+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền trên thị trường mở với kỳ hạn dài

    (ĐS&PL) - Trong ba tuần, Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường mở hơn 115.000 tỷ đồng, với hai loại hợp đồng kỳ hạn 14 ngày và 91 ngày.

    Vietnamnet đưa tin, kể từ ngày 7/12, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng hợp đồng repo giấy tờ có giá, với kỳ hạn 91 ngày, nhằm bơm tiền dài hơi hơn cho các ngân hàng vào thời điểm cuối năm, khi hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra nhộn nhịp.

    Trong ba tuần, kể từ 28/11-16/12, Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) tổng cộng gần 115.398 tỷ đồng, với hai loại hợp đồng kỳ hạn 14 ngày và 91 ngày, lãi suất tương ứng khoảng 6% và 6,5-7%.

    Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có 7 phiên bơm tiền cho các ngân hàng qua các hợp đồng repo với kỳ hạn 91 ngày, trị giá tổng cộng 20.994 tỷ đồng.

    Số tiền này sẽ cho các ngân hàng vay tới cuối tháng 2 đầu tháng 3/2023, qua dịp Tết Nguyên đán.

    ngan hang nha nuoc bom manh tien qua tet dspl
    Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh họa

    Trước đó, trong tháng 8-9-10, Ngân hàng Nhà nước bơm ra qua thị trường mở các khoản với kỳ hạn chỉ 7 ngày. Từ phiên cuối tháng 10 cho tới ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước bơm tiền qua các hợp đồng đều có kỳ hạn 14 ngày.

    Ngân hàng Nhà nước bơm vào hệ thống ngân hàng qua các hợp đồng kỳ hạn dài hơn trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng hạ nhiệt nhanh chóng, được dự báo sẽ không có bất ngờ trong thời gian tới. Đó là nhờ kinh tế Việt Nam phát đi nhiều tín hiệu tích cực và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất. Fed có thể sẽ ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ từ giữa năm 2023.

    Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn rất cao. Khoảng một nửa trong tổng số ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn trên một năm ở mức trên 9%. Một số chi nhánh ngân hàng có lãi suất huy động lên 11-13%/năm.

    Hoạt động bơm tiền được xem là yếu tố hỗ trợ thanh khoản ổn định cho thị trường.

    Cũng trong 3 tuần từ 28/11-16/12, Ngân hàng Nhà nước không hút về bất cứ đồng tiền tiền nào. Số lượng hợp đồng repo trước đó đáo hạn đạt gần 96.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian này. Như vậy, qua kênh OMO, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng hơn 19.398 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.

    cbfdb766 af2b 42bb b778 b2009d6393bd 4288
    Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%.

    Trước đó, ngày 5/12 Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

    Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối năm 2021, nâng tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng 400.000 tỷ đồng (sau khi đã cộng cả hạn mức mới được cấp và hạn mức cũ còn lại).

    Cơ sở để thực hiện nới room tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước đó là tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn.

    Theo báo Tuổi trẻ, chuyên gia tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho biết, những năm trước doanh nghiệp cũng khó về vốn nhưng không cấp bách như năm nay. Do vậy việc nới room tín dụng lúc này đúng nghĩa là "bơm oxy" cho doanh nghiệp.

    "Những doanh nghiệp kinh doanh hàng Tết cần vốn để mua hàng, xoay vòng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần tiền để giải quyết công nợ với đối tác, trả lương, thưởng Tết cho công nhân. Doanh nghiệp giải quyết bớt công nợ lẫn nhau và công nhân có tiền Tết, trang trải, mua sắm cuối năm. Qua đó cũng kích thích tăng trưởng kinh tế", ông Linh nói.

    Theo báo Thanh Niên, việc quản lý dòng tiền, theo dõi hoạt động của các ngân hàng thương mại rất cần thiết. Đối tượng Ngân hàng Nhà nước muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước hướng các ngân hàng thương mại hướng dòng vốn vào lĩnh vực đó.

    Ngoài ra, thời gian vừa qua, Thủ tướng cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống của người dân. Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà.

    Ngân hàng Nhà nước dành room tín dụng, ưu tiên thoả đáng cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân hàng đang giảm lãi suất hiện nay. Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Tất nhiên, cùng với đó là sự cố gắng tích cực của các ngân hàng thương mại bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động của mình để tạo điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-nha-nuoc-bom-manh-tien-tren-thi-truong-mo-voi-ky-han-dai-a560979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan