+Aa-
    Zalo

    Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Thiếu nước ngọt mùa mưa.

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang bước vào mùa mưa, nhưng thật bất ngờ, nhiều hộ dân, đặc biệt là ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên lại đang phải sống trong cảnh thiếu

    Sống cạnh sông vẫn khát nước

    Như đã biết, do cấu tạo tự nhiên, khu vực ĐBSCL có nguồn nước rất phong phú, đặc biệt vào mùa mưa bởi lưu lượng nước mưa và nước ở sông Mê-kông đổ về rất lớn. Cụ thể, theo tính toán, lưu lượng nước ở sông  Mê-kông chảy qua khu vực này vào khoảng 450 tỷ m3, và gần 2/3 trong số đó là vào mùa mưa. Ngoài ra, lượng mưa trung bình ở đây cũng thường đạt mức khá cao, vào khoảng 1.600 mm/năm nhưng cũng chỉ tập trung vào 5 tháng mùa mưa. Như vậy có thể khẳng định, tài nguyên nước ở ĐBSCL không những vô cùng dồi dào mà đây còn được coi là một trong những tài nguyên đặc trưng của vùng châu thổ rộng lớn này, nó mang lại nguồn thủy hải sản phong phú, phù sa tươi tốt. Tuy nhiên, nước nhiều nhưng những năm gần đây, ô nhiễm đã khiến nước ở ĐBSCL không còn sử dụng vào mục đích sinh hoạt được nữa. Hoặc nếu muốn sử dụng, người dân bắt buộc phải mua những thiết bị lọc nước chuyên dụng đắt tiền, vượt qua khả năng tài chính của họ. Chính vì thế, nhiều người dân ở khu vực ĐBSCL đã chia sẻ rằng, vào mùa nước về, mặc dù sống cạnh dòng sông nhưng gia đình họ vẫn thiếu nước sinh hoạt. Thế nên, cách duy nhất để đảm bảo nước sinh hoạt là lấy trực tiếp từ nguồn nước mưa, sau đó sử dụng những vật dụng thô sơ để chứa, đựng rồi sử dụng. Tuy nhiên, lượng nước này khá nhỏ, chỉ đủ dùng để nấu ăn, còn nước sinh hoạt tắm rửa… thì vẫn khá thiếu. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng nước trực tiếp từ những khu vực sông ngòi, kênh rạch cũng đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều người dân cũng vô tình mang đến những tác hại mà không ai có thể ngờ được.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, do cư dân ở khu vực ĐBSCL chủ yếu là thưa thớt, sống rải rác ở nhiều điểm nên rất khó để có thể đưa đường ống nước sạch về tới từng hộ gia đình một. Thế nên, hầu hết các đường ống nước sạch, các công trình cấp thoát nước chỉ được đưa về tới trung tâm xã, ấp hoặc những cụm dân cư tập trung. Những hộ dân khác, đa phần phải đi mua nước, xin nước hoặc sử dụng những loại nước không đạt tiêu chuẩn sạch bởi hệ thống lọc nước sơ sài.

    Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc nguồn nước tự nhiên ở ĐBSCL bị ô nhiễm nhưng quan trọng nhất, theo đánh giá của các chuyên gia vẫn là do hóa chất, chất thải ở các nhà máy, khu công nghiệp và những vùng chăn nuôi trên mặt nước và cả chính những người dân sinh sống ở hai bên bờ sông. Vì vậy, thực tế là nguồn nước đang bị ô nhiễm nhưng cách giải quyết, khắc phục hậu quả thì có thể nói vẫn chưa kịp bởi sự phát triển quá nhanh của xã hội, của dân cư. Và, tác hại của nó, tất nhiên cũng ngày một trầm trọng hơn.

    Nhiều dịch bệnh trực chờ   

    Cách đây ít lâu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tiến hành một khảo sát về ý kiến của những cư dân và chính quyền ở các dòng sông trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kết quả là ô nhiễm môi trường của sông ngòi đã ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến đời sống cư dân trong vùng. Cụ thể, hơn 80\% người cho rằng ô nhiễm có ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ theo hướng tiêu cực, 44\% cho rằng ô nhiễm nước sống khiến thần kinh họ bị căng thẳng, 25\% cho rằng ô nhiễm nước sống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, bệnh tật, sinh kế cũng như tài sản của họ. Kết quả trên phần nào cho thấy mối nguy hại về ô nhiễm môi trường nước sông là cực kỳ lớn với người dân ở ĐBSCL, nơi là hệ thống sông ngòi lớn nhất cả nước.

    Không những có thể bị mất sinh kế do nguồn lợi thủy hải sản bị giảm đáng kể mà các loại bệnh tật cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân. Theo đó, những loại bệnh dễ gặp và lây lân do nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm là các loại bệnh do vi khuẩn gây ra như tả, lỵ, tiêu chảy, viêm gan B hay những bệnh ngoài da, bệnh mắt và cả phụ khoa. Những đối tượng dễ mắc bệnh do tác động của nguồn nước chính là trẻ em, phụ nữ và người già. Đặc biệt, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cũng cảnh báo rằng, hiện nay nhiều khu vực sông ngòi ở ĐBSCL bị ô nhiễm về chất rắn, chất thải công nghiệp có thể ảnh hưởng tới trẻ em và thai nhi khiến nhiều người dân phải đặc biệt lưu ý. Thế nên, khi mùa mưa đến, lượng nước ở sông ngòi kênh rạch tăng lên cũng là lúc, tỷ lệ và nguy cơ mắc bệnh của người dân cũng tăng cao hơn. Mặc dù, nó phần lớn chưa cướp đi mạng sống của người dân nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tinh thần của mọi người. Hi vọng, mùa mưa cũng là lúc mọi người cần nâng cao hơn nữa cảnh giác với các hiểm họa về ô nhiễm môi trường nguồn nước sinh hoạt nơi đây.                                                                                    

    CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H

    LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM

    ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1

     HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 

    EMAIL: [email protected]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dong-bang-song-cuu-long-dbscl-thieu-nuoc-ngot-mua-mua-a40443.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.