng từng quay lại đó với hy vọng “đổi đời”, nhưng đành quay về tay không vì mất dấu và không kinh nghiệm. Lâu dần, câu chuyện về lão nông đào được vàng vì thế mà cũng chìm vào quên lãng.

    Tuy nhiên, thời gian gần đây, một nguồn tin của phóng viên ở xã Lộc Bổn tiết lộ, câu chuyện lão nông đào vàng lại trở nên râm ran ở thôn Bến Ván. Một đám người từ ngoài miền Bắc “đánh hơi” và nghe ngóng được đang ráo riết trở lại khe Rùi Rúi đào đất đãi vàng tìm kiếm vận may...

    Một ngày giữa tháng Chín, tiết trời vẫn đang còn ẩm ướt bởi những cơn mưa dai dẳng, chúng tôi tìm về xã Lộc Bổn để tìm hiểu thực hư. Gặp chúng tôi, người cung cấp thông tin tên T. cho hay, đám người miền Bắc ấy đã vào khe Rùi Rúi được gần 2 tuần. Từ đó đến nay, họ vẫn chưa ra.

    Hằng ngày, có một người ở địa phương vẫn vào trong ấy tiếp tế lương thực và các nhu yếu phẩm cho đám người này. T. tiết lộ, người tiếp tế lương thực ấy chính là con trai của lão nông ngày xưa từng đào được vàng.

    Được hay, người con trai này qua câu chuyện cha mình từng kể về “điểm” vàng ở khe Rùi Rúi đã tràn trề quyết tâm và luôn nuôi hy vọng trở lại Rùi Rúi tìm vàng. Tuy nhiên, không có kinh nghiệm khai thác nên tham vọng của gã cứ trôi dần theo năm tháng. Thế rồi, không biết “móc nối” từ đâu, gã liên hệ được với một đám người ở ngoài miền Bắc, được mệnh danh là những bậc cao thủ “ngửi” vàng. Nghe bảo, chỉ cần nếm chất đất, nhìn địa thế là những cao thủ này có thể biết chỗ ấy có vàng hay không, thậm chí là nhiều hay là ít.

    Qua lời kể của T., chúng tôi thật sự nóng lòng được vào tận khe Rùi Rúi để “mục sở thị”. Tuy nhiên, T. tỏ ra ngần ngại bởi đường vào khá phức tạp, đi bằng thuyền rồi phải luồn lách qua các "ốc đảo" như mê cung và chưa kể đến sự nguy hiểm đến từ đám người khai thác vàng bí ẩn.

    "Thôi được rồi, nhưng tôi chỉ đưa anh vào bằng thuyền rồi anh đứng ở dưới lấy máy ảnh quay lên, chứ không được vào trong đâu đấy. Ai bắt gặp thì bảo đi tham quan hồ Tả Trạch nhé", sau một hồi thuyết phục, T. miễn cưỡng chấp nhận lời đề nghị của chúng tôi.

    Đến hành trình vào khe Rùi Rúi

    Có mặt ở thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn, T. yêu cầu thay phương tiện. Một chiếc xe máy cà tàng, trông cũ kỹ, nhưng cũng rất "lì lợm", "trâu đất", được T. giao cho chúng tôi và kèm theo lời cảnh báo: "Vào đó đường rất khó đi, chỉ có loại xe này mới chịu nổi...".

    Chạy hết con đường rải nhựa, chúng tôi bắt đầu men theo con đường đất gồ ghề đá sỏi, những con dốc xuôi mái với bao nhiêu là đất đỏ bám đầy bánh xe. Sau gần 30 phút vượt đường đất, có mặt ở mạn phía nam hồ Tả Trạch, chúng tôi bỏ lại xe máy trên bờ và tiếp tục hành trình đến khe Rùi Rúi bằng thuyền.

    Hồ Tả Trạch mùa này nước chưa dâng cao, những ngọn đồi rừng trồng lộ rõ giữa mặt nước mênh mông như những "ốc đảo". Nước hồ Tả Trạch trong xanh, tĩnh lặng, thi thoảng lấp ló đâu đó, một chiếc thuyền của lão ngư nào đấy đang bủa lưới thả câu. Khung cảnh trông yên bình đến lạ!

    Chiếc thuyền máy xé tan sự yên tĩnh của mặt nước, lao đi vun vút, rồi luồn lách qua các "ốc đảo", hướng về bãi khai thác vàng với tâm trạng hồi hộp pha chút lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của tôi và anh đồng nghiệp. Những câu chuyện về vàng “tặc” hành hung phóng viên, thậm chí cả lực lượng chức năng chợt ùa về khiến chúng tôi sởn gai ốc.

    Trên đường đi T. kể, nhóm người vào khai thác vàng ở đây khoảng 4 người, hình như là người Thái Nguyên. Trong đó, có một người còn khá trẻ, 2 người trung niên và một người trông đã có tuổi. Họ lầm lì, ít nói. Vào thôn Bến Ván gặp người con trai lão nông xong là lên đường vào khe Rùi Rúi ngay. Theo T. thì để tránh bị người dân chú ý, ban ngày họ đục hầm, đào đất, ban đêm lại chong đèn ra ven mặt nước hồ hì hục đãi. Họ khai thác chủ yếu bằng thủ công, chưa có máy móc gì đáng kể. Và đặc biệt, đứng đằng sau họ là một tay “anh chị” có máu mặt ở địa phương nên chẳng ai dám ý kiến hay bén mảng đến bon chen kiếm chác.

    Mất khoảng 20 phút chạy bằng thuyền, hiện ra trước mắt chúng tôi là một khu đồi khá rộng lớn. Bác chủ thuyền nhẹ nhàng tắt máy để thuyền trôi theo quán tính khe khẽ nói: “Khe Rùi Rúi kia rồi...”. Phía dưới chân đồi, sát mặt nước, một chiếc thuyền nhỏ đã neo đậu ở đấy tự bao giờ. "Thuyền của người tiếp tế lương thực, con trai người ngày xưa từng đào được vàng đấy...", T. thì thầm.

    Chỉ tay về khu đồi um tùm cây cối, T. cho hay, đám người đang khai thác vàng ở giữa lưng chừng đồi, cách từ dưới chân đồi lên khoảng 100m. Tuy nhiên, ngoài bạt ngàn cây cối và chiếc thuyền nhỏ ở chân đồi, chúng tôi không ghi nhận được gì thêm khi chỉ đứng từ dưới thuyền nhìn lên.

    Không thể ra về tay không, lúc ấy tầm 12h trưa, phỏng đoán có thể đám thợ đã dừng công việc để nghỉ trưa, chúng tôi quyết định liều mình xâm nhập vào tận bãi khai thác. Trước quyết tâm đó, T. ngán ngẩm chấp nhận nhưng anh ta không đi theo mà ở lại trên thuyền ngồi chờ và không quên dặn: "Chụp ảnh xong là xuống ngay đấy nhé...".

    Nhẹ nhàng cho thuyền vào ven bờ, tôi và một đồng nghiệp rời khỏi thuyền. Tại chân đồi sát mặt nước, dấu vết có người ở hiện rõ với bao xà phòng, dầu gội... chúng tôi suy đoán, có khả năng đây là nơi đám thợ thường xuyên tắm giặt.

    Men theo con đường mòn, leo lên dọc triền đồi, dấu vết của một lán trại cũ xuất hiện với một bãi đất được đắp bằng phẳng và một chiếc bếp còn than đã cháy tàn. Leo khoảng chừng 100m, chúng tôi phát hiện một lán trại được căng bạt giữa lùm cây. Phía trong lán, là những chiếc võng được mắc gọn gàng, đây có lẽ là lán trại nghỉ ngơi chính của đám thợ.

    Khu đồi với rừng tràm bao phủ, sau cơn mưa trở nên ẩm ướt khiến không khí càng lạnh hơn và hình như cái lành lạnh ấy đang len lỏi vào cả sống lưng của chúng tôi, những vị khách không mời mà đến...

    LÊ CÔNG THÀNH

    [mecloud]glsWJmhiA9[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-theo-dau-vet-lao-nong-trung-vang-va-nhom-nguoi-mien-bac-bi-an-a164344.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.