+Aa-
    Zalo

    [E] Tiếng kêu cứu của những nạn nhân “nhí” phát ra từ chính nơi được cho là an toàn nhất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chỉ tính từ đầu tháng 7/2022 đến nay, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ bạo hành trẻ em. Điều đáng lên án, hung thủ gây ra những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần cho các em lại chính là người thân trong gia đình.

    Tư Viễn

    Chỉ tính từ đầu tháng 7/2022 đến nay, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ bạo hành trẻ em. Điều đáng lên án, hung thủ gây ra những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần cho các em lại chính là người thân trong gia đình.

    Nhức nhối vấn nạn bạo hành trẻ em

    Bé gái Đ.N.A., 3 tuổi, tử vong tối 12/3 sau 2 tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Ảnh: Internet

    Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ nhỏ khiến dư luận không khỏi bất bình.

    Vụ án bé gái Đ.N.A., 3 tuổi (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) có 9 vật nhọn găm trong đầu, nghi phạm Nguyễn Trung Huyên - bạn trai của mẹ nạn nhân nhanh chóng bị khởi tố, tạm giam về hành vi Giết người. Lời khai ban đầu của nghi phạm cho thấy, Huyên đã nhiều lần hành hạ, đánh đập cháu Đ.N.A. trong quá trình chung sống với người tình và cháu A. bằng những thủ đoạn tàn độc, nhẫn tâm.

    Trước đó, tháng 9/2021, bé gái L.H.A. (6 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã qua đời sau khi bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre. Quá trình học, thấy bé A. mất tập trung, chậm tiếp thu nên Lê Thành Công (43 tuổi, trú P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dùng đũa gỗ, thanh tre để “dạy” con, hậu quả khiến con gái ra đi trong đau đớn.

    Ảnh minh họa.

    Cuối tháng 12.2021, bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) bị bạn gái của bố hành hạ tới tử vong. Vụ án đã được TAND TP. HCM đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 2 bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (sinh năm 1995) về tội giết người và hành hạ người khác, bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (sinh năm 1985) về tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm. Song, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, xác định lại tỷ lệ thương tích của bị hại theo yêu cầu từ luật sư.

    Buổi tưởng niệm bé V.A. ngay tại chung cư bé ở - Ảnh: Internet

    Cần xử nghiêm đối tượng phạm tội

    Mới đây nhất, Công an huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà nội và cha ruột nhẫn tâm bạo hành cháu bé 9 tuổi.

    Cụ thể, ông Trần Văn Dũng (bố ruột cháu A.) và bà Trần Thị Trang (bà nội cháu A) cùng trú tại thôn 18, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) bị khởi tố để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.

    Theo Công an huyện Cư Kuin cháu A. bị thương tích 11%. Quá trình điều tra khi được hỏi về nguyên nhân bị thương tích cháu A. cho biết đã bị cha và bà nội đánh rất nhiều lần thậm chí khi lấy gói mì tôm ăn đỡ đói cũng bị đánh. Hiện bố ruột và bà nội cháu A. được cho tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

    Cháu A. kể lại giây phút bị bà nội và bố đánh đập. - Ảnh: Internet

    Dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sĩ – Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) phân tích: Hành vi cố ý gây thương tích, tỉ lệ thương tích 11 % với cháu bé là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự. Bởi vậy việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đã gây thương tích cho cháu bé trong trường hợp này là có căn cứ, đúng pháp luật

    Trong quá trình xác minh sự việc, bà nội và cha ruột cháu bé đã thừa nhận hành vi đánh đập cháu bé dẫn đến thương tích. Với kết quả giám định thương tích 11% thì có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2, Điều 134 bộ luật hình sự.

    “Hành vi của bà nội và cha ruột cháu bé trong trường hợp này được xác định là phạm tội với người dưới 16 tuổi và với tỷ lệ thương tích 11 % thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 134 bộ luật hình sự”, Luật sư Cường nói.

    Trường Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng: Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và xác định hậu quả xảy ra để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Hành vi cố ý gây thương tiếc với trẻ em vì bất cứ lý do gì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật không cho phép giáo dục trẻ em bằng bạo lực. Bởi vậy hành vi đánh đập trẻ em gây ra thương tích thì dù người đánh đập là cha mẹ, ông bà thì hành vi này cũng là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hậu quả có thương tích thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 134 bộ luật hình sự.

    Ảnh minh họa.

    “Hiện nay còn rất nhiều ông bố, ba mẹ và những người thân thích của trẻ em có quan điểm sai lầm là sử dụng bạo lực trong giáo dục hoặc thiếu kiểm chế cảm xúc dẫn đến thực hiện hành vi đánh đập trẻ em, gây thương tích cho trẻ em, thậm chí có những vụ việc trẻ em đã thiệt mạng. Bởi vậy để bảo vệ trẻ em, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, các quyền trẻ em được đảm bảo thì việc khởi tố, xử lý hình sự những vụ án như thế này là cần thiết để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, Luật sư Cường phát biểu.

    Lý giải nguyên nhân vì sao “hổ dữ ăn thịt con”

    Câu hỏi đặt ra, vì sao có nhiều vụ bạo hành trẻ từ mẹ kế, chồng hờ, nhân tình của bố mẹ? Lý giải về việc này, Tiến sĩ - trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) nhận định: Điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách, với các đặc điểm lệch lạc như: Tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.

    Qua các vụ án ở trên, trung tá Đào Trung Hiếu chỉ ra một điểm chung của các nạn nhân: Trước khi trở thành bị hại trong các vụ án hình sự, trẻ em đều ở cảnh “lời ru chia đôi”. Các cháu là nạn nhân trực tiếp của những cuộc hôn nhân tan vỡ. Khi bố hoặc mẹ đưa chúng đến ở cùng với những người “khác máu tanh lòng", cuộc sống các con trở thành địa ngục nếu kẻ gá nghĩa đó là những kẻ ích kỷ, máu lạnh, nhẫn tâm. Rất có thể trong họ tồn tại suy nghĩ đứa con là một gánh nặng, việc phải nuôi các cháu như một nghĩa vụ, không có tình mẫu tử, phụ tử.

    Bên cạnh đó, người liên quan trực tiếp sau hung thủ là bố hoặc mẹ của nạn nhân nhỏ tuổi. Họ cũng đồng điệu với kẻ thủ ác ở thái độ thờ ơ trước an nguy, hạnh phúc của con. “Có thể trong sâu thẳm, những người liên quan trực tiếp đến thủ phạm cũng thấy đứa con như một trở ngại cho hành trình tìm duyên mới. Chưa hết, đứa bé còn nhắc họ nhớ về những buồn thảm đã qua với mảnh ghép không hoàn hảo cũ. Đó là nguyên nhân dẫn tới những vụ án đau lòng mà nạn nhân là những cháu bé, đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc nhất”, chuyên gia nhận định.

    Trách nhiệm của người thân đến đâu?

    Có thể thấy, điểm chung của các nạn nhân nhỏ tuổi là trước khi vụ án mạng xảy ra, nhiều em đã phải chịu chung một hình thức là bạo hành gia đình. Hay nói cách khác, trước khi bị sát hại, trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi, với những chấn thương để lại trên thân thể. Vậy, người thân hay gần nhất là hàng xóm của các em có biết được việc này, thái độ, hành động của họ ra sao? Họ làm gì để bảo vệ con, cháu mình? Đó là câu hỏi mà nhiều người không khỏi băn khoăn.

    Gánh trên vai trọng trách bảo vệ công lý, Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Tiếng quát tháo, đòn roi, đổ vỡ, tiếng khóc ré vọng ra từ nhà bên, sao không thể nghe thấy. Bên cạnh đó, người cha, người mẹ dù không ở cùng con, nhưng khi đến thăm, lẽ nào không nhận ra những vết bầm tím vì đòn roi?

    Về phía Luật sư Thạnh cho rằng: “Xếp sau kẻ trực tiếp gây tội ác, về mặt trách nhiệm chính là người thân của các nạn nhân, rồi đến hàng xóm, giáo viên… Bố hoặc mẹ khi đến gặp con không thể không nhận ra những vết bầm tím trên cơ thể con; không thể không nhìn thấy ánh mắt hoảng hốt, sợ sệt của con trẻ. Hàng xóm không thể không nghe thấy những tiếng quát tháo, chửi bới; tiếng khóc lóc, van xin, kêu gào từ con trẻ;... Giá như mọi người đừng thờ ơ, vô cảm thì một sinh linh đã có thể được giữ lại”.

    Để không xảy ra những vụ án đau lòng như trên, Luật sư Thạnh trăn trở, làm sao để khôi phục lại truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam; làm sao để không các em không trở thành nạn nhân của những cuộc hôn nhân đổ vỡ.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/e-tieng-keu-cuu-cua-nhung-nan-nhan-nhi-phat-ra-tu-chinh-noi-duoc-cho-la-an-toan-nhat-a546381.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan