+Aa-
    Zalo

    Không trực tiếp đâm chết tài xế, kẻ chủ mưu vẫn lĩnh án tử?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Kẻ chủ mưu trong vụ án mạng trên đường Phạm Văn Đồng có thể sẽ bị pháp luật áp dụng khung hình phạt cao nhất là loại bỏ khỏi xã hội tương ứng với án tử hình.

    (ĐSPL) – Dù không trực tiếp ra tay giết người nhưng hành vi của kẻ chủ mưu trong vụ án mạng trên đường Phạm Văn Đồng có thể sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình.
    Sáng ngày 5/8, trên đường Phạm Văn Đồng gần trụ sở Bộ Công an thuộc quận Bắc Từ Liêm đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng làm ông Kiều Hồng Thành (50 tuổi, ở xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) tử vong ngay trên xe.
    Qúa trình điều tra ban đầu của phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội (PC45), đối tượng Hoàng Anh Tuấn (SN 1980, trú tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là kẻ trực tiếp dùng dao đâm nhiều nhát khiến ông Thành chết tại chỗ do mất quá nhiều máu.
    Đối tượng Lê Hồng Thuận (SN 1992, trú tại Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là người điều khiển xe máy chở Tuấn gây án. 
    Cơ quan điều tra cũng xác định Nguyễn Kim Bình (Hoàng Kim Bình) là người đã thuê Tuấn và Thuận để “dằn mặt” nạn nhân Thành với giá 30 triệu đồng. Tuấn là người trực tiếp dùng dao đâm nhiều nhát khiến ông Thành chết tại chỗ do mất quá nhiều máu.
    Đêm qua (6/8), CQĐT đã triệu tập thêm đối Nguyễn Quốc Văn (Cầu Giấy, Hà Nội) để tiếp tục điều tra liên quan đến vụ án mạng.
     Không trực tiếp giết người trên ô tô, kẻ chủ mưu vẫn lĩnh án tử?
    Đối tượng Thuận, Tuấn, Bình (từ trái sang phải)
    Trao đổi với phóng viên Đời sống và Pháp luật, Luật sư Cao Xuân Vượng - Công ty Luật TNHH VMF nhận định: “Hành vi của những đối tượng này đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự về tội giết người cụ thể như sau: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”
    Ngoài ra, Điều 20 Bộ luật hình sự về đồng phạm có quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Đồng thời, điều này cũng quy định người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm (Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm).
    Như vậy, có thể thấy rằng hành vi của những đối tượng này là đồng phạm giết người, vi phạm điểm m khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự đó là “thuê giết người hoặc giết người thuê” với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
    Từ những căn cứ trên, có thể thấy rằng hành vi của Tuấn và Thuận là rất nguy hiểm cho xã hội và đáng lên án bởi lẽ chỉ với số tiền 30 triệu đồng do một người khác thuê mà chúng đã ra tay tàn độc, chặn xe của nạn nhân sau đó dùng dao phóng lợn đâm chết ông Thành.
    Như vậy, Tuấn là người trực tiếp giết người (người thực hành), Thuận là người giúp sức trong việc thực hiện tội giết người.
     Không trực tiếp giết người trên ô tô, kẻ chủ mưu vẫn lĩnh án tử?
    Luật sư Cao Xuân Vượng trao đổi với phóng viên
    Bên cạnh đó, cần làm rõ  hành vi của Nguyễn Quốc Văn và Hoàng Kim Bình, nếu 2 đối tượng này đi thuê người khác giết người thì đó là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội và cần phải bị trừng phạt một cách nghiêm khắc.
    Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự về nguyên tắc xử lý hình sự theo đó: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng”.
    Vì vậy, rất có thể hành vi của những kẻ chủ mưu trong vụ án này sẽ bị nghiêm trị và trừng phạt với khung hình phạt cao hơn nhiều khả năng mức án cao nhất là loại bỏ khỏi xã hội tương ứng với án tử hình.
    Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự về tội giết người
    A) Giết nhiều người;
    B) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
    C) Giết trẻ em;
    D) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
    Đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
    E) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
    G) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
    H) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
    I) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
    K) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
    L) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
    M) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
    N) Có tính chất côn đồ;
    O) Có tổ chức;
    P) Tái phạm nguy hiểm;
    Q) Vì động cơ đê hèn”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-truc-tiep-dam-chet-tai-xe-ke-chu-muu-van-linh-an-tu-a44964.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan