+Aa-
    Zalo

    Nga lần đầu mất ghế thẩm phán tại Tòa án Công lý quốc tế

    (ĐS&PL) - Đại diện đến từ Nga đã không thành công trong việc tiếp tục một nhiệm kỳ mới tại tại Tòa án Công lý quốc tế khi để thua đại diện Romania trong cuộc bỏ phiếu kín vừa diễn ra.

    Theo thông tin mới nhất từ tờ Pravda, ngày 9/11, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức bỏ phiếu kín, bầu ra 5 thẩm phán mới tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) - cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp Quốc. Các thẩm phán mới sẽ phục vụ nhiệm kỳ 9 năm, bắt đầu từ ngày 6/2/2024.

    Sau khi bỏ phiếu, các ứng viên chiến thắng gồm có một thẩm phán đang phục vụ tại ICJ bầu lại là bà Hilary Charlesworth – đại diện đến từ Australia với 117 phiếu bầu và 4 thẩm phán mới là: ông Juan Manuel Gómez Robledo Verduzco (Mexico, 143 phiếu bầu), bà Sarah Hull Cleveland (Mỹ,135 phiếu bầu), ông Bogdan-Lucian Aurescu (Romania, 117 phiếu bầu) và ông Dire Tladi (Nam Phi, 113 phiếu bầu).

    Trong khi đó, thẩm phán Kirill Gevorgian của Nga - người cũng đang phục vụ tại ICJ chỉ nhận được 77 phiếu bầu và đã không thành công trong tiếp tục một nhiệm kỳ mới tại Tòa án Công lý quốc tế khi để thua đại diện Romania. Nhiệm kỳ hiện tại của ông Kirill Gevorgyan dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2024.

    nga lan dau mat ghe tham phan tai toa an cong ly quoc te
    Thẩm phán Kirill Gevorgian của Nga không được bầu làm thành viên Tòa án Công lý quốc tế. Ảnh: Pravda

    Sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử đại diện của Nga không được bầu vào Tòa án Công lý quốc tế. Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya nhấn mạnh rằng đối với Nga đây là một "thất bại nặng nề".

    Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã gửi lời chúc mừng tới các đại diện của Úc, Mexico, Romania, Nam Phi và Mỹ về chiến thắng nói trên của họ.

    Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) được thành lập vào năm 1945 và có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa các quốc gia và đưa ra ý kiến ​​tư vấn về các vấn đề pháp lý đã được các cơ quan có thẩm quyền khác của Liên Hợp Quốc chuyển đến.

    ICJ bao gồm 15 thẩm phán, với 5 thẩm phán mới được bầu ba năm một lần. Mỗi thẩm phán đại diện cho một nhóm quốc gia nhất định trong khu vực và được bầu dựa trên sự ủng hộ của các thành viên Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

    Việc bầu các thẩm phán hoặc thành viên của ICJ được tổ chức theo Quy chế của Tòa án, Quy tắc của Đại hội đồng và quy tắc tạm thời của Hội đồng Bảo an. Để được bầu, các thành viên phải đạt được đa số tuyệt đối ở cả Đại hội đồng (97 phiếu) và Hội đồng Bảo an (8 phiếu). 

    Nếu trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, số ứng cử viên đạt được đa số tuyệt đối ít hơn 5 thì việc bỏ phiếu sẽ được tiếp tục tại cùng một cuộc họp cho đến khi tìm ra 5 ứng viên đạt được đa số cần thiết. Để đảm bảo sự cân bằng trong thành phần của ICJ, các thẩm phán được lựa chọn dựa trên trình độ chuyên môn chứ không phải quốc tịch nhưng không thể có hai thẩm phán đến từ cùng một quốc gia.

    Phương Uyên(Theo Pravda)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-lan-dau-mat-ghe-tham-phan-tai-toa-an-cong-ly-quoc-te-a598887.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan