+Aa-
    Zalo

    Mánh khóe biến đồng hồ fake thành hàng hiệu trong tích tắc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Con số khiến không ít người tiêu dùng giật mình đó là 80% - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả.

    Con số khiến không ít người tiêu dùng giật mình đó là 80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả. Một chiếc đồng hồ giả có giá vài triệu đồng sẽ được 'biến' thành đồng hồ chính hãng với giá lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.

    Một thực tế không thể phủ nhận đó là 80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả, ngay cả những đại lý phân phối hàng chính hãng cũng thừa nhận, chất lượng đồng hồ hiện nay trên thị trường chủ yếu phụ thuộc vào “tâm” của người bán. Nhiều chiếc đồng hồ fake đã đạt trình độ nhái hoàn hảo đến 90% so với hàng thật.

    Hàng loạt cửa hàng, công ty mang tên phân phối đồng hồ chính hãng cũng đua nhau nở rộ với những cái tên như: Watchtime; Đăng Quang, Tân Thế Kỷ, Xwach; JP Watch; Galle Watch… Điểm chung của những đại lý, chuỗi cửa hàng này là cam kết sản phẩm do cửa hàng bán ra đều là hàng chính hãng 100%, là đại lí phân phối độc quyền, ủy quyền của các hãng đồng hồ nổi tiếng thế giới của các quốc gia như Thụy Sĩ, Nhật Bản…, với đủ thương hiệu từ bình dân đến cao cấp như Casio, Orient, Seiko, Citizen, Ogival, Olympia, Mido, Citizen, Longines, Rado, Frederique Constant, Perrelet, Century, Chronoswiss, Zenith, Breitling, Tissot, Epos Swiss, Atlantic Swiss, Bruno Sohnle Glashutte...

    Đồng hồ giả được bày bán tràn lan, công khai.

    Một số chuỗi cửa hàng đồng hồ lớn, có uy tín đã có thêm các dịch vụ về thẩm định đồng hồ, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được sản phẩm của mình có phải hàng chính hãng hay không, cũng như tạo niềm tin trong mua bán. Tuy nhiên, khách hàng tên Dũng đã vô cùng bức xúc khi mua phải một chiếc đồng hồ nhãn hiệu Maurice Lacroix fake mặc dù đã qua thẩm định tại 2 cửa hàng đồng hồ uy tín.

    Theo chia sẻ của anh Dũng, khi phát hiện chiếc đồng hồ có nhiều điểm đáng ngờ, anh này đã mang đi kiểm tra tại hệ thống cửa hàng Xwacth. Nhân viên kỹ thuật ở đây khẳng định: Chiếc đồng hồ là hàng thật, bản limited (giới hạn), không đụng hàng với các bản khác. Đồng thời, còn cung cấp “Giấy chứng nhận” số hiệu: 5535 ngày 21/6 khẳng định chiếc đồng hồ là chính hãng.

    Anh Dũng cho biết thêm, sau đó 2 ngày, ngày 23/6, hệ thống đồng hồ Xwatch đã gọi điện cho anh để thẩm định lại chiếc đồng hồ và thừa nhận có sai sót trong thẩm định chiếc đồng hồ Maurice Lacroix. Đồng thời, xin đền bù toàn bộ thiệt hại phát sinh.

    Mới đây, chuyên trang thẩm định đồng hồ thật giả của một thương hiệu phân phối đồng hồ chính hãng uy tín đã công bố những số liệu gây kinh ngạc: 20.000 chiếc đồng hồ được thẩm định thì có đến 8.600 chiếc được phát hiện là giả. Khẳng định thêm về vấn đề tương tự, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống hàng giả hàng nhái, phản ánh thực trạng tại thị trường Việt Nam có “80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả”.

    Vậy đâu là câu trả lời khi đã qua thẩm định mà đồng hồ Fake vẫn biến thành thật. Có bao nhiêu giấy chứng nhận đã “phù phép” đồng hồ giả?

    Một giấy chứng nhận của Xwatch giá 300 ngàn đồng, trên đó có tên hàng loạt đơn vị đồng hành uy tín.

    Anh Lê Đức Minh (quận Ba Đình) bức xúc, thực tế một số cơ sở tự in một cái giấy chứng nhận thật giả rồi đóng dấu thu tiền dễ dàng coi thường người tiêu dùng. Đơn cử như Xwatch mỗi lần kiểm định thu 300 ngàn đồng, mỗi ngày hàng trăm máy thẩm định chỉ việc in giấy, mở nắp ra rồi lắp vào thu 300 ngàn, làm gì có kinh doanh nào lãi cao như vậy?! “Bên cạnh đó, các kỹ thuật viên của Xwatch liệu có được đào tạo bài bản, kinh nghiệm để thẩm định đồng hồ?”, anh Minh đặt câu hỏi.

    Chia sẻ tại một diễn đàn lớn chuyên đồng hồ chính hãng, anh Nguyễn Đức Lợi cho rằng: Xwatch cần có một cơ sở để người tiêu dùng chấp nhận tất cả những kết luận dựa trên “Giấy chứng nhận” mà doanh nghiệp cung cấp. Liệu Xwatch có đủ năng lực chuyên môn cũng như tính hợp pháp của “Giấy chứng nhận” nói trên?!

    Trả lời về những bức xúc này, ông Nguyễn Văn Sơn, đại diện Cty CP Xwatch quốc tế thừa nhận, có sai sót trong quá trình thẩm định. Theo ông Sơn, việc thẩm định đồng hồ xuất phát từ nhu cầu được mua hàng thật của người tiêu dùng trong thị trường đa số là đồng hồ giả, nhái (chiếm tới 90%).

    Được biết, việc bán đồng hồ giả đem lại “siêu lợi nhuận” có thể lên tới một vốn 40 lời, nên người kinh doanh hàng giả vẫn bất chấp bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 5-50 triệu đồng mỗi lần kiểm tra.

                                                                                                      Hạnh Vũ/VietQ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/manh-khoe-bien-dong-ho-fake-thanh-hang-hieu-trong-tich-tac-a234981.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan