+Aa-
    Zalo

    Nhiều địa phương đồng loạt công bố mức học phí năm học 2023-2024

    (ĐS&PL) - Để đảm bảo công tác thu chi đầu năm học không xảy ra tình trạng lạm thu, nhiều địa phương đã công bố mức đóng học phí cho năm học 2023-2024 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo.

    Trước đó như đã thông tin, TP.HCM công bố mức học phí học kỳ I năm học 2023-2024. Theo đó, căn cứ vào Nghị định số 81/2021, công văn số 5459 của Bộ GD&ĐT và xét đề nghị của Sở GD&ĐT tại các tờ trình số 5787 và số 6041; Chủ tịch UBND TP chỉ đạo thống nhất chủ trương tạm thu học phí năm học 2023-2024 của các cơ sở GD&ĐT công lập trên địa bàn TP.HCM theo đề xuất của Sở GD&ĐT tại tờ trình số 6041 cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81.

    Về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP thì Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan khẩn trương tham mưu UBND TP đề nghị xây dựng Nghị quyết trình HĐND TP theo đúng trình tự thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

    nhieu dia phuong dong loat cong bo muc hoc phi nam hoc 2023 2024jpg0

    Mức học phí học kỳ 1 trường công lập ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Niên.

    Như vậy, theo tờ trình của Sở GD&ĐT TP.HCM, UBND TP.HCM thống nhất chủ trương cho các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được tạm thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024 bằng mức học phí năm học 2021-2022.

    Trong đó, mức học phí các cơ sở giáo dục công lập áp dụng theo 2 nhóm khu vực: Nhóm 1 là học sinh các trường ở TP.Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

    Đồng thời, UBND TP giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở LĐ-TB-XH triển khai và có hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện theo đúng quy định.

    Thanh Hóa vừa có chỉ đạo thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2023-2024. Cụ thể, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh tạm thu học phí bằng mức thu của năm học 2022-2023 theo Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh.

    Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh tạm thu học phí tối đa bằng 2 lần mức thu của năm học 2022-2023. Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh chủ động xây dựng lộ trình và mức thu học phí năm học 2023-2024 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 so với năm học 2021-2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021 cùa Chính phủ.

    Sở GD&ĐT An Giang cũng vừa có quyết định giữ ổn định mức thu học phí năm học 2023 - 2024 của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 theo đúng quy định. Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu các cơ sở giáo dục không được ép buộc học sinh, cha mẹ học sinh, người giám hộ học sinh nộp dịch vụ giáo dục (học phí) cả học kỳ/năm học dưới mọi hình thức; trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, khuyến khích các đơn vị chia nhỏ nhiều lần thu.

    nhieu dia phuong dong loat cong bo muc hoc phi nam hoc 2023 2024
    Mức thu học phí mầm non và phổ thông công lập năm học 2023 – 2024 trên địa bàn An Giang. (Đơn vị tính: đồng/học sinh/tháng). Ảnh: Sức khỏe và đời sống.

    Các đơn vị thu học phí mầm non và phổ thông phải niêm yết, thông báo công khai mức thu tại điểm thu; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học, theo báo Sức khỏe và đời sống.

    Ngoài ra theo báo Đầu tư, đối với tỉnh Quảng Nam, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam, mức học phí năm học 2023 - 2024 đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên cụ thể như sau:

    Đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng; khu vực nông thôn 100.000 đồng/ tháng; khu vực bãi ngang ven biển, hải đảo và miền núi là 50.000 đồng/tháng; Cấp THPT lần lượt là 300.000 đồng/tháng, 200.000 đồng/ tháng và 100.000 đồng/ tháng.

    Nghị quyết cũng nêu rõ, đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí tối đa bằng 2 lần mức học phí quy định;

    Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí tối đa bằng 2,5 lần mức học phí.

    Cơ sở giáo dục thường xuyên công lập, cơ sở đào tạo công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cùng cấp học, cùng loại hình đơn vị trên địa bàn.

    Về phía UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chưa triển khai thu học phí năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non và phổ thông trong khi chờ chỉ đạo của Chính phủ.

    Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện thu học phí năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí năm học 2021 - 2022 do nhà trường ban hành theo quy định. Riêng các chương trình đào tạo đã đạt chuẩn kiểm định thì mức học phí thu không quá 2,5 lần so với mức học phí năm học 2023 - 2024.

    Tháng 8/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua Nghị quyết về việc quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2023-2024.

    Theo đó, mức thu học phí năm học 2023-2024 đối với các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện như mức thu học phí năm học 2022-2023.

    Với Thủ đô Hà Nội, HĐND thành phố đã phê duyệt Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2023-2024.

    Theo đó, Học phí bậc mầm non, phổ thông năm học 2023-2024, dao động 50.000-300.000 đồng/tháng, và sẽ dừng chính sách hỗ trợ.

    Cụ thể, học phí với học sinh vùng thành thị là 300.000 đồng/ tháng; vùng nông thôn 100.000-200.000 đồng; vùng dân tộc thiểu số 50.000-100.000 đồng.

    Hà Nội đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định chế độ hỗ trợ học phí đối với trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông của thành phố thuộc hộ cận nghèo.

    Dự thảo Nghị định đề xuất hỗ trợ 50% mức thu học phí do HĐND TP quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên tương ứng với hình thức học và vùng, cấp học.

    Đối tượng áp dụng là trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội;

    Học viên thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội.

    Thời gian hỗ trợ từ 1/1/2024 (theo thời gian học sinh học thực tế, tối đa không quá 9 tháng/năm học). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo phân cấp.

    Tại Bắc Giang, mức thu học phí được chia thành 3 khu vực (thành thị, nông thôn và miền núi) và có sự khác nhau đối với từng vùng, từng bậc học.

    Trong đó, bậc mầm non lần lượt từ 95.000 đồng đến 320.000 đồng, bậc THCS từ 55.000 đồng đến 320.000 đồng, bậc THPT từ 105.000 đồng đến 320.000 đồng.

    2982463 8 hoc sinh 16952690335291540218733
    Một số địa phương đã thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2023-2024. Ảnh: Báo Chính phủ

    Hải Phòng dự chi hơn 400 tỉ đồng ngân sách địa phương để miễn học phí cho toàn bộ học sinh đang học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Việc miễn học phí này được thực hiện theo Nghị quyết số 54 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua năm 2019.

    Mức thu học phí năm học 2023 - 2024 của Hải Phòng gồm: khu vực thành thị, mức thu học phí 300.000 đồng/học sinh/tháng.

    Khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng cho ba bậc học mầm non, tiểu học, THCS. THPT là 200.000 đồng/học sinh/tháng.

    Hiện nay ngoài Hải Phòng còn một số địa phương khác đang thực hiện chính sách miễn học phí trong năm học 2023-2024 gồm: Quảng Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nam.

    Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong giáo dục, đào tạo.

    Cụ thể, Bộ này đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng mức học phí năm học 2022-2023 trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

    Từ năm học 2024-2025 trở đi, khung và mức học phí được điều chỉnh theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

    Với cơ sở giáo dục đại học công lập, mức trần học phí với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 bằng mức trần học phí năm học 2022-2023 tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và dự kiến tính đủ chi phí vào năm học 2026-2027.

    Bảo An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-dia-phuong-dong-loat-cong-bo-muc-hoc-phi-nam-hoc-2023-2024-a596852.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan