+Aa-
    Zalo

    Lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ giảm tháng thứ 11 liên tiếp

    (ĐS&PL) - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua, chưa bằng một nửa so với mức cao nhất là 9,1% vào giữa năm 2022.

    AFP đưa tin ngày 13/6, Bộ Lao động Mỹ cho biết, lạm phát giá tiêu dùng trên cơ sở hàng năm tại Mỹ đã “hạ nhiệt” trong tháng thứ 11 liên tiếp, tính đến tháng 5/2023. Đây được coi là tín hiệu đáng khích lệ cho các nhà hoạch định chính sách.

    Các số liệu được đưa ra khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED - Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Lạm phát tiêu dùng giảm có thể tạo điều kiện để FED quyết định tạm dừng lãi suất vào cuối cuộc họp.

    FED đã nâng lãi suất cho vay 10 lần liên tiếp kể từ đầu năm 2022 nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nhiều người dự đoán FED sẽ hoãn tăng lãi suất trong tuần này do nền kinh tế lớn nhất thế giới có các dấu hiệu “hạ nhiệt”.

    lam phat tieu dung o my giam thang thu 11 lien tiep
    Lạm phát tiêu dùng tại Mỹ đã “hạ nhiệt” trong tháng thứ 11 liên tiếp. Ảnh minh họa: AFP

    Theo số liệu do chính phủ Mỹ công bố hôm 13/6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát - trong tháng 5 đã tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích và giảm từ mức 4,9% trong tháng 4.

    Chỉ số CPI tháng 5 của Mỹ đạt mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua, chưa bằng một nửa so với mức cao nhất là 9,1% vào giữa năm 2022.

    “Báo cáo này là một tin tốt cho các gia đình làm việc chăm chỉ, đồng thời cho thấy tiến triển liên tục trong việc đối phó với lạm phát trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì mức thấp nhất trong lịch sử”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.

    Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách của FED đang tìm kiếm một xu hướng hạ nhiệt lạm phát chắc chắn hơn trước khi kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

    “Mặc dù tỷ lệ lạm phát vẫn tăng cao nhưng tốc độ tăng chậm lại ở mức vừa phải tạo cơ hội cho FED tạm dừng các đợt tăng lãi suất”, nhà kinh tế học Kathy Bostjancic của Nationwide nêu ý kiến.

    Hiện tại, việc tạm dừng tăng lãi suất cho phép FED có thêm thời gian để đánh giá tác động kinh tế của các động thái trước đó, vốn xuất phát từ những áp lực gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.

    Trong khi đó, nhà kinh tế học Rubeela Farooqi của High Frequency Economics bày tỏ, khi đề cập đến lộ trình chính sách trong tương lai, “thông tin mới về lạm phát, thị trường lao động cũng như những cân nhắc về tình hình tín dụng” sẽ quyết định liệu FED có tăng lãi suất hay không.

    Nhà kinh tế học Oren Klachkin tại Oxford Economics cũng cảnh báo, “dữ liệu có giá trị trong 1 tháng sẽ không làm giảm bớt sự lo lắng của các nhà hoạch định chính sách”. Ông Oren nói với AFP rằng, vẫn có nguy cơ tăng lãi suất trong nửa cuối năm nay”.

    “Các quan chức FED phải đối mặt với một quyết định cân bằng khó khăn. Họ không muốn gây ra suy thoái nhưng sẽ làm những gì cần thiết để lạm phát giảm xuống 2%”, ông Oren chia sẻ.

    Đinh Kim(Theo CNA)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-phat-gia-tieu-dung-o-my-giam-thang-thu-11-lien-tiep-a578926.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan