+Aa-
    Zalo

    Lưu ý tối quan trọng nếu muốn tiền trong sổ tiết kiệm không bị "bốc hơi"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các chuyên gia cho rằng nhiều vụ mất tiền xảy ra thời gian qua có lý do là người gửi vì quá tin tưởng nhân viên ngân hàng nên không giao dịch gửi tiền đúng quy định...

    Các chuyên gia cho rằng nhiều vụ mất tiền xảy ra thời gian qua có lý do là người gửi vì quá tin tưởng nhân viên ngân hàng nên không giao dịch gửi tiền đúng quy định, hoặc không thường xuyên kiểm tra số dư.

    Gần đây, có khá nhiều trường hợp sổ tiết kiệm của khách hàng bị làm giả hoặc bị "rút ruột", khiến bị mất hàng trăm tỷ đồng. Để có thêm tư vấn hữu ích cho khách hàng, chuyên gia chỉ cách để tránh mối phiền lụy đó.

    Nên chọn ngân hàng uy tín

    Để gửi tiết kiệm, trước tiên bạn nên chọn ngân hàng uy tín, có bề dày lịch sử và độ an toàn cao. Các ngân hàng đều công bố báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm này trên website và trên các phương tiện truyền thông.

    Lưu ý về mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, thời gian hoạt động trong và ngoài giờ hành chính của ngân hàng để dễ dàng thực hiện các giao dịch khi cần.

    Thực hiện giao dịch tại quầy

    Điểm chung của các khách hàng bị mất tiền khi gửi tiết kiệm đều do nhờ một người khác gửi hộ với lời hứa "lãi suất cao hơn", nhưng lại không có ủy quyền của người đứng tên sổ.

    Ngoài ra, đối với một số khách hàng VIP, khách hàng thân thiết, nhân viên ngân hàng thường ưu ái đến tận nhà, nơi làm việc để giao nhận tiền và làm sổ tiết kiệm mà không phải đến quầy theo quy định. Do đó, có thể phát sinh rủi ro khi nhân viên giao sổ tiết kiệm giả mạo, hoặc không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống...

    Kiểm tra kỹ thông tin khi nhận sổ

    Gửi tiết kiệm ngân hàng được đa số người dân tin tưởng là an toàn. Tuy nhiên nếu không nắm rõ những sai lầm cơ bản trong giao dịch, tiền trong tài khoản có thể "bốc hơi". Ảnh minh họa

    Khi nhận sổ tiết kiệm, người gửi cũng cần kiểm tra họ tên, số tiền ghi trên sổ, thời hạn gửi, lãi suất, con dấu của ngân hàng, cũng như các chữ ký liên quan, thường gồm chữ ký nháy của giao dịch viên, kiểm soát viên và chữ ký của giám đốc ngân hàng.

    Lúc này cũng nên sử dụng dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking để kiểm tra cũng như kịp thời theo dõi việc tăng giảm các khoản tiền gửi tiết kiệm.

    Làm như thế, sẽ hạn chế được các "lỗi" có sổ thật mà không rút được tiền như trường hợp xảy ra mới đây tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng.

    Nên sử dụng Internet Banking/ Mobile Banking

    Theo nguyên tắc, khi bạn nhận được thông báo số tiền gửi qua một trong hai dịch vụ trên có nghĩa là tiền đã vào hệ thống ngân hàng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền trong trường hợp nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền của bạn.

    Không nên ký khống chứng từ

    Không ít khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ giao dịch trắng (chưa có nội dung) vì tin tưởng và để thuận tiện, đỡ mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền mặt hoặc dịp do đi công tác vào ngày đáo hạn sổ tiết kiệm.

    Tuy nhiên, đã không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra với các mẫu giấy tờ giao dịch ký khống như vậy.

    Lợi dụng lòng tin của khách hàng, nhân viên ngân hàng có thể điền thông tin vào đó nhằm chiếm đoạt, "rút ruột" tiền gửi của khách hàng theo nhiều cách khác nhau.

    Không nên thường xuyên thay đổi chữ ký

    Bởi việc duy trì chữ ký xuyên suốt quá trình giao dịch rất quan trọng, đây chính là mã bảo mật xác minh việc gửi và rút tiền của khách hàng. Nếu khách hàng mở sổ tiết kiệm ký một đằng, khi tất toán lại ký nột nẻo sẽ rất khó khăn và mất thời gian cho việc đối chiếu.

    Do vậy, việc duy trì một chữ ký là điều cần thiết nhằm giúp bạn thuận tiện và nhanh chóng trong quá trình giao dịch với ngân hàng.

    Nên kiểm tra số dư định kỳ

    Hiện nay, khách hàng có thể thực hiện kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng một cách đơn giản qua Internet Banking hoặc Mobile Banking hay đến trực tiếp phòng giao dịch của ngân hàng.

    Việc làm này nhằm giúp khách hàng có thể nhanh chóng phát hiện những biến động số dư bất thường. Nếu bị mất tiền, khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng và cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết.

    Không nên cho nợ sổ hoặc nhờ giữ giúp sổ tiết kiệm

    Vì bạn đã giao dịch lâu năm với nhân viên ngân hàng nên thân thiết và chủ quan cho "nợ sổ", hoặc nhờ nhân viên ngân hàng giữ sổ giúp ? Bạn lưu ý không làm như vậy, vì trước khi vi phạm lời hứa ai cũng là những người giữ chữ tín.

    Thực tế, nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng bị đuổi hoặc bỏ trốn và chiếm đoạt toàn bộ số tiền tiết kiệm của khách hàng thân quen.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luu-y-toi-quan-trong-neu-muon-tien-trong-so-tiet-kiem-khong-bi-boc-hoi-a220483.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan