+Aa-
    Zalo

    Nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi vào học, phụ huynh nửa mừng nửa lo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngay sau khi có đề án của sở GD-ĐT TP. HCM về Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non từ 6-18 tháng tuổi, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng.

    (ĐSPL) - Ngay sau khi có đề án của sở Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM về Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non từ 6-18 tháng tuổi, nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi này không giấu được tâm trạng vui mừng nhưng cũng nhiều người tỏ ra lo ngại.

    Bởi lẽ, theo đánh giá, hiện nay chất lượng giáo viên mầm non có đủ kinh nghiệm chăm sóc trẻ ở độ tuổi này vẫn còn là một dấu chấm lửng.

    Nửa mừng nửa lo

    Không chỉ người dân ở TP. HCM mà các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước cũng đang hồi hộp theo dõi tiến trình thực hiện của đề án này. Bởi lẽ, nếu thành công, việc nhận trẻ từ 6 tháng tuổi vào học có thể sẽ được nhân rộng ra cả nước. Như vậy, các bậc phụ huynh sẽ được gửi con vào những cơ sở đảm bảo, hạn chế dần tình trạng phải gửi con vào các cơ sở tư không đủ năng lực cũng như chưa được cấp phép. Nhất là trong thời gian vừa qua, hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra ở các trường mầm non, điểm giữ trẻ tự phát ở nhiều nơi đã khiến dư luận đặc biệt nhức nhối như vụ cơ sở trông giữ trẻ Phương Anh ngược đãi, hành hạ trẻ, hay vụ bé 18 tháng tuổi bị cô bảo mẫu đánh chết…

    Nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi vào học, phụ huynh nửa mừng nửa lo
    Một cơ sở giữ trẻ dưới 2 tuổi ở Hà Nội.

    Hiện nay, trên cả nước, đặc biệt ở những thành phố lớn và những nơi tập trung các khu công nghiệp, nhu cầu trông giữ trẻ nhỏ rất lớn. Sau 6 tháng nghỉ đẻ, người phụ nữ lại phải trở lại với công việc của mình. Con cái sẽ giao cho ai là một vấn đề không phải gia đình nào cũng giải quyết được.

    Gia đình anh Trung ở Mễ Trì, Hà Nội là một ví dụ. Hai vợ chồng đều quê Hà Tĩnh ra Hà Nội lập nghiệp, vì thế khi vợ anh sinh con, bà ngoại chỉ trông cháu được 4-5 tháng, sau đó bà lại phải về quê chăm sóc cháu nội. Đến bây giờ, tuy cháu bé đã được gần 1 tuổi nhưng vợ anh vẫn phải nghỉ việc ở nhà trông con, gánh nặng kiếm tiền dồn hết lên vai anh. Bạn bè khuyên anh nên đưa con đi gửi trẻ tư, anh tỏ vẻ không tin tưởng: "Cháu nó còn nhỏ quá, đi nhà trẻ, không chịu ăn cô giáo đánh cho, mình làm sao kiểm soát được.

    Tuy nhiên, trường hợp nhà anh Trung vẫn còn khả dĩ vì bản thân anh là công chức, có việc làm ổn định. Với nhiều gia đình khác, không có ông bà lên chăm, vợ chồng có nguồn thu nhập thấp, không ổn định, đành ngậm ngùi gửi con vào cơ sở giữ trẻ tư mà lòng đầy bất an.

    Vì lẽ đó, các cơ sở chăm sóc trẻ tự phát ngày càng nhiều, có những khu nhà đột nhiên thành nơi giữ trẻ. Hầu hết các cháu đều rất nhỏ, thậm chí có cháu mới 4-5 tháng tuổi.

    Bà Nguyễn Thị S., một bảo mẫu nhận chăm sóc trẻ nhỏ cho các cặp vợ chồng lao động tự do ở Hà Nội cho biết: "Điều khó khăn nhất là ở độ tuổi này các cháu rất dễ ốm, khi một cháu ốm, không cẩn thận thì một cháu có thể lây cho những cháu khác". Bà S. từng là giáo viên mầm non tại một nhà máy sản xuất sành sứ, lúc ấy, các nữ công nhân khi hết thời gian nghỉ đẻ đều có thể gửi con cho nhà trẻ nhà máy, thời gian nghỉ trưa có thể tranh thủ tới cho con bú, hết giờ thì đón con về. Đó là chuyện của trước kia, hiện nay, hầu hết các trường mầm non công lập đều từ chối nhận trẻ dưới 2 tuổi.

    Thậm chí, có trường thà chịu lỗ chứ không chịu nhận trẻ từ 6 tháng tuổi. Bởi lẽ, với các cháu lớn, một lớp có 2 cô thì mỗi cô có thể trông từ 15-20 cháu, nhưng với các cháu nhỏ từ 6 tháng tuổi, có khi một cô giỏi lắm cũng chỉ trông được 5 cháu. Như vậy đòi hỏi số lượng giáo viên nhiều hơn mà kinh phí chẳng thêm, các trường từ chối nhận trẻ cũng là có cái lý riêng của họ.

    Giai đoạn nhạy cảm

    Một cán bộ nghiên cứu giáo dục thuộc viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM cho hay, trên thực tế, chỉ những phụ huynh nào thực sự có nhu cầu, phải đi làm sớm, không có người giữ trẻ thì họ mới buộc chấp nhận gửi con đi nhà trẻ sớm. Nếu còn sự lựa chọn nào khác, trẻ đến 2-3 tuổi phụ huynh mới cho con đến lớp.

    Đề án mới của sở GD-ĐT TP.HCM là một bước tiến lớn của cơ quan quản lý khi lắng nghe ý kiến của phụ huynh và xã hội. Đây là một đề án kéo dài cho tới 2020 nên chúng ta có thời gian chuẩn bị làm từng bước một. Tuy số lượng giáo viên mầm non có đủ kinh nghiệm chăm sóc cho trẻ ở giai đoạn này còn thiếu, thậm chí thiếu rất nhiều nhưng khi đề án được thông qua, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ có phương án đào tạo sao cho đủ và chất lượng. Thực tế hiện nay, so sánh chất lượng giữa các trường mầm non thì trường trong hệ thống công lập vẫn có chất lượng cao, đảm bảo độ tin cậy và an toàn cho trẻ hơn nhà trẻ tư thục rất nhiều.

    Mặc dù bày tỏ sự tán thành với đề án mới của sở GD-ĐT TP.HCM nhưng TS. Nguyễn Công Thoại, hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Giám đốc công ty Tâm lý Việt vẫn không tránh khỏi e ngại: "Với điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng và nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục mầm non hiện nay tại TP.HCM thì liệu đã đáp ứng được mục tiêu của đề án hay chưa. Đặc biệt là trình độ chuyên môn của giáo viên mầm non hiện nay vẫn chưa chuyên thực sự. Vì thế, cơ quan chức năng phải cân nhắc thật kỹ bởi việc chăm sóc trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi là cả một vấn đề hết sức khó khăn và nan giải. Các giáo viên cần phải được đào tạo bài bản về chuyên môn để chăm sóc trẻ như một người mẹ. Bên cạnh đó, không thể vì nhu cầu bức thiết chăm sóc trẻ hiện nay mà các trường tiến hành ồ ạt nhận nhiều trẻ sẽ dễ dẫn đến phản tác dụng".

    Giải thích về tâm sinh lý của trẻ trong giai đoạn này, TS. Thoại cho hay: "Trẻ ở giai đoạn này đang hoàn thiện về tinh thần, thể chất, là tiền đề cho sự phát triển của trẻ sau này. Trong giai đoạn này, trẻ rất nhạy cảm, phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng, môi trường, chế độ chăm sóc. Vì vậy, chỉ cần sai sót rất nhỏ trong quá trình chăm sóc sẽ  ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này. Đặc biệt, nhiều trẻ nếu không được chăm sóc tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tự kỷ rất cao. Như vậy, việc giữ trẻ không chỉ là trông mà còn là chăm sóc rất kỹ càng, khoa học bởi trẻ yếu ớt về thể chất có thể sớm khắc phục nhưng về tinh thần thì thực sự rất khó.

    8 quận huyện thí điểm làm ngay nếu đề án được duyệt

    Ngày 6/3, sở GD-ĐT TP. HCM đã trình UBND TP. HCM đề án Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non từ 6-18 tháng tuổi. Theo đó, từ năm học 2014-2015 công tác trên sẽ được triển khai thí điểm ở các quận huyện: Quận 7, quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú. Theo đó, mỗi quận huyện thí điểm từ 1-2 trường mầm non công lập. Sang năm học 2015-2016 sẽ mở rộng thêm 4 quận (tổng cộng là 12 quận huyện) có nhận trẻ từ 6 tháng tuổi vào trường mầm non công lập là quận 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình. Và năm học 2016-2017 sẽ thực hiện đại trà tại 24 quận huyện.

    Đỗ Huệ-Thơ Trịnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-giu-tre-tu-6-thang-tuoi-vao-hoc-phu-huynh-nua-mung-nua-lo-a25211.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan