+Aa-
    Zalo

    Ma trận tín dụng "đen" thời công nghệ số, tiềm ẩn nhiều rủi ro

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hàng loạt ứng dụng cho vay trực tuyến lãi suất thấp ra mắt rầm rộ khiến nhiều người dễ mờ mắt rơi vào bẫy tín dụng "đen".

    Hàng loạt ứng dụng cho vay trực tuyến lãi suất thấp ra mắt rầm rộ khiến nhiều người dễ mờ mắt rơi vào bẫy tín dụng "đen".

    Lãi suất thấp, giải ngân ngay?

    Theo quảng cáo, Olava là ứng dụng (app) di động hỗ trợ cho vay trực tuyến với lãi suất thấp, giải ngân ngay sau 30 phút. thực hiện theo hướng dẫn, khách hàng phải điền đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng, hình ảnh cmnd và 1 tấm ảnh cá nhân. Sau khi khách hàng thực hiện xong thao tác, nhân viên của công ty sẽ gọi điện xác nhận và đúng như cam kết chỉ 30 phút tiền đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng đăng ký.

    Tuy nhiên, nếu xem rõ số tiền giải ngân và số tiền thực vay thì khách hàng "té ngửa" khi tính đến mức lãi suất được áp dụng, lên tới 40%/tháng. Cụ thể, khách hàng vay số tiền 3 triệu đồng trong vòng 15 ngày, khách sẽ được chuyển vào tài khoản 2,4 triệu đồng (cắt lãi ngay ban đầu), khi đến hạn, khách phải trả số tiền 3 triệu đồng.

    Trao đổi với PV Báo ĐS&PL, bà Thủy Tiên - Giám đốc Công ty Xương Thịnh cho biết, công ty đã đăng ký app và giấy phép cho vay tín chấp tại ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM và thực hiện đúng quy định là 20%/tháng. Tuy nhiên phía công ty chỉ áp dụng cho vay 15 ngày/1 lần nên áp dụng mức lãi suất này.

    Tín dụng đen được đăng quảng cáo với mật độ dày đặc. Ảnh minh họa

    App điện tử Alo đồng thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Tư vấn tài chính LGC (quận 1, TP.HCM) cũng quảng cáo cho vay với thời gian nhanh nhất và lãi suất thấp nhất nhưng khi thực hiện thủ tục vay xong khách hàng mới bất ngờ với lãi suất lên đến 1%/ngày - tức 30%/tháng và phí thẩm định hồ sơ là 15%/lần. Cụ thể, khi thực hiện vay 1 triệu đồng/7 ngày, khách hàng chỉ nhận được 850.000 đồng và khi trả là 1 triệu đồng. Trên app điện tử cũng ghi rõ lãi suất 1%/ngày và 15% phí lãi dịch vụ/lần vay.

    Hiện tại trên thị trường app điện tử cho vay tín chấp đang rất sôi động với hơn 30 loại như: evay, sha, doctor đồng, vđồng, myđồng, iđồng, sdong... lãi suất của các đơn vị này không chênh lệch nhiều.

    Trao đổi với PV, luật sư Hồ Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, theo quy định của NHNN, cụ thể là Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thì lãi suất sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được phép vượt quá trần lãi suất tín dụng được Thống đốc NHNN ký ban hành quy định theo thời kỳ. Theo đó, lãi suất tín dụng của NHNN công bố quý I/2018 dao động từ 9-11% đối với vay ngắn hạn. Như vậy, hầu như các đơn vị cho vay tín chấp kể trên đều vượt gấp từ 3 đến 4 lần quy định cho phép. Tháng 7/2018, NHNN đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị tín dụng phải tuân thủ các quy định về lãi suất tín dụng, thực hiện nghiêm quyết định số 1425/QĐ- NHNN- 7/7/2017 áp dụng mức lãi suất ngắn hạn là 7,5%/năm. Như vậy, hầu như tất cả các đơn vị cho vay tín chấp trên app điện tử kể trên đều thực hiện cho vay trái với quy định pháp luật.

    Mập mờ giữa lãi suất và phí, người vay lãnh đủ

    Anh Nguyễn Thành T. (ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, anh thực hiện vay tín dụng trên app điện tử evay của công ty cp Easy Fintech Viet Nam (quận 1, TP.HCM) với gói vay 1,5 triệu đồng/7 ngày. Anh T. được nhân viên tư vấn đây là gói vay 0% nên anh thực hiện vay. Tuy nhiên, khi nhận tiền, anh mới phát hiện phí lên đến 14%/tổng số tiền vay và được trừ trực tiếp khi giải ngân, tức là 210.000 đồng.

    Chị Trần Thị Tuyết (ngụ TP.HCM) cũng thực hiện vay trên app di động Alova của công ty dịch vụ cầm đồ Xương Thịnh với số tiền 3 triệu đồng/15 ngày. Khi được nhân viên tư vấn gói vay này có lãi suất 20%/năm (tức 1,66%/tháng), chị yên tâm vay. Thế nhưng khi giải ngân và bị trừ trực tiếp 600.000 đồng, chị mới phát hiện dịch vụ có phí hơn 550.000 đồng.

    Tín dụng đen - dễ vay mà khó thoát. Ảnh: CafeF

    Ông Hồ Minh Tồn, đại diện pháp lý công ty cổ phần Easy Fintech Viet Nam cho biết, App vay đang áp dụng lãi suất 0%, phần phí thu trên mỗi lần vay đã được thông báo đến khách hàng và chỉ giải ngân khi khách hàng đồng ý.

     “Hiện tại, NHNN không áp dụng lãi suất trần cho công ty tín dụng cho vay trên app điện tử. evay cũng cho khách hàng vay với lãi suất 0% là hoàn toàn hợp lý”, ông tồn nói thêm.

    Lý giải về phần phí chiếm đến 14% tổng giá trị vay, ông tồn cho rằng, đây là phí cạnh tranh giữa các công ty, chưa có văn bản nào quy định về phần phí này. App evay chỉ áp dụng hình thức phạt 150% khi khách hàng thanh toán chậm.

    Bà trần Thị Thủy Tiên - Giám đốc Công ty dịch vụ cầm đồ Xương Thịnh khẳng định, phía app Alova đang áp dụng lãi suất 20%/ năm là đúng với quy định của pháp luật. Số tiền còn lại là phí thỏa thuận với khách hàng. Khi được hỏi, với khoản vay 3 triệu/15 ngày nhưng công ty xương thịnh lại thu phí dịch vụ lên đến 594.000 đồng là đúng với quy định pháp luật hay không, bà Thủy Tiên không trả lời.

    Luật sư Hồ Diệp, cho hay, theo thông tư 05/2011/TT-NHNN quy định về thu phí cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ngay tại điều 1 đã nêu rõ: “Tổ chức tín dụng không được thu các loại phí liên quan đến khoản cho vay đối với khách hàng”. Như vậy, các công ty đang thực hiện cho vay trên ví điện tử như Alova, evay đang mập mờ giữa lãi suất và phí thu đối với khách hàng trên mỗi lần vay. Điều này khiến cho khách hàng dễ nhầm lẫn khi được tư vấn và chỉ nhận ra khoản phí quá cao lúc được giải ngân, khiến thiệt đơn, thiệt kép.

    Lê Thạch/Người Đưa Tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ma-tran-tin-dung-den-thoi-cong-nghe-so-tiem-an-nhieu-rui-ro-a245766.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan