+Aa-
    Zalo

    Không giải ngân được, 9 bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn ODA

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo thông tin của bộ Tài chính, có 9/13 bộ, ngành xin trả kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng do không giải ngân được.

    Ngày 7/10, tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA), đại diện bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay, có 7/13 bộ, ngành chưa giải ngân được vốn ODA: bộ Quốc phòng, bộ KH&ĐT, bộ LĐTB&XH, bộ Y tế, bộ Công Thương, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM.

    9 bo nganh xin tra lai hon 8000 ty dong do khong giai ngan duoc dspl
    9 bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn ODA. Ảnh minh họa

    Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, bộ VH-Tt&DL có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 20%.

    Trong khi đó, bộ NN&PTNT, bộ GTVT, bộ GD&ĐT, bộ TN&MT có tỷ lệ giải ngân đạt 20% - hơn 40%.

    Theo ông Võ Hữu Hiển- Phó Cục trưởng cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại- Bộ Tài chính, thời gian còn lại từ nay cho đến hết năm, việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 trên 95% kế hoạch được giao như mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP là không khả thi.

    Bộ cũng chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện công tác kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn nếu đầy đủ hồ sơ.

    Kết quả, bộ Tài chính nhận được 620 bộ hồ sơ rút vốn của các bộ, ngành và tất cả hồ sơ rút vốn đều đã được xử lý khẩn trương, các đơn chưa đầy đủ hoặc thiếu sót đều được phối hợp với chủ dự án để giải quyết, đến nay không còn tồn đọng đơn rút vốn.

    Số vốn các đơn vị xin trả lại có thể phải điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch, hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

    Đại diện các bộ, ngành đều cho rằng, tác động nặng nề của COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

    Bộ Tài chính cũng tổng hợp lại một số nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn ODA: chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở; chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng; đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay...

    Bên cạnh đó, công tác kế hoạch vốn chưa tốt cũng là lý do. Nhiều bộ, ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

    Tính đến ngày 6/10, bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

    Theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 từ nguồn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng. Trong đó, của bộ, ngành là 16.637 tỷ đồng và địa phương là 34.913 tỷ đồng.

    Tính từ đầu năm đến ngày 6/10, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành đạt 19,03% tương đương 3.166 tỷ đồng.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-giai-ngan-duoc-9-bo-nganh-xin-tra-lai-hon-8-000-ty-dong-von-oda-a515592.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan