+Aa-
    Zalo

    Mẹ già bất lực nhìn con quanh năm "không mảnh vải che thân"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 16 năm bị xích ở góc nhà, cũng là 16 năm anh Kiên không mặc bất cứ một thứ gì trên người, hễ bà Lợi đưa vào là anh xé hết.

    16 năm bị xích ở góc nhà, cũng là 16 năm anh Kiên không mặc bất cứ một thứ gì trên người, hễ bà Lợi đưa vào là anh xé hết. Chứng kiến con như thế, người mẹ già chỉ biết đau đớn nuốt nước mắt vào trong. Với bà, còn nỗi đau nào hơn vậy...

    Đau đớn vì 3 con trai đều mắc bệnh tâm thần

    Căn nhà tuềnh toàng của mẹ con bà Mai Thị Lợi (62 tuổi), nằm ở thôn 2 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ngày chúng tôi đến thăm, anh Mai Văn Kiên (SN 1984), con trai đầu của bà Lợi trên người không một mảnh vải che thân, đang bị xích ở góc nhà vừa kéo dây xích vừa cười ngây ngô, liên tục vẫy tay ra ý mời khách vào chơi với anh.

    Đối diện với chúng tôi là người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ cùng mái đầu đã bạc trắng. Cứ mỗi lần có ai đó hỏi chuyện, bà Lợi lại tủi thân, nước mắt lưng tròng. Bà bảo, đời bà khổ nhất là không biết vì sao các con trai cứ lần lượt bị bệnh tâm thần, không phá phách thì cũng lầm lì, cáu gắt, nói không nghe lời.

    “Trên đời này, có lẽ không có gì khổ hơn khi người mẹ phải lần lượt chứng kiến các con của mình lần lượt mắc chứng bệnh tâm thần. Và khổ hơn nữa là phải tự tay xích các con lại, đứa lâu nhất đến nay cũng đã 16 năm ròng rã; mỗi lần như vậy, trong lòng tôi đau như dao cắt”, bà Lợi nói trong nước mắt.

    Mỗi lần cho anh Kiên ăn cơm, bà Lợi phải đứng từ xa đưa vào.

    Có lẽ vì hoàn cảnh bi đát, ở thôn 2 Thanh Lạng, hỏi mẹ con bà Lợi, không ai là không biết. “Khổ lắm cô ơi, chồng bà ấy mất từ lâu, một mình nuôi 5 người con, nhưng không hiểu sao cuộc đời lại quá cay nghiệt với bà ấy khi 3 đứa con trai đều mắc chứng bệnh tâm thần. Ở địa phương, ai cũng thương xót cho hoàn cảnh mẹ con bà Lợi, nhưng vì khả năng có hạn, nên chỉ có thể chạy qua chạy về động viên tinh thần là chủ yếu, còn kinh tế, vẫn do bà Lợi tự xoay xở”, một người hàng xóm của bà Lợi cho biết.

    Theo bà Lợi, sau khi ông nhà đi bộ đội về, vợ chồng bà cưới nhau rồi lần lượt sinh được 5 người con gồm 2 gái và 3 trai. Hoàn cảnh lúc đó cũng khó khăn trăm bề, nhưng gia đình bà Lợi vẫn luôn đầy ắp tiếng cười khi các con có đủ đầy cha mẹ. Nhưng họa vô đơn chí, năm 1989 chồng bà Lợi lâm bệnh rồi qua đời, để lại cho bà 5 đứa con thơ dại.

    “Các con gái của tôi lớn lên đều bình thường và đã có gia đình riêng, còn 3 đứa con trai gồm: Mai Văn Kiên (SN 1984), Mai Văn Cường (SN 1986) và Mai Văn Hùng (SN 1988) hiện đang ở với tôi, trong đó có 2 đứa bị bệnh tâm thần và đứa còn lại cũng không được khôn ngoan”, bà Lợi buồn bã chia sẻ.

    Trong 3 người con trai của bà Lợi, anh Kiên bị bệnh nặng nhất, vì lúc nhỏ trí tuệ phát triển không bình thường nên chỉ học đến lớp 2 thì nghỉ. Càng lớn, bệnh tình anh Kiên càng trở nên nặng hơn, anh thường xuyên lên cơn phá phách, đập phá đồ đạc. Thi thoảng, anh bỏ nhà đi lang thang khắp nơi, gặp ai cũng xông vào đánh nên năm 2003, bà Lợi đành cắn răng mua xích về xích anh Kiên ở trong nhà.

    “Giờ có xích to rồi thì không sao, chứ ngày xưa cái dây xích nhỏ lắm, mỗi lần lên cơn, nó lại bứt đứt rồi chạy thục mạng ra ngoài, hàng xóm phải hò nhau đi tìm, bắt nó về chứ nếu không nó lại gây ra họa khôn lường”, bà Lợi nói.

    Xót xa gánh chịu những trận đòn từ con

    Trong căn nhà nghèo xơ xác không có vật dụng gì đáng giá, bà Lợi dành một khoảng góc nhà nhỏ, quây ít tấm ván được làm từ mấy miếng gỗ sơ sài thành nơi nhốt con. 16 năm bị xích ở góc nhà, cũng là 16 năm anh Kiên không mặc bất cứ một thứ gì trên người, hễ bà Lợi đưa vào là anh xé hết. Mùa hè còn đỡ, mùa đông lạnh căm, nhìn thấy con trai ngồi co mình trong góc nhưng đưa chăn màn gì vào anh cũng điên cuồng ngồi xé khiến bà đau như cắt từng khúc ruột.

    Vì không ý thức được bản thân, nên anh Kiên cũng đi vệ sinh luôn tại chỗ, trước đây bà Lợi phải múc nước để dội, nay nhà có bơm nên mỗi ngày bà đều cầm vòi xịt để vệ sinh phòng, những lần như thế anh lại múa may hò hét điên dại.

    Đến bữa cơm, thích thì anh Kiên ăn, không thích là ném văng tô cơm tung tóe khắp nhà; tô cơm vì vậy mà móp méo không còn ra hình thù gì. “Thấy con quá hung dữ, tôi không dám tới gần đưa cơm cho con nữa mà chỉ dám đứng từ xa đưa vào. Thậm chí có lần, tôi không để ý, bị con túm được tóc, nó giật cho đứt cả nắm. Còn chuyện nó giật tay tôi và đánh thâm tím mình mẩy thì xảy ra như cơm bữa”, bà Lợi cho biết.

    Nỗi đau trời xanh có thấu?

    Chưa hết khổ với người con trai đầu, bà Lợi lại đau đớn bội phần khi chứng kiến anh Hùng (con trai thứ 3) phát bệnh khi tròn 4 tuổi. “Tôi như chết đứng khi phát hiện thằng Hùng cũng mắc bệnh như anh nó. Nó ăn nói luyên thuyên suốt ngày, đi lang thang khắp làng trên xóm dưới, nên năm 2016, tôi đành phải xích chân nó lại suốt 9 tháng trời”.

    Sau đó một thời gian, bà Lợi dành dụm được ít tiền, đưa Hùng đi khám và cho uống thuốc đều đặn, tình trạng bệnh đỡ hơn nên bà tháo xích ra. Hiện, anh Hùng vẫn duy trì việc uống thuốc mỗi ngày, cứ uống vào lại ngủ li bì nên đỡ phá phách, hò hét hơn anh Kiên.

    Còn anh Cường (người con trai thứ 2), tình trạng đỡ hơn Kiên và Hùng, nhưng tính tình cũng không được bình thường, khôn ngoan. Thi thoảng, anh Cường có giúp được bà việc đồng áng nhưng thích thì làm, không thích thì thôi và chỉ cần bà nói nặng lời là phật ý, bỏ đi.

    Trước đây bà Lợi còn đi bẻ măng về bán, nhưng giờ tuổi cao, lại bị anh Kiên đánh nhiều lần nên không đi được nữa. 4 mẹ con bà Lợi có 1 sào đất ruộng và 2 sào đất hoa màu, dù tuổi đã cao nhưng ngày hai buổi, bà cứ quần quật làm việc giữa đồng để có gạo ăn cho con. Đêm về, bà lại mất ngủ vì anh Kiên nói lảm nhảm khiến bà muốn kiệt sức.

    “Cuộc sống có lúc rơi vào khốn khổ cùng cực, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng nhìn thấy 3 đứa con có lớn mà không có khôn, suốt ngày điên dại khóc cười ngây ngô, tôi lại không đành lòng. Nhiều lúc tôi nghĩ không hiểu sao ông trời lại bất công với mẹ con tôi như vậy. Đã không biết bao nhiêu lần, tôi mơ thấy 3 đứa con của mình lớn lên khỏe mạnh, thông minh như bao người... nhưng có lẽ, đó chỉ là mơ thôi”, bà Lợi nói trong tiếng nấc.

    NGÔ THỊ HUYỀN
    Bài đăng trên ấn phẩm báo Đời Sống & Pháp Luật số 150 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-gia-bat-luc-nhin-con-quanh-nam-khong-manh-vai-che-than-a293796.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan