+Aa-
    Zalo

    Người thầy “đặc biệt”, 5 năm gieo chữ cho trẻ em nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cây bút, quyển vở hay những con chữ là điều mà những trẻ em lang thang, trẻ mồ côi tại khu vực huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chưa bao giờ dám mơ đến. Nhưng nhờ có lớp học thiện nguyện Bát Nhã của đại đức Thích Thiện Đăng, những đứa trẻ nghèo giờ đây đã được học chữ, được thấy hy vọng về một tương lai tươi sáng.

    Dìu dắt, dẫn lỗi cho những mảnh đời nhỏ bé

    Cuộc trò chuyện với vị sư thầy hiền hậu đã lưu lại trong lòng chúng tôi nhiều xúc cảm. Chia sẻ về cơ duyên đưa thầy đến với ý tưởng mở lớp học, Đại đức Thích Thiên Đăng cho hay “Năm 2016, trong một lần đi làm thiện nguyện và thăm trẻ em nghèo, tình cờ tôi thấy được cuộc sống nay đây mai đó, không có điều kiện đến trường, không được học chữ của các em. Lúc ấy, tôi biết rằng, mình nhất định phải làm điều gì đó.

    image2

    Thương những cảnh đời bé thơ lam lũ, cả ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh, đến một con chữ bẻ đôi cũng không biết, thầy bắt đầu chuẩn bị cho việc mở lớp dạy chữ cho đám trẻ. Sử dụng chính nơi nghỉ ngơi của mình làm phòng học – tịnh thất Phước Quang, thầy gửi gắm niềm hi vọng vào lớp học ngay từ cái tên “Bát Nhã”. Theo quan niệm nhà Phật, Bát Nhã nghĩa là trí tuệ.

    Tận dụng tối đa không gian, thầy dành ra được khoảng 450m từ trong tịnh thất để làm phòng học. Thầy cũng tự tay chuẩn bị từng bộ bàn ghế ngay ngắn để các em có không gian học tập thoải mái nhất.

    Từ những ngày đầu chỉ với có 17 em học sinh, đến nay, lớp học tình thương Bát Nhã của Đại đức Thích Thiên Đăng đã có hơn 100 em học sinh, chủ yếu trong độ tuổi từ 5 -15. Từng cây bút viết, từng cuốn tập cho đến quần áo và cả đồ dùng thường ngày của các em đều được thầy tự thân vận động các mạnh thường quân chuẩn bị. Thậm chí, có những em từ khu Vàm Cỏ Đông xa xôi, thầy cũng nhờ được phương tiện di chuyển, đưa đón các em đến lớp an toàn. 

    Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, người thầy mặc áo cà sa đặc biệt, sau khi thu xếp hết công việc ở Chùa sẽ dành ra 2 tiếng để dạy học cho các em nhỏ. Chia sẻ cách dạy đối với lớp học có nhiều độ tuổi và trình độ chênh nhau, thầy kể rằng: "Tôi tự phân nhóm học sinh và dạy theo năng lực, cố gắng không dạy chung chung cho tất cả các độ tuổi. Quan trọng là khả năng hòa nhập và tiếp thu của các bé rất tốt".

    image1

    Không chỉ xóa mù chữ, lớp học của Đại đức Thích Thiên Đăng còn là nơi các em được học kỹ năng sống, học cách bảo vệ bản thân, được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thầy đích thân hướng dẫn các em tham quan, tìm hiểu về các ngôi chùa, kể cho các em về lịch sử, văn hóa dân tộc.

    Sau 5 năm, hầu hết các bé đều ổn về đọc, viết, tính toán cơ bản cùng kỹ năng sống. "Khi thông thạo con chữ, tính toán rồi, em nào lớn lên muốn đi làm thì đi, còn muốn học thì tiếp tục học". 

    Đang cặm cụi suy nghĩ cách giải bài tập toán, Nguyễn Minh Khôi (15 tuổi) cho biết em theo học từ lúc lớp mới mở. "Học ở đây, em thấy vui, dễ hiểu lắm, cái nào không biết là thầy chỉ liền" - Khôi nói. Em là một trong những học sinh có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, ba mất sớm, mẹ và em sống lang bạt khắp nơi để mưu sinh. Em cố gắng biết chữ thông thạo để đủ tuổi sẽ vào xí nghiệp làm công nhân, có công việc ổn định, kiếm tiền nuôi mẹ.

    Với cư dân sinh sống quanh tịnh thất Phước Quang, những tiếng ê a đọc chữ của đám trẻ đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống. Bà Lê Thị Thúy An (38 tuổi) – “hàng xóm” của lớp học Bát Nhã, cũng là một trong những mạnh thường quân ủng hộ cho lớp học thiện nguyện từ ngày đầu cho biết: “Thầy thương chúng nó lắm, nhịn ăn nhịn mặc cũng phải để các em ăn uống đầy đủ và có đồ dùng học tập. Sự nhân hậu và quyết tâm của thầy chính là động lực giúp tôi cũng như nhiều mạnh thường quân khác ủng hộ, cố gắng mở rộng lớp học.”

    Mang tới cho các em những món quà ấm áp, xua đi sự thiếu thốn hơi ấm gia đình

    Thấy được những khó khăn vất vả của các học trò trong lớp học thiện nguyện, từ 2019, bên cạnh hoạt động dạy học, mỗi năm, vào dịp Tết đến xuân về, Đại đức Thích Thiên Đăng lại cố gắng kêu gọi sự ủng hộ, chung tay của xã hội để mang tới cho các em những phần quà ý nghĩa. 

    Mòn quà tuy nhỏ, nhưng là nguồn động viên lớn lao để các em có một cái Tết ấm cúng. Đây cũng dần trở thành hoạt động thường niên tại lớp học thiện nguyện Bát Nhã, thể hiện sự chăm lo cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nơi lớp học tình thương. Qua đó, giúp các em có thêm động lực, vượt qua khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu vươn lên trong học tập để trở thành người có ích cho xã hội.

    image3

    Chia sẻ thêm về những hoạt động lặng thầm suốt 5 năm qua, vị sư thầy hiền hậu chỉ cười bào: “Tôi xem mấy bé như con cháu để yêu thương, chăm lo, chứ không đơn thuần chỉ là người thầy dạy cái chữ rồi bỏ. Khi ta đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc đời, gieo những hạt mầm xanh tích cực, ta sẽ nhận được những giá trị cao đẹp mà không một thước đo tiền bạc nào có thể đong đếm được.”

    Diệu Nhi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-thay-dac-biet-5-nam-gieo-chu-cho-tre-em-ngheo-a500832.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.