+Aa-
    Zalo

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã đi qua nhưng trái tim mỗi người dân Việt Nam vẫn thổn thức khi nghe Tổ quốc gọi tên mình.

    Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã đi qua, nhưng tinh thần ý chí của các lực lượng thực thi pháp luật nước ta nơi đầu sóng, ngọn gió, đấu tranh hòa bình để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ là ký ức không thể phai mờ trong tôi, sau khi tôi được cùng đi, cùng sống với các anh ở Hoàng Sa.

    Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Trái tim mỗi người dân Việt Nam thổn thức nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng hành động cụ thể, từ các em nhỏ cho đến các cụ già đều bày tỏ lòng yêu nước nồng nàn, bất bình và kịch liệt phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan, các tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam.

    Sát cánh cùng các anh

    Nhận được thông báo sẵn sàng để ngày mai đi công tác Hoàng Sa, tôi vui mừng, vì tự nguyện đăng ký hơn một tháng rồi mà chưa được gọi. Tôi thấp thỏm chờ đợi, ước mơ được ra Hoàng Sa, chứng kiến các chiến sĩ Cảnh sát biển (CSB), Kiểm ngư viên (KNV), ngư dân đấu tranh thực thi pháp luật yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa
    Ở nhà, mẹ, vợ và con luôn hướng về các anh.

    Tối ngày 13/7, chúng tôi có mặt tại nơi tập kết, thành phố Đà Nẵng sáng lung linh, không khí trong lành. Mấy anh em báo chí gặp, kéo nhau ra bờ biển thưởng thức các món hải sản, ngồi ngắm trăng, nghe sóng biển vỗ. Trần Văn Hòe, phóng viên báo Nông thôn Ngày nay tại Huế có vẻ trầm tĩnh. Tôi hỏi anh nhớ vợ con à? Hòe trả lời “nhớ” rồi nói: “Đi xa thì nhớ vợ con thật nhưng em ao ước được ra Hoàng Sa, tận mắt chứng kiến các chiến sĩ CSB và KNV đang vất vả ngày đêm đấu tranh trên thực địa. Tự hào mình là người dân Việt Nam đã hiện diện ở Hoàng Sa và phản ánh về cuộc đấu tranh gian khổ của các CSB, KNV và ngư dân tại nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép”. Lần đầu Hòe nhận thông báo đi Hoàng Sa, từ Huế vào không kịp nên đành bỏ lỡ. Lần thứ hai, Hòe nhận lệnh của tòa soạn cử đi Hoàng Sa, cậu vui mừng liền bắt xe khách vào, được nửa đường thì nghe nói tạm hoãn nên bắt xe quay ngược lại Huế. Đợt này, Hòe phải bắt xe khách vào Đà Nẵng trước một ngày cho yên tâm.

    Chiều ngày 14/7, chúng tôi họp mặt và nhận tàu, ai cũng hồ hởi, sẵn sàng ra khơi. Được nghe phổ biến, chúng tôi biết chuyến này sẽ vất vả hơn, vì đúng vào mùa mưa bão nên sóng to, gió lớn kéo dài, kể cả là gặp bão. Các tàu bảo đảm công tác truyền tin về tòa soạn, còn trên tàu, do điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, các phóng viên sẽ cùng chứng kiến và chia sẻ sự cam go, gian khổ của các CSB, KNV.

    Thẳng tiến Hoàng Sa

    Bữa cơm chiều vội vã, 18h chúng tôi có mặt tại cảng, lên tàu CSB 8003 để ra Hoàng Sa. Phóng viên được bố trí chỗ ngủ đàng hoàng, các chiến sĩ CSB 8003 nhường giường cho khách và trải chiếu ngủ dưới sàn. Thi thoảng chính trị viên tàu, thiếu úy Nguyễn Huy Trung lại đến từng phòng hỏi han, xem các phóng viên đã ổn định chỗ ngủ chưa, có còn thiếu chăn, gối và ai say sóng không... Một phóng viên người Nhật mang thuốc say sóng chia cho các phóng viên Việt Nam, lấy áo phao mang theo xin chữ ký của các chiến sĩ. Ông móc túi ra mấy bao kẹo viên mời mọi người, chúng tôi chuyện trò vui vẻ, ấm cúng.

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa
    Dù bị tàu Trung Quốc đâm va, gây hấn, bắt bớ nhưng mỗi tàu cá, ngư dân là một cột mốc sống giữa biển khơi.

    Tàu lướt sóng ra khơi, biển về đêm mênh mông và sâu thẳm, xa xa ánh điện tàu là tàu ngư dân miệt mài khai thác cá trên ngư trường truyền thống. Lên buồng chỉ huy, các chiến sĩ trực ca mỗi người một việc, họ tập trung làm nhiệm vụ điều khiển tàu. Tôi lại gần thuyền trưởng hỏi ngày đêm anh ngủ mấy tiếng? Anh Nguyễn Văn Hưng quay sang nói lửng “ngủ à?” rồi trả lời “lúc căng thẳng thì thức trắng, thường thì tranh thủ chợp mắt được một đến hai tiếng đồng hồ”. Đêm về khuya vẫn chưa đổi ca trực lái, anh Hưng quan sát màn hình ra đa và mở bộ đàm để nghe thông tin của các tàu ngoài thực địa.

    Anh Hưng cho biết: Tàu CSB 8003 có nhiên liệu, lương thực và thực phẩm đủ cho 40 ngày trên biển. Từ đầu chiến dịch đến giờ, chưa cán bộ, chiến sĩ nào rời tàu về nhà. Chúng tôi yên tâm, vững tin làm nhiệm vụ vì có hậu phương vững chắc, nhân dân cả nước quan tâm chia sẻ. Cặp bến vừa rồi, tôi nghe nói có bà cụ già đến cơ quan CSB gửi 500 nghìn đồng cho đồng chí trực ban và bảo “cụ gửi cho các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa”. Cụ không nói tên tuổi, cảm ơn rồi chào đi ra ngoài. Nghe kể, chúng tôi như được tiếp thêm sức lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cho xứng với lòng tin yêu của nhân dân.

    Thiếu tá Phạm Văn Chuyên đứng trên boong tàu nhìn về phía đất liền. Khi tôi hỏi về gia đình, vợ con, quê quán, Chuyên cho biết: Mình thuộc vùng CSB 2, làm nhiệm vụ cơ yếu trên tàu 8003. Trước khi đi chiến dịch dài này ở Hoàng Sa, tôi phải làm công tác tư tưởng với vợ, anh em người thân nghe tin thì điện thoại liên tục động viên. Tạm biệt bố lên đường làm nhiệm vụ, con trai cả dặn dò: “Bố ra xua đuổi Trung Quốc rồi sớm về với con nhé”.

    Tàu CSB 8003 tăng tốc lướt nhanh, sóng vỡ tung tóe, miệng tôi thấy mặn mùi nước biển. Ánh mắt anh Chuyên nhìn xa xa, bừng sáng sự tự tin và kiêu hãnh trước biển cả bao la. Tôi nghe trong lòng mình vang lên câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau nhau giữ lấy nước”. Tôi, các anh đang làm nhiệm ở Hoàng Sa và người dân Việt Nam đã, đang làm như vậy. Dân tộc Việt Nam luôn bừng cháy ngọn lửa truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-hoang-sa---bai-1-duong-den-hoang-sa-a46269.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nối cầu ra Hoàng Sa

    Nối cầu ra Hoàng Sa

    “Con cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Mẹ đang điều trị ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Bệnh tật mẹ đã đỡ nhiều, ở nhà có bố chăm sóc” là tin nhắn người mẹ gửi đứa con ngoài Hoàng Sa