+Aa-
    Zalo

    Mục tiêu cốt lõi của giáo dục là dạy “làm người”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Giáo dục Việt Nam có mục tiêu hướng tới con người lý tưởng, con người của 100 năm nữa, mải mê theo đuổi những giá trị xa vời mà bỏ quên những giá trị nền tảng...

    (ĐSPL) – Giáo dục Việt Nam có mục tiêu hướng tới con người lý tưởng, con người của 100 năm nữa, mải mê theo đuổi những giá trị xa vời mà bỏ quên những giá trị nền tảng, cốt lõi mà con người nào cũng cần phải có.

    Theo tin tức trên báo Dân trí, trước vấn đề xuống cấp của văn hóa đạo đức trong xã hội được đặt ra tại Hội thảo “Hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 10/12.

    Tại buổi hội thảo, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đề cập đến việc hệ giá trị về đạo đức, nhân cách bị bỏ quên trong chương trình giáo dục.

    Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh, để xây dựng được mục tiêu giáo dục, nhất là trong việc cải cách giáo dục, đầu tiên phải trả lời được câu hỏi về hệ giá trị. Tức là phải nhận dạng, xác định được những gì là tốt xấu, đúng sai, những gì quan trọng ở thế hệ trẻ. Có trả lời được câu hỏi này mới có cơ sở xây dựng mục tiêu giáo dục. Từ mục tiêu mới triển khai được nội dung và phương pháp dạy học. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc.

    Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Thanh Niên)

    Tuy nhiên, ông Tiến nhận định, từ trước đến nay khi thiết kế chương trình giáo dục chưa bao giờ trả lời câu hỏi về hệ giá trị. Việt Nam xem mục tiêu là điểm xuất phát, mục tiêu hướng tới con người lý tưởng, con người của 100 năm nữa, mải mê theo đuổi những giá trị xa vời mà bỏ quên những giá trị nền tảng, cốt lõi mà con người nào cũng cần phải có như lòng nhân ái, trung thực, phân định phải trái...

    Trong khi nền giáo dục hướng tới mục tiêu xa vời như vậy thì thực tế xã hội những năm gần đây diễn biến cực kỳ phức tạp, nhất là sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức. Chúng ta phải làm rõ hiện tượng này, trả lời câu hỏi vì sao, tìm hướng khắc phục và xem đó là giải pháp căn cơ để thực hiện đổi mới giáo dục, Tiến sĩ Tiến chia sẻ quan điểm.

    Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam. (Ảnh: Thanh Niên)

    Cùng đưa tin về hội thảo này, báo Thanh Niên dẫn lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam: “Nhiều nghị quyết của Trung ương đã nêu ra quan điểm: giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nhưng rất tiếc, những quan điểm đúng đắn trong các văn kiện chưa được các cấp, các ngành, ngay từ lãnh đạo cấp cao quán triệt và thực hiện tốt”.

    Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, giáo dục Việt Nam tuy đã có những cố gắng nhất định nhưng chất lượng đào tạo còn thấp. Nhiều người cho rằng đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho kinh tế chúng ta phát triển chậm, văn hóa xã hội ta xuống cấp.

    Bà Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo cần nắm vững mục tiêu dạy và học làm người, tức hình thành nhân cách người học. Ngành giáo dục đang xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa mới thì cần có sự quán triệt quan điểm cốt lõi này.

    Cùng phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhận định, nhiệm vụ giáo dục chính trị rất quan trọng và ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay khi tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội có chiều hướng gia tăng và những biểu hiện tiêu cực của thế hệ trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên.

    Điều 2, Luật Giáo dục năm 2005 quy định: “Mục tiêu giáo dục

    Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    (tổng hợp)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muc-tieu-cot-loi-cua-giao-duc-la-day-lam-nguoi-a173625.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan