+Aa-
    Zalo

    Người Trung Quốc giữa làn sóng dịch: Không sợ dương tính, chỉ sợ không mua được thuốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Do tình hình COVID-19 thay đổi nhanh chóng, nhiều thành phố ở Trung Quốc không kịp phản ứng, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, tích trữ thuốc, sử dụng thuốc bừa bãi,...

    Hơn nửa tháng sau khi giới chức trách Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng chống dịch COVID-19, làn sóng bùng phát dịch từ các thành phố cấp một của nước này đã dần lan đến các thành phố cấp ba, cấp bốn cùng các làng và thị trấn xung quanh.

    Theo tạp chí Caijing của Trung Quốc, do tình hình thay đổi nhanh chóng, nhiều thành phố không kịp phản ứng, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, tích trữ thuốc, sử dụng thuốc bừa bãi.

    nguoi trung quoc giua lan song dich khong so duong tinh chi so khong mua duoc thuoc 01
    Kệ thuốc trống trơn là tình trạng chung của nhiều hiệu thuốc Trung Quốc những ngày giữa tháng 12, thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở nước này. Ảnh: Sohu

    Vương Lập - một thợ cắt tóc ở Chiêu Viễn thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, chia sẻ, 1 tuần trước, mẹ anh sốt 39,5 độ kéo dài 3 ngày liền mà không mua được thuốc hạ sốt ngoài hiệu thuốc nên phải nhập viện. Sau khi đến bệnh viện, bà được tiêm thuốc hạ sốt và được bác sĩ kê đơn thuốc hạ sốt nhưng ngay cả hiệu thuốc bệnh viện cũng không còn.

    Nhiều ngày sau, Vương Lập mới mua được một loại thuốc hạ sốt cổ truyền giành cho trẻ em, còn thuốc cho người lớn thì đều nhận được câu trả lời từ người bán rằng "không biết khi nào hàng sẽ về".

    "Thế này tốt hơn nhiều so với khi mẹ tôi bị ốm tuần trước. Lúc đó thuốc men không có, đặc biệt là thuốc hữu hiệu theo tiêu chuẩn nhà nước công bố. Chúng tôi không sợ dương tính, chỉ sợ không mua được thuốc", Vương Lập chia sẻ.

    Thành phố Lai Châu cách Chiêu Viễn hơn 50km, cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu thuốc men. Vương Diễm, cư dân địa phương cho biết: "Kể từ tháng 12, các hiệu thuốc về cơ bản chỉ có thuốc cảm thông thường và thuốc chống viêm, còn thuốc hạ sốt thì không mua được".

    Cô Vương cho biết, khoảng ngày 8/12, Lai Châu đã không kiểm tra axit nucleic ở những nơi công cộng. “Khi còn xét nghiệm, đường phố chật cứng người, nhưng bây giờ không có người nào bên ngoài và mọi người không dám ra đường”, cô nhớ lại.

    Giang Tiểu Lan, một nhân viên phụ trách nhập thuốc tại một bệnh viện tư nhân ở thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông, cho biết thông thường bệnh viện liên hệ với hơn chục nhà cung cấp thuốc để hỏi mua nhưng gần đây, những nhà cung cấp vốn rất nhiệt tình này đều mất liên lạc.

    "Có nơi nghỉ vì bùng dịch, có nơi nghỉ lễ, có những nơi thì bơ hẳn chúng tôi. Có một nhà cung cấp, tôi đưa danh sách hàng trăm loại thuốc nhưng họ chỉ còn 3 loại", Giang Tiểu Lan chia sẻ.

    "Tất cả đều không kịp trở tay", Từ Huệ, bác sĩ tại một bệnh viện cấp ba ở Ma'anshan, một thành phố công nghiệp nặng nằm cạnh Nam Kinh ở phía đông An Huy, với dân số hơn 2 triệu người.

    Hôm 15/12, sau khi nhận được thông báo rằng bệnh viện không còn cần làm xét nghiệm axit nucleic và được tự do hóa hoàn toàn, Từ Huệ lập tức đến phòng thuốc bệnh viện và phát hiện tất cả các loại thuốc liên quan đến cảm lạnh đều đã hết. Hầu hết các loại thuốc hạ sốt và cảm lạnh thường xuyên được dự trữ trong bệnh viện đã được bán hết trong một thời gian ngắn và một số loại thuốc liên quan còn lại đều đã được gửi đến phòng khám sốt.

    Ngày 23/12, bác sĩ tại một bệnh viện cấp ba ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, chia sẻ với tờ Caijing: "Sau khi tự do hóa, nhiều người đã đi tranh mua thuốc. Lúc đầu, thuốc và kháng nguyên có thể được mua ở hiệu thuốc nhưng chúng nhanh chóng biến mất. Khoa khám sốt của bệnh viện vẫn còn một lượng nhỏ thuốc được kê theo dạng viên, tất cả đều là Naproxen (thuốc chống viêm và giảm đau)".

    Nhiều người nhiễm bệnh ở huyện Bành Trạch, tỉnh Giang Tây, cho biết, dư luận trước đây nói rằng hầu hết họ đều không có triệu chứng, giống như cảm lạnh thông thường, có thể khỏi mà không cần dùng thuốc nên họ không dự trữ thuốc trước. Nhiều người đợi đến khi xung quanh có người nhiễm bệnh, nghe nói phát bệnh rất khó chịu mới ra hiệu thuốc mua thuốc, lúc đó thuốc đã hết.

    Ở nhiều thành phố cấp 3, cấp 4 và các quận lân cận, hầu như ai cũng có người thân, bạn bè bị “ốm”, nhưng người dân rất khó mua thuốc hạ sốt chứ chưa nói đến kháng nguyên. Nhiều người thậm chí không biết mình bị "dương tính" hay chỉ bị cảm và sốt thông thường.

    nguoi trung quoc giua lan song dich khong so duong tinh chi so khong mua duoc thuoc 02
    Người dân xếp hàng bên ngoài một hàng thuốc ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

    Giá thuốc leo thang

    Một người dân ở thành phố Tô Châu, tỉnh An Huy, phản ánh rằng anh ấy không thể mua kháng nguyên với giá 10 NDT (hơn 33.000 đồng).

    Tuy nhiên, Vương Lập cho biết, ở thành phố Chiêu Viễn, các hiệu thuốc không còn kháng nguyên nhưng một số người đã bán lại với giá 280 NDT (khoảng 950.000 đồng) cho 1 hộp 20 thanh, tức 1 thanh khoảng 14 NDT. Trong khi đó, giá niêm yết của 1 thanh kháng nguyên chỉ hơn 3 NDT (khoảng 10.000 đồng).

    Cũng theo tạp chí Caijing, việc triển khai không đồng đều, dự trữ quá nhiều thuốc, hậu cần kém và tác động thắt cổ chai của nguồn cung đối với các công ty dược phẩm đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc thuốc hạ sốt ở các thành phố vừa và nhỏ.

    Chủ hiệu thuốc nói trên ở huyện Bành Trạch cho biết, thuốc hạ sốt đã hết từ lâu, khoảng 2-3 ngày sau giới chức Trung Quốc công bố"10 điều mới" về phòng chống dịch. Cô cho biết kênh đặt thuốc do nhà nước tiếp quản, nhà nước thu mua và phân phối thống nhất nhưng cả hiệu thuốc của cô và các hiệu khác đều không nhận được giấy báo phân phối. "Chúng ta dường như đã bị lãng quên".

    Ngoài các kênh đặt thuốc thông thường, chủ hiệu thuốc trên cho biết cũng có thể tìm được một số kênh mua thuốc giá cao nhưng cô không muốn mua vì ai cũng biết giá thuốc hạ sốt hiện nay rất cao. Nếu nhập vào và bán giá cao thì sẽ bị tố cáo, nhưng nếu bán với giá thông thường thì sẽ lỗ", cô nói.

    Trường hợp tương tự cũng xảy ra ở thành phố Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam. Bố mẹ chồng của Lâm Thần đến viện khám và được chẩn đoán nhiễm COVID-19, nhưng thuốc hạ sốt không có sẵn ở các hiệu thuốc.

    "Một số phòng khám phàn nàn về việc tăng giá ở phía nhà cung cấp và họ cũng chỉ có thể tăng giá, sau đó họ bị tố cáo và chỉ đơn giản là ngừng bán", Lâm Thần chia sẻ.

    Nhậm Đông phụ trách nhập hàng tại một chuỗi hiệu thuốc ở thành phố Cao Mật. Anh cho biết từ đầu tháng 12, các loại thuốc đã không được vận chuyển đến thành phố này. Sau khi nhu cầu tăng đột biến, các nhà cung cấp không kịp sản xuất. Ngoài ra, nhân viên của nhiều công ty dược bị dương tính không thể đi làm, khiến sản lượng cũng bị ảnh hưởng.

    Ngay cả khi nhà cung cấp có thể giao hàng, khâu hậu cần và vận chuyển cũng là một vấn đề, khi những người chuyển phát đều bị nhiễm bệnh.

    Ngoài ra, việc cung cấp nguyên liệu dược phẩm cũng cần có thời gian. Do 4 loại thuốc hạ sốt bị kiểm soát chặt chẽ nên các nhà sản xuất nguyên liệu, chế phẩm đã cắt giảm rất nhiều kế hoạch sản xuất thuốc hạ sốt, giảm đau.

    Đối mặt với nhu cầu bùng nổ đột ngột, họ phải bắt đầu từ mắt xích đầu tiên của quy trình sản xuất. Đầu tiên là chuẩn bị vật liệu, sau đó triển khai công nhân, đồng thời đại tu các thiết bị đã dừng hoạt động,... tất cả đều cần thời gian.

    Sau khi các công ty nguyên liệu hoàn thành tất cả các quy trình sản xuất nêu trên, nguyên liệu có thể được phân phối cho các công ty bào chế thông qua các công ty hậu cần và các công ty này cũng cần hoàn thành quy trình sản xuất tương tự trước khi họ có thể cung cấp thuốc thành phẩm cho bệnh viện, nhà thuốc và các kênh phân phối khác, cuối cùng mới tiếp cận hàng tới các hộ gia đình.

    Ông chủ của một công ty dược ước tính phải mất 30-40 ngày mới hoàn thành các quy trình nói trên.

    Hoa Vũ (Theo Caijing)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-trung-quoc-giua-lan-song-dich-khong-so-duong-tinh-chi-so-khong-mua-duoc-thuoc-a561621.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan