+Aa-
    Zalo

    Một quốc gia từng đổi tên để mở cánh cửa gia nhập NATO

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm 2019, một quốc gia ở Đông Nam Âu đã đồng ý thay đổi tên của đất nước để đạt được sự chấp thuận của Hy Lạp và gia nhập NATO.

    Đối với một liên minh như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), việc kết nạp một thành viên mới đòi hỏi phải có được sự chấp thuận của toàn bộ các nước thành viên. Do đó, những tranh chấp và vấn đề xoay quanh việc cấp tư cách thành viên cho một quốc gia ứng viên đã từng xảy ra trong lịch sử liên minh. Gần đây nhất, quốc gia thành viên mới nhất của NATO là Bắc Macedonia đã phải đồng ý đổi tên đất nước, theo yêu cầu của một nước thành viên khác là Hy Lạp, để có thể gia nhập khối vào năm 2019.

    Trước đó, Bắc Macedonia từng có tên là Macedonia, nước láng giềng phía Bắc của Hy Lạp. Quốc gia thành viên NATO đã dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn Bắc Macedonia gia nhập khối vì Athens coi tên cũ của đất nước này là một sự xúc phạm lịch sử.

    Một loạt các sự kiện gây xúc động mạnh, bao gồm cuộc trưng cầu dân ý ở Macedonia và nhiều tháng biểu tình ở Hy Lạp, đã để lại nhiều câu hỏi, vì sao cái tên lại là một vấn đề nhạy cảm như vậy? Và tại sao tư cách thành viên NATO lại hấp dẫn đến mức một quốc gia phải thay đổi bản sắc của mình, ít nhất là về mặt chính thức, để gia nhập?

    Bắc Macedonia được gì?

    Đối với hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở Đông Âu, việc gia nhập NATO là cánh cửa đưa họ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia phát triển phương Tây.

    Ông Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại từng nhận xét: "Việc gia nhập NATO là điều tốt cho các quốc gia như Bắc Macedonia. Họ nhận được một đảm bảo an ninh giúp họ ổn định lâu dài và việc này cũng sẽ tác động đến cách các quốc gia khác nhìn họ". 

    Tư cách thành viên trong liên minh quân sự thường đi đôi với việc gia nhập liên minh kinh tế và chính trị của Liên minh châu Âu (EU). Theo một quá trình được gọi là hội nhập Châu Âu - Đại Tây Dương, các quốc gia đã thực hiện những thay đổi sâu rộng trước khi gia nhập cả hai tổ chức.

    screen shot 2022 05 20 at 212605
    Macedonia đã đổi tên thành Bắc Macedonia để giải quyết căng thẳng với Hy Lạp và mở cánh cửa vào NATO năm 2019. Ảnh: New York Times 

    Vào ănm 2019, Tổng thống Bắc Macedonia Stevo Pendarovski, khi ấy còn là người điều phối các nỗ lực gia nhập NATO của quốc gia này, nhấn mạnh: "Đây thực sự là một thời khắc trọng đại. Chúng tôi đã chờ đợi trong 20 năm, Bắc Macedonia đã là ứng viên NATO từ năm 1999".

    Cựu Ngoại trưởng Bắc Macedonia Nikola Dimitrov cũng từng khẳng định tư cách thành NATO đã đem lại cho nước ngày sự ổn định trong một khu vực vẫn còn nhiều bất ổn. Ông nhận xét: "Bắc Macedonia sẽ trở thành tiền lệ cho phần còn lại của Balkan về cách giải quyết vấn đề".

    Vì sao Bắc Macedonia phải đổi tên?

    Tranh chấp về tên gọi giữa Bắc Macedonia và Hy Lạp bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh Balkan đầu tiên của những năm 1910. Nhưng các vấn đề này không còn được nhắc đến trong phần lớn thế kỷ 20, khi Macedonia trở thành một phần của liên bang xã hội chủ nghĩa của Nam Tư. Thời điểm ấy, đây là một thực thể của một quốc gia khác, nên Hy Lạp ít phản đối việc sử dụng tên này. 

    Tuy nhiên, vẫn đề nảy sinh sau khi Nam Tư tan rã và Macedonia tuyên bố độc lập vào năm 1991, đồng thời nước này có ý định gia nhập các tổ chức quốc tế. 

    Macedonia đã gia nhập Liên hợp quốc năm 1993 với tên gọi tạm thời là Cộng hòa Macedonia Nam Tư cũ, hay Fyrom. Mặc dù cái tên trên làm rõ nguồn gốc của quốc gia nhưng lại không hoàn toàn giải quyết được vấn đề, vì nước này khi đó không tự gọi mình là Fyrom.

    Diễn biến này đã khiến Hy Lạp tức giận, họ cáo buộc Macedonaia chiếm đoạt các biểu tượng và dấu hiệu văn hóa của mình, chẳng hạn như Ngôi sao Vergina - một hình ảnh xuất hiện trên quốc kỳ Macedonia. 

    Năm 2008, NATO có ý định gửi lời mời tới Macedonia nhưng với tư cách và quyền lợi của thành viên Hy Lạp đã ngăn chặn hành động này. Ông Pendarovski từng chia sẻ: "Đó là một thất bại đáng buồn. Các cuộc thăm dò vào thời điểm ấy cho thấy có tới 85% dân số muốn tham gia NATO, một tỷ lệ đồng thuận phi thường".

    Vào tháng 6/2018, Thủ tướng khi ấy của Macedonia Zoran Zaev đã gặp người đồng cấp Hy Lạp Alexis Tsipras trên một vùng lãnh thổ trung lập, bên bờ Prespa, để tìm cách giải quyết vấn đề. Theo thỏa thuận Prespa, được ký kết bởi ngoại trưởng 2 nước, các chi tiết cụ thể của việc đổi tên đã được đặt ra.

    Sau đó, Macedonia đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào tháng 9 cùng năm. Mặc dù đề xuất đổi tên được đa số những người đã bỏ phiếu ủng hộ, nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu lại không đạt mức yêu cầu là 50%. 

    Đến tháng 1/2019, Quốc hội Macedonia đã thông qua quyết định đổi tên. Sau đó, các quan chức Bắc Macedonia đã có mặt tại Brussels (Bỉ) để chứng kiến ​​việc ký kết cái gọi là nghị định thư gia nhập NATO. Nghị định thư đã được ký bởi 29 thành viên và được gửi đến cơ quan lập pháp của các quốc gia để phê duyệt.

    Hy Lạp đã đề nghị trở thành quốc gia đầu tiên tiến hành phê chuẩn việc này. Các quan chức ở Bắc Macedonia khi ấy cho biết họ sẽ coi việc động thái của Hy Lạp là việc nghị định thư chính thức có hiệu lực và quốc gia này bắt đầu sử dụng tên mới là Bắc Macedonia.

    Được biết, thỏa thuận với Hy Lạp quy định rằng Macedonia phải thay đổi các nguyên tắc về thể chế chính phủ và từ bỏ các tài liệu chính thức, mọi văn bản đã từng có dòng chữ "Cộng hòa Macedonia". 

    Minh Hạnh (Theo NY Times)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mot-quoc-gia-tung-doi-ten-de-mo-canh-cua-gia-nhap-nato-a538323.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan