+Aa-
    Zalo

    Điều đặc biệt tại ngôi trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 0%: Học sinh nghỉ học dài ngày, có em đã lấy vợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Học sinh ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề Minh Long (Quảng Ngãi) có cuộc sống nghèo khó, thậm chí có em đã lập gia đình.

    Học sinh ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề Minh Long (Quảng Ngãi) có cuộc sống nghèo khó, nhiều em phải nghỉ học dài ngày phụ giúp cha mẹ, thậm chí có em đã lập gia đình.

    Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề Minh Long. Ảnh: Zing.vn

    Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 15/7, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo kết quả công bố, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2019 của tỉnh Quảng Ngãi đạt 85,92%, thấp hơn gần 7% so với kỳ thi năm 2018. Trong đó, hệ THPT đỗ 88,15% và GDTX đạt 45,1%. Với kết quả này, Quảng Ngãi xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, tăng 5 bậc so với kỳ thi năm 2018.

    Đáng chú ý, năm nay, tại Quảng Ngãi, trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất là Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề huyện Minh Long với tỷ lệ 0%.

    Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề huyện Minh Long có 13 em đăng ký, trong đó có 3 thí sinh tự do (1 thí sinh bỏ thi). "Đề thi được đánh giá là quá sức các em ở huyện vùng cao này. Mặt khác, do cuộc sống khó khăn, các em thường xuyên nghỉ học phụ giúp gia đình nên không chuyên tâm học hành", một lãnh đạo trung tâm nói.

    Chia sẻ trên Zing.vn, thầy Huỳnh Quang Tải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề Minh Long cho biết: "Nghe đồng nghiệp điện thoại báo tin cả lớp 12 thi tốt nghiệp rớt sạch, tôi không thể tưởng tượng nổi. Những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trung tâm luôn đạt hơn 80%, nhưng năm nay thì không em nào đậu, nên xót xa, buồn lắm". 

    Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, vào mùa thu hoạch cây gỗ keo hoặc thu hoạch lúa, học sinh ở trung tâm nghỉ dài ngày, ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy. Thầy cô rất khó bù lấp khoảng trống kiến thức bị thiếu hụt. 

    Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Cáng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề huyện Minh Long cũng cho hay sau khi nghe kết quả tốt nghiệp 0%, giáo viên trong trường buồn "mất ăn, ngủ".

    Giám đốc Trung tâm nhìn nhận hoàn cảnh kinh tế của gia đình học sinh vùng cao huyện Minh Long khó khăn, các em lại có nền tảng kiến thức "đầu vào" thấp. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần nhìn nhận thực trạng giáo dục ở các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa để có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững cho học sinh khu vực này.

    "Học sinh vào học ở trung tâm, độ tuổi thấp nhất từ 20 đến 22, một số em tuổi đời lên 30-40. Lớp 12 của trung tâm thi tốt nghiệp THPT năm nay, 3 học sinh đã có vợ, bận rộn gia đình nên việc học tập, tiếp thu kiến thức gặp nhiều khó khăn", ông Cáng nói. 

    Thanh Tùng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-dac-biet-tai-ngoi-truong-co-ty-le-do-tot-nghiep-0-hoc-sinh-nghi-hoc-dai-ngay-co-em-da-lay-vo-a284591.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan