+Aa-
    Zalo

    Nguyên nhân ban đầu vụ lật tàu hỏa, 3 người chết ở Thừa Thiên Huế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nguyên nhân ban đầu trong vụ tai nạn đường sắt ở Thừa Thiên Huế khiến 3 người chết là do lái xe ô tô không chú ý quan sát khi đi qua đường sắt.

    Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nguyên nhân ban đầu trong vụ tai nạn đường sắt ở Thừa Thiên Huế khiến 3 người chết là do lái xe ô tô không chú ý quan sát khi đi qua đường sắt. 

    Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ngày 20/2 tại km 738+245, khu gian Lăng Cô - Cầu Hai (thuộc xã Lộc Tiến, huyện Phù Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

    Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty ĐSVN, vụ tai nạn khiến 3 người chết tại chỗ (1 lái xe, 1 phụ lái xe và 1 nhân viên đường sắt) và 4 người khác bị thương nhẹ.


    Vụ tai nạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

    Ngoài ra, vụ tai nạn làm hư hỏng 1 đầu máy, 1 xe Bưu vụ - phát điện, 4 toa xe khách và làm hư hỏng nặng hơn 100m đường sắt.

    Vụ tai nạn cũng gây ách tắc tuyến hơn 19 giờ (từ 14h40’ ngày 20/2 đến 9h50’ ngày 21/2/2017). Tổng công ty ĐSVN cũng thực hiện việc bãi bỏ 1 đoàn tàu khách (SE20); giải thể 4 đoàn tàu hàng khu đoạn dọc đường và 6 đoàn tàu hàng chuyên tuyến phải nằm chờ tại các ga dọc đường.

    Về nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái xe ô tô không chú ý quan sát khi đi qua đường sắt. Đây là đường ngang được phòng vệ bằng biển báo. Hiện, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

    Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong khu vực phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ đến hiện trường để giải quyết khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

    Chiều ngày 20/2, Tổng công ty ĐSVN đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện chuyển tải 2.500 hành khách về Ga Huế an toàn và chuyển tiếp lên tàu khác ra Hà Nội.

    Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, TGĐ Tổng công ty ĐSVN Vũ Tá Tùng cùng lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục ĐS... đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo tác cứu hộ, khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

    Lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tử vong, bị thương.

    Trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia

    1. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, tổ chức giai quyết các vụ tai nạn giao thông đường sắt; tổ chức thực hiện công tác cứu hộ trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia khi có yêu cầu.

    2. Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia căn cứ theo nguyên nhân, tính chất, mức độ thiệt hại để lập Hội đồng giải quyết tai nạn hoặc giao nhiệm vụ cho cá nhân có thẩm quyền để chủ trì giải quyết tai nạn.

    3. Khi các phương tiện giao thông đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia thì Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng thành lập Hội đồng giải quyết tai nạn, nhưng trong Hội đồng phải có đủ thành phần của hai bên để cùng nhau giải quyết.

    4. Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng quy định cụ thể việc thành lập Hội đồng giải quyết tai nạn hoặc giao cho cá nhân chủ trì giải quyết tai nạn; quy định nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng và các đơn vị thuộc quyền quản lý có liên quan; quy định cụ thể về công tác cứu hộ tai nạn trên các khu vực đường sắt thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp để đảm bảo giải quyết hậu quả tai nạn được nhanh chóng, an toàn mọi mặt.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguyen-nhan-ban-dau-vu-lat-tau-hoa-3-nguoi-chet-o-thua-thien-hue-a181712.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan