+Aa-
    Zalo

    Lệnh áp giá trần mới của EU với dầu Nga có tác động như nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lệnh áp giá trần mới của các nước phương Tây đối với các sản phẩm dầu của Nga có thể làm suy yếu sự ổn định của giá dầu toàn cầu.

    Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7),các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2.

    lenh ap gia tran moi cua eu voi dau nga co tac dong nhu nao 01
    Tòa nhà Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Tân Hoa Xã

    Theo đó, G7 và EU nhất trí sẽ áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu mazut và naphtha..

    Nếu giá các sản phẩm dầu mỏ của Nga bán cho nước thứ ba cao hơn giới hạn trên, quốc gia áp dụng giá giới hạn sẽ không còn cung cấp các dịch vụ về thương mại, bảo hiểm, tài chính, vận tải,... Các công ty phương Tây chỉ kiểm soát hầu hết thế giới bảo hiểm thương mại hàng hải và các dịch vụ liên quan khác.

    Đây là lần thứ hai các nước phương Tây áp đặt giới hạn giá đối với xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga sau khi họ áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga vào tháng 12 năm ngoái.

    Đồng thời, lệnh trừng phạt của EU đối với việc nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga cũng có hiệu lực vào ngày 5/2.

    Cơ chế giới hạn giá đặt khoảng thời gian đệm là 55 ngày. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá thường xuyên và điều chỉnh mức trần giá này để đảm bảo hiệu quả và tầm ảnh hưởng của nó.

    Liên quan đến biện pháp trên, phía Nga trả lời sẽ không cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ cho các quốc gia áp đặt giá trần. Các đề xuất như hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và áp trần giá dầu mỏ của Nga sẽ chỉ khiến giá dầu tăng đột biến.

    Vào tháng 6 năm ngoái, EU đã quyết định cấm mua xăng, dầu diesel, dầu nhiên liệu và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga bằng đường biển. Lệnh cấm cũng có hiệu lực vào ngày 5/2 năm nay.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen khẳng định, thỏa thuận trên có ý nghĩa quan trọng và là một phần trong các nỗ lực tiếp theo của EU và các đối tác nhằm gây sức ép đối với Nga.

    Tuy nhiên, kênh Kinh doanh và Tin tức Người tiêu dùng của Mỹ dẫn lời các nhà phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt đối với dầu thô Nga cho đến nay đã "thất bại hoàn toàn" và mức trần giá mới cũng có thể tỏ ra "không liên quan".

    Giá dầu có thể tăng dưới áp lực

    Các nhà phân tích thị trường tin rằng dầu là một mặt hàng toàn cầu quan trọng. Việc áp trần giá và cấm vận đối với các sản phẩm dầu của Nga sẽ dẫn đến nguồn cung bị thắt chặt và giá các sản phẩm dầu, đặc biệt là dầu diesel, tăng cao hơn trên thị trường quốc tế trong ngắn hạn.

    Hedi Grati, giám đốc nghiên cứu nhiên liệu châu Âu tại S&P Global Commodities, cho biết, nếu xuất khẩu dầu diesel của Nga bị hạn chế nghiêm trọng, EU sẽ cạnh tranh với các nước khác về dầu diesel và giá dầu diesel sẽ phải đối mặt với áp lực tăng liên tục.

    Gần đây, giá xăng và dầu diesel tại Mỹ và châu Âu tăng cao, một phần do EU dự trữ dầu trước khi áp đặt cấm vận và thị trường lo ngại nguồn cung có thể giảm sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

    Đồng thời, để tìm kiếm nguồn sản phẩm xăng dầu thay thế, EU sẽ tăng cường nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ và các nơi khác, trong khi Nga tăng cường xuất khẩu sang châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh khiến dòng chảy thương mại thay đổi.

    Zhang Longxing, Giám đốc Bộ phận Sản phẩm Dầu của Trung tâm Giao dịch Dầu mỏ và Khí đốt Tự nhiên Thượng Hải (Trung Quốc), chia sẻ với Tân Hoa Xã, việc giới hạn giá và lệnh cấm vận sẽ dẫn đến "sự thay đổi trong dòng chảy thương mại" của các sản phẩm dầu mỏ. Điều đó cũng có thể dẫn đến nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt và giá các sản phẩm dầu mỏ như dầu diesel cao hơn. Đồng thời, xuất khẩu xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu tinh chế khác của Mỹ sang EU sẽ có xu hướng tăng.

    lenh ap gia tran moi cua eu voi dau nga co tac dong nhu nao 02
    Việc áp trần giá và cấm vận đối với các sản phẩm dầu của Nga sẽ dẫn đến nguồn cung bị thắt chặt và giá dầu tăng cao. Ảnh: Tân Hoa Xã

    EU đối mặt nguy cơ lạm phát tăng trở lại

    Đối với khu vực EU, nơi lạm phát vẫn ở mức cao, việc áp trần giá và cấm vận các sản phẩm dầu mỏ của Nga sẽ cản trở nỗ lực kiềm chế lạm phát của nước này, đồng thời nền kinh tế cũng sẽ đối mặt với những rủi ro suy thoái.

    Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, châu Âu nhập khẩu hơn 700.000 thùng dầu diesel mỗi ngày từ Nga trong năm 2022, chiếm khoảng một nửa lượng dầu diesel nhập khẩu của châu lục này. Rất khó để tìm ra sản phẩm thay thế dầu diesel của Nga ở châu Âu trong thời gian ngắn và việc nhập khẩu từ các thị trường thay thế sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển.

    Giá năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát cao của châu Âu trong năm qua, mặc dù lạm phát đã giảm trong thời gian gần đây nhưng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn tiếp diễn. Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm bùng nổ liên tiếp các cuộc đình công của công đoàn đa ngành tại nhiều nước châu Âu đòi tăng lương và phúc lợi.

    Thống kê sơ bộ từ Eurostat cho thấy tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng Euro là 8,5% trong tháng 1/2023, cao hơn nhiều so với mục tiêu trung hạn của Ngân hàng Trung ương châu Âu là 2%.

    Igor Yushkov, nhà phân tích trưởng của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga sẽ làm giảm hiệu quả của thị trường dầu mỏ toàn cầu và hậu quả cuối cùng sẽ do người tiêu dùng toàn cầu gánh chịu.

    Hoa Vũ (Theo Tân Hoa Xã)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lenh-ap-gia-tran-moi-cua-eu-voi-dau-nga-co-tac-dong-nhu-nao-a565136.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan